Dầu dừa được sử dụng rộng rãi trong công nghiệp, dược phẩm, thực phẩm... Đặc biệt, nó còn là loại dược phẩm chữa bệnh rất hiệu quả.
Bộ phận dùng là nước dừa và cùi dừa non từ trái dừa nước. Cùi dừa non chứa: protein toàn phần; lipid, glucid, celulose; vitamin B1, vitamin B2, vitamin PP, vitamin C. Cùi dừa già chứa protein toàn phần, lipid, glucid, celulose; vitamin B1, vitamin B2, vitamin PP, vitamin C, acid béo.
Nước dừa chứa protein, lipid, chất vô cơ, cacbonhydrat, Ca, P, Fe, nhiều acid amin và vitamin nhóm B.
Theo Đông y, nước dừa vị ngọt mát, tính bình; vào tỳ, thận và vị. Tác dụng giải nhiệt, tiêu khát, lợi niệu, giải độc, cầm máu. Cùi dừa vị ngọt, tính bình; vào tỳ, thận và vị. Tác dụng ích khí bổ dưỡng, nhuận tràng và lợi tiểu. Dùng cho các trường hợp say nắng, say nóng, sốt khát nước, nôn thổ mất nước, phù nề, tiểu ít, mụn nhọt lở ngứa, viêm da, chàm chốc...
Một số đơn thuốc và thực đơn chữa bệnh có dừa:
Nước dừa: Dừa nước 1 trái lấy cả nước và cùi non, cho uống liền hoặc để lạnh, ngày 3 lần. Dùng cho các trường hợp sốt nóng, say nắng, khát nước, phù nề, đi tiểu ít, mụn nhọt lở ngứa, viêm da, chàm chốc...
Nước dừa đường muối: Nước dừa 1 cốc 250ml, thêm 15g đường trắng, chút muối khuấy đều cho uống. Dùng cho các trường hợp suy nhược, mất nước sau mất máu, tiêu lỏng và thổ tả.
Dừa nước trị giun: Dừa nước 1 trái. Buổi sáng sớm uống nước ăn cùi dừa thay bữa ăn điểm tâm. Có tác dụng sát trùng tẩy giun đũa giun kim.
Cháo nếp dừa: Cùi dừa nửa trái, thái lát; gạo nếp lượng thích hợp cùng đem nấu cháo. Mỗi ngày cho ăn hai lần. Dùng cho các trường hợp suy nhược cơ thể, ăn kém, táo bón sau khi mắc bệnh lâu ngày.
Chữa đau dạ dày: Nước dừa già 200ml, hạt bí ngô 150g. Đun nhỏ lửa cho cạn, rồi ăn.
Kiêng kỵ: Người bị tiêu chảy không nên ăn nhiều cùi dừa.
Thu Trà (theo Y tế Việt Nam)