1. Hoa Hướng dương
Hoa Hướng dương đẹp rực rỡ, đem lại sự tươi vui. Theo tài liệu cổ, hoa Hướng dương có vị ngọt, tính bình, đi vào kinh tâm, đại trường. Đặc biệt, hoa còn là một loại kháng sinh chữa đau viêm, ù tai choáng váng, đau bụng kinh niên và viêm các khớp.
Chữa ù tai: Hoa hướng dương 50g, sinh địa 23g, mộc thông 10g, đường phèn 20g. Cho các vị thuốc vào 500ml nước, sắc kỹ còn 200ml, uống trong ngày, chia làm 3 lần.
Chữa cao huyết áp: Hoa hướng dương 60g, râu ngô 30g, đường đỏ 10g. Cho tất cả vào 500ml nước, sắc kỹ còn 200ml nước, uống trong ngày.
2. Hoa Sen
Hoa Sen có mầu hồng hoặc trắng, hương thơm ngát dễ chịu. Hoa sen và nhị sen có vị chát thơm, tính ấm, có tác dụng chữa bệnh về thần kinh, giúp an thần, thanh tâm, chỉ huyết...
Chữa mất ngủ: Hoa sen 10g, hoa nhài 5g. Bóc từng cánh hoa rửa sạch rồi cho vào nước đun cả hai loại hoa lên. Đun sôi, uống ấm, uống cả ngày thay nước trà. Uống sau khi ăn, trong 5-7 ngày.
Chữa di mộng tinh: Ngũ vị tử 15g, củ mài 20g, màng mề gà 10g, tua sen 15g. Tất cả các vị thuốc rửa sạch cho vào nồi cùng với 500ml nước, sắc cạn còn 200ml, chia 3 lần uống trong ngày. Uống trước khi ăn, uống liên tục từ 5-7 ngày.
3. Hoa Đào
Theo tài liệu cổ, hoa Đào có vị ngọt, hơi đắng, tính mát, đi vào hai kinh thận và đại trường.
Chữa bệnh phù thũng: hoa đào 10g, diếp cá 12g, rau má 10g, râu ngô 10g. Cho các vị thuốc đã rửa sạch vào 500ml nước đun sôi kỹ còn 200ml. Uống trong ngày, chia làm 3 lần, uống liên tục trong 5 ngày.
Chữa táo bón: Hoa đào 15g, mật ong 10ml. Cả hai thứ cho vào bát hấp cách thủy 15 phút, để nguội, hòa thêm 200ml nước uống hàng ngày, chia 3 lần, uống trước khi ăn. Có thể uống kéo dài đến khi đại tiện được bình thường.
Làm đẹp da mặt: Hoa đào khô 100g, tán nhỏ thành bột. Vỏ con trai nung lên, tán thành bột. Hai vị thuốc này trộn đều và thêm một chút dầu vừng, ngày bôi một lần để khoảng 2 tiếng, sau đó rửa mặt bằng nước ấm. Làm đẹp da mặt bằng hoa đào có tác dụng rất rõ ràng, làn da sáng và mịn, giảm nếp nhăn. Có thể bôi lâu dài vì đây là thảo dược, không có tác dụng phụ, không gây dị ứng.
4. Hoa Cúc vàng
Hoa Cúc vàng có mầu vàng sáng, hoa có mì thơm dễ chịu, lâu tàn. Theo tài iệu cổ, hoa cúc vàng có vị ngọt, hơi đắng, tính hơi hàn, đi vào các kinh can, thận. Đặc biệt, hoa cúc có tác dụng khu phong, thanh nhiệt, trừ ho, chữa các bệnh đau đầu, đau mắt đỏ, mắt nhìn mờ, can thận yếu...
Chữa đau đầu, mờ mắt: Hoa Cúc vàng 30g, bạc hà 20g, kinh giới 25g, xuyên khung 15g, phòng phong 12g, khương hoạt 15g, bạch chỉ 10g, cam thảo 5g, tế tân 5g. Tất cả các vị trên tán nhỏ thành bột mịn, uống ngày 3 lần trước khi ăn, mỗi lần 5g, uống với nước ấm. Uống khi nào hết đau đầu thì dừng.
Chữa can thận yếu: Hoa Cúc vàng 9g, đơn bì 9g, phục linh 9g, thục địa 15g, hoài sơn 12g, trạch tả 9g, sơn thù 9g, kỳ tử 9g. Các vị thuốc trên phơi hay sấy khô, tán nhỏ thành bột mịn, dùng mật ong quyện cho dẻo thành viên nhỏ, sấy khô dùng dần. Mỗi ngày dùng 10 viên to bằng hạt ngô.
5. Hoa Hồng
Hoa Hồng có nhiều mầu, đẹp kiêu sa, là biểu tượng của tình yêu. Trong dân gian hoa Hồng là vị thuốc quý, chữa được nhiều bệnh. Theo tài liệu cổ, hoa Hồng có vị ngọt, tính ấm, đi vào kinh phế, đại trường. Đặc biệt, hoa Hồng còn là một loại kháng sinh chữa bệnh đinh nhọt, viêm da có mủ.
Chữa ho ở trẻ em: Hoa Hống trắng 2 bông, đường phèn 15g, húng chanh 10g. Cho cả 3 thứ vào nồi hấp cách thủy 15 phút, khi dùng cho thêm một chút nước lọc cho dễ uống. Ngày uống 3 lần trước khi ăn, khi nào hết ho thì dừng.
Chữa đau bụng kinh: Hoa Hồng 8g, ngài cứu 10g, ích mẫu 10g, nghệ vàng 8g. Tất cả cho vào nồi với 500ml nước, đun cạn còn 200ml, chia làm 3 lần uống trong ngày. Uống trước khi ăn, uống trước kỳ kinh 5 ngày.
Đông Hà (theo SK&ĐS)