Cây Bông Mã đề (Mã đề) còn có tên gọi khác là Mã Tiền Á, Xa tiền, tên khoa học là Plantago asiatica L. Ở Việt Nam, cây Mã đề vừa là vị thuốc vừa là rau ăn. Lá rau Mã đề non được dùng để ăn sống cùng các loại rau ghém khác, nhất là ăn chung với các loại rau rừng khác. Lá Mã đề non cũng được dùng để xào, nấu các món canh rau mặn và chay. Canh Mã đề nấu với tôm, thịt ăn rất ngon và có tác dụng giải nhiệt, tiểu tiện dễ dàng. Chú ý, khi ăn uống vị Mã đề cần kiêng kỵ những chất kích thích đưa vào cơ thể gây nóng như: rượu, cà phê, gia vị...
Theo Đông y, Mã đề vị ngọt, tính lạnh, đi vào các kinh, can, thận và bàng quang; tác dụng chữa đái rắt, ho lâu ngày, viêm khí quản, tả, lỵ, nhức mắt, đau mắt đỏ, nước mắt chảy nhiều, lợi tiểu... Trong Y học cổ truyền Việt Nam, Mã đề được dùng làm thuốc lợi tiểu, chữa một số bệnh về tiết niệu, cầm máu, phù thũng, ho lâu ngày, tiêu chảy, chảy máu cam.
Các món ăn bài thuốc từ cây mã đề - 1© được VTC cung cấp
Dưới đây là các món ăn, bài thuốc từ cây Mã đề do Lương y Đa khoa Bùi Đắc Sáng, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Hội Đông y Hà Nội cung cấp.
1. Các món ăn có cây Mã đề
Canh Mã đề: Được trích trong sách Thánh Tuế Tổng Lục quyển thứ 190, canh Mã đề nấu từ lá mã đề, gừng, hành, muối ăn có công dụng chữa bệnh đái ra máu và đau buốt niệu đạo khá hiệu.
Cháo Mã đề: Được nấu từ lá Mã đề, gạo tẻ, hành, muối, có công dụng thanh nhiệt, trị đờm, sáng mắt, lợi tiểu. Hiện nay, cháo Mã đề khá nổi tiếng và là món ăn được ưa chuộng ở Trung Quốc.
2. Các bài thuốc từ cây Mã đề
Trị viêm cầu thận cấp tính: Mã đề 16g, Ma hoàng 12g, Sinh thạch cao làm thuốc 20g, Mộc thông 8g, Bạch truật 12g, Gừng 6g, Đại táo 12g, Quế chi 6g và Cam thảo 6g. Mỗi ngày sắc uống 1 thang.
Trị viêm cầu thận mạn tính: Mã đề 16g, Phục linh 12g, Hoàng bá 12g, Rễ cỏ tranh 12g, Hoàng lien 12g, Mộc thông 8g, Trư linh 8g, Bán hạ chế 8g và Hoạt thạch 8g. Mỗi ngày sắc uống 1 thang.
Trị viêm bàng quang cấp tính: Mã đề 16g, Hoàng liên 12g, Phục linh 12g, Hoàng bá 12g, Trư linh 8g, Rễ cỏ tranh 12g, Mộc thông 8g, Bán hạ chế 8g và Hoạt thạch 8g. Mỗi ngày sắc uống 1 thang.
Trị viêm đường tiết nệu cấp: 20g Mã đề, 15g Bồ công anh, 15g Hoàng cầm, 15g Sơn chi tử (dành dành), 20g Kim tiền thảo, 20g Cỏ nhọ nồi, 15g Ích mẫu, 30g Rễ cỏ tranh và 6g Cam thảo. Mỗi ngày sắc uống 1 thang, liên tục trong 10 ngày.
Trị viêm bể thận cấp tính: 50g Mã đề tươi, 50g Rễ cỏ tranh tươi, 50g Cỏ bấc đèn tươi. Mỗi ngày sắc 1 thang uống 2 lần. Khoảng 5 - 7 ngày là được.
Trị sỏi bàng quang: 30g Mã đề, 30g Ngư tinh thảo (diếp cá), 30g Kim tiền thảo. Mỗi ngày sắc 1 thang uống 2 lần. Uống liên tục trong 5 ngày.
Trị sỏi đường tiết niệu: Mã đề 20g, Rễ cỏ tranh 20g, và Kim tiền thảo 30g. Mỗi ngày sắc uống 1 thang hoặc hãm uống giống trà nhiều lần trong ngày.
Trị chứng bí tiểu tiện: Hạt mã đề 12g sắc uống thành nhiều lần trong ngày, có thể kết hợp thêm Lá mã đề.
Trị đi tiểu ra máu: Lá mã đề 12g và Ích mẫu thảo 12g. Mang giã nát, vắt lấy nước cốt uống.
Trị chứng tiểu ra máu, cơ thể nhiệt ở người già: Hạt mã đề giã nát, dùng khăn vải sạch bọc vào, cho vào 2 bát nước sắc còn một bát, bỏ bã, cho vào nước ấy 3 vốc Hột kê nấu thành cháo ăn lúc đói. Ăn nhiều có tác dụng làm mát người, giúp mắt sáng.
Làm lợi tiểu: Hạt mã đề 10g, Cam thảo 2g, 600ml nước, sắc lấy 200ml chia thành 3 lần uống trong ngày.
Trị chảy máu cam: Rau mã đề tươi mang rửa sạch và giã nát, tẩm vào ít nước, vắt lấy nước cốt uống. Người chảy máu cam nằm yên trên giường để gối cao đầu, bã mã đề thì đắp lên trán, nếu chảy nhiều cần dùng bông sạch nút bên mũi chảy, uống khoảng vài ngày sẽ khỏi.
Trị chốc lở ở trẻ nhỏ: Một nắm rau mã đề tươi mang rửa sạch và thái nhỏ nấu cùng 100g-150g giò sống, ăn vài ngày trẻ sẽ khỏi. Dùng canh này thường xuyên giúp phòng ngừa chốc lở.
Trị chứng sốt xuất huyết: 50g mã đề tươi, 30g củ sắn dây, 1000ml nước sắc đến khi còn 500ml uống thành 2 lần trong ngày lúc đói (uống 3 ngày), từ ngày thứ 4 mỗi ngày uống 1 lần.
Trị rụng tóc: Mã đề rửa sạch phơi khô, mang đốt thành than. Trộn với giấm ngâm khoảng 1 tuần rồi bôi lên chỗ bị rụng tóc.
Trị chứng ngứa đau bộ phận sinh dục: Một nắm to Hạt mã đề nấu lấy nước để ngâm rửa thường xuyên sẽ khỏi (theo Nam Dược Thần hiệu).
Những bài thuốc trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Cần tham khảo ý kiến của người có chuyên môn, bác sỹ để được kê liều lượng đúng phù hợp với bệnh trạng và thể chất của mỗi người.
Đông Hà