Banner chính
Thứ Sáu, 18/10/2024
Liên hiệp hội khoa học và kỹ thuật Ninh Bình

Công dụng của lá Mơ lông

Thứ Tư, 24/07/2024

Theo y học cổ truyền, mơ lông có vị đắng mát. Tác dụng kiện tỳ , hóa thấp thanh nhiệt, sát trùng, tiêu viêm, hoá đàm, khu phong.

Theo Sách Dược tính chỉ nam, lá mơ lông: Vị ngọt bùi, hơi cay không độc, công hiệu bổ được hư lao, bổ trung ích khí, ích tinh, sát trùng, ích vị, bền chắc ruột già. Công dụng: Chữa chứng đau bụng đi ngoài rất hay, dùng nước cốt bôi đắp chỗ sưng đau , hoặc chỗ sâu bọ cắn đều tốt.

Nhà khoa học, Lương y Đa khoa Bùi Đắc Sáng, Viện hàn lâm KH&CN Việt Nam, Hội Đông y Hà Nội, cho biết mơ lông là cây mọc hoang ở bụi cây, hàng rào. Toàn cây và lá đều có lông mềm và mùi khó ngửi. Mơ lông còn được trồng vào mùa Xuân-Thu ở bờ rào, bờ ao để leo; trồng dưới cây to, bóng mát. Lá mơ lông được dùng làm rau gia vị, ăn sống với dồi chó, thịt chó. Tuy nhiên, ít người biết nó còn được dùng làm thuốc.

Trên thế giới, lá mơ lông được rất nhiều nước sử dụng làm thuốc. Ở khu vực Nam Á, lá mơ được dùng làm thuốc nhuận tràng hoặc điều chỉnh chức năng ruột. Bangladesh sử dụng lá mơ để trị tiêu chảy. Lá giã nhuyễn dùng đắp để làm giảm chướng bụng và đầy hơi. Rễ và vỏ cây được sử dụng làn chất chống nôn và trị bệnh gan. Quả được dùng làm thuốc trị đau răng.

Tại Trung Quốc, lá mơ lông đã được nghiên cứu dùng điều trị các chứng đau do viêm loét dạ dày, co thắt đường mật, chấn thương và đau sau phẫu thuật, chữa viêm da thần kinh, viêm tuỷ và dị ứng dạng nổi cục, đạt kết quả tốt. Các bản thảo thuốc cổ của Trung Quốc coi mơ lông là vị thuốc độc đáo.

Lá mơ lông (Ảnh minh họa).

Theo nghiên cứu của Tây y, mơ lông (P. Foetida) có tác dụng làm giảm tác động tiêu cực của thuốc tân dược điều trị tiêu chảy. Các bác sĩ người Mỹ khuyên dùng phối hợp nước chiết từ lá mơ giã nát, uống chung với thuốc trị bệnh tiêu chảy sẽ nâng cao hiệu quả điều trị.

Theo Y học cổ truyền Việt Nam, lá mơ lông có vị chua, tính bình, có công năng trừ phong hoạt huyết, chỉ thống giải độc, tiêu thực đạo trệ, trừ thấp tiêu thũng, thường được dùng để chữa các chứng phong thấp (đau khớp), phúc thống (đau bụng), lỵ tật (kiết lỵ), phù thũng, thực tích (đầy bụng, chậm tiêu), cam tích (trẻ em suy dinh dưỡng), can tỳ thũng đại (gan, lách to), trúng độc, thoát giang (sa trực tràng), bối ung (mụn nhọt mọc ở lưng), bạch đới (khí hư), thương tổn do trật đả...

Một số bài thuốc sử dụng lá mơ lông hiệu quả như sau:

- Chữa kiết lỵ ra máu, đại tiện bất thường, ỉa chảy phân lổn nhổn: 30g mơ lông, 1 quả trứng gà, muối vừa đủ. Lá mơ vò qua, thái nhỏ, trộn, đánh đều, dàn mỏng trên lá chuối, gói lại, rồi lót thêm một lần lá chuối, đặt trên chảo, rang hay nướng cho chín, đến khi thấy lá chuối bên ngoài sém vào lá gói trong, lót thêm lá chuối nữa, lật lên lật xuống như nướng chả (không dùng mỡ) cho đến chín, ăn.

- Chữa kiết lỵ lâu ngày: Rễ mơ lông, bông mã đề, cỏ seo gà lương vừa đủ, sao qua, sắc uống.

- Chữa lỵ amip và lỵ trực khuẩn: Lá mơ 80g, cỏ nhọ nồi 160g, bách bộ 12g, lá đại khanh 30g, hạt cau 16g, vỏ đại 8g, sắc đặc uống ngày một thang.

- Chữa lỵ: Lá mơ 20g, lá trâu cổ 20g, lá lốt 10g, nụ sim 10g sắc uống ngày một thang.

- Chữa tiêu chảy ra máu: Lá mơ 6g, ram sam 6g, xuyên tâm liên 4g, cây cứt lợn 6g, ngọn cà ăn quả 16g, sắc uống mỗi ngày một thang.

- Chữa giun kim, giun đũa: Lá mơ 30-50g, muối ăn vừa đủ, giã, vắt lấy nước cốt, uống vào buổi sáng, lúc đói bụng (liên tục trong 03 ngày).

Lưu ý khi sử dụng lá mơ lông

Sử dụng lá mơ có tác dụng sẽ tùy vào từng cơ địa, bệnh nhẹ, bệnh mới chớm. Trước khi sử dụng lá mơ lông cần rửa kỹ nước muối giúp loại bỏ bụi bẩn, ký sinh trùng gây hại bám trên lá mơ.

Thu Hoài

Các tin khác