
Điều rất đáng quý là cây hoa giản dị này còn là một loại rau sạch, hoa và lá Thiên Lý non không những có giá trị dinh dưỡng mà còn chữa được nhiều bệnh, Theo đông y, hoa Thiên Lý có vị ngọt, tính bình, giải nhiệt, chống rôm sảy, là vị thuốc an thần, giúp ngủ ngon giấc, khắc phục tình trạng lao lực, tư bổ tâm, thận, bớt đi tiểu đêm, đỡ mệt mỏi đau lưng, chống viêm, chóng lên da non, được sử dụng trị liệu trong các chứng như viêm kết mạc cấp và mạn, viêm giác mạc và mờ đục màng mắt, viêm kết mạc do sởi, trị giun kim…lại rất dễ trồng, ở nông thôn và thành thị đều trồng được. Nhu cầu tiêu thụ hoa Thiên Lý ngày một lớn. Vì vậy, chúng tôi xin giới thiệu kỹ thuật trồng hoa Thiên Lý cho những người muốn trồng lọại rau sạch đáng quý này.
Giàn Thiên Lý đang trổ hoa
I. Thời vụ trồng
Có thể ươm trồng quanh năm, tuy nhiên để có trọn mùa hoa thu hoạch trong năm đầu bà con nên trồng vào vụ xuân.
II. Nhân giống
Dùng những đoạn dây bánh tẻ (không già quá và cũng không non quá) có đường kính 7-10mm làm hom. Cắt mỗi hom dài khoảng 1m, sau khi cắt cần chấm tro vào hai đầu vết cắt để chống chảy nhựa, mất nước và sát khuẩn. Khoanh tròn phần phía dưới để lại 2 mắt phía trên và đem trồng.
Cũng có thể nhân giống bằng cách chọn những dây lươn mọc gần gốc, vùi đoạn sát gốc xuống đất, khoảng 15 - 20 ngày sau rễ sẽ mọc nhiều, ta cắt tách rời khỏi cây mẹ đem trồng. Chú ý khi trồng đào luôn cả đất tránh tổn thương rễ, khi trồng đảm bảo tỷ lệ sống cao hơn.
III. Chuẩn bị đất trồng và làm giàn
- Chuẩn bị đất trồng: Chọn đất pha cát, nơi dễ tưới, tiêu nước. xung quanh không có cây to và núi cao che khuất. Cày bừa kỹ, lên luống cao 40 - 50 cm, luống rộng 1,2m, rãnh giữa hai luống rộng 80 cm.
Hố trồng được dào vào giữa luống, giữa các luống được bố trí trồng so le. khoảng cách cây x cây 3-4m. Hố trồng được đào sâu 40 cm, rộng và dài 0,5 - 1m. Đổ phân chuồng hoai (càng nhiều càng tốt) trộng với thuốc trừ nấm (Zined hoặc CopperzineZ,...) và một ít đất mặt vừa phải, toàn bộ hỗn hợp trộn đó được cho xuống hố (cao hơn miệng hố 1-2 cm) để sau 1 tuần thì tiến hành trồng.
- Làm giàn: Sau khi chuẩn bị đất xong tiến hành làm giàn. Làm giàn bao toàn bộ diện tích ruộng trồng, cao 1,6-1,7 m.
Nếu có điều kiện về vốn thì sử dụng cọc được đổ bằng bê tông, bên trong có 3-4 cọc sắt I6. Cọc được chôn thành hàng theo rãnh giữa hai luống, khoảng cách giữa các cọc 4-5 m, sau đó dùng dây kẽm căng đan xen ngang, dọc để làm giàn cho dây leo. Loại giàn này vững và sử dụng được thời gian dài.
Có thể sử dụng các vật liệu sẵn có ở địa phương để làm giàn như gỗ, tre, luồng, ... Loại giàn này sử dụng cọc nhiều hơn, khoảng cách cọc 2-2,5m, cọc càng lớn càng tốt (tối thiểu bằng thân cây tre già). Sử dụng dây kẽm căng đan xen ngang, dọc, cũng có thể sử dụng gỗ, tre, luồng bắc nối ngang dọc làm giàn cho dây leo. Các hàng cọc ngoài cùng cần được neo, chống cố định, vững chắc.
IV. Trồng và chăm sóc
- Trồng:
Đối với cây được nhân bằng cách vùi đoạn sát gốc xuống đất để tạo rễ, tiến hành tách rời cây giống khỏi cây mẹ, đào luôn cả đất và rễ đem trồng vào hố trồng.
Đối với cây giống được nhân bằng hom, đặt phần khoanh tròn của hom xuống, lấp đất chừa lại 2 mắt mằm phía trên mặt đất và nén chặt.
Sau khi trồng xong tưới nước đủ ẩm và rào bảo vệ.
- Chăm sóc: Chọn những chồi tốt nhất làm dây cái cho leo lên giàn, những dây phát triển kém thì cắt bỏ. Đảm bảo đủ ẩm, úng phải tiêu nước ngay. Khi cây leo cao được 2m tiến hành bón thúc bằng nước giải pha loãng 1/20 (1 lít nước giải pha với 20 lít nước) tưới cách gốc 60 cm. Khi cây nằm trên giàn 30-50 cm mới cho phát triển nhánh, chủ động dẫn nhánh toả kín giàn, tránh để các nhánh quấn vào nhau.
Khi cây Thiên Lý cho hoa tiến hành bón phân bổ sung cho cây. Rễ Thiên Lý là loại rễ ăn cạn nên khi bón phân không cần xới xáo, chỉ cần rãi phân và sau đó phủ lên một lớp mùn và lá khô là được. Bình quân mỗi tháng bổ sung phân một lần, khoảng 5-10 kg phân chuồng hoai + 100-150g NPK (16-16-8) cho một gốc.
V. Thu hoạch
Thu hoạch hoa Thiên Lý khi chùm nụ hoa gần nở (khoảng 1 ngày trước khi nở hoa), nên tiến hành vào buổi sáng sớm, 3 ngày thu hoạch 1 lần. Thu hoạch xong nếu chưa vận chuyển ngay thì rải ra, để trong bóng tối hạn chế hoa nở.
VI. Sâu bệnh và cách phòng trừ
Rệp: phải kiểm tra hàng ngày, nếu ít bắt bằng tay, nếu nhiều phải dùng chổi lông quét rệp vào tờ bìa cứng rồi đốt cháy rệp. Khi có nụ phải kiểm tra xem rệp có chui vào kẽ chùm nụ hay không, nếu có thì dùng tăm nhọn đẩy rệp ra xử lý.
Nấm đen: phát triển trên lá và dây. Nó làm cho cây chảy nhựa và suy yếu. Phòng nấm đen bằng cách không để lá dày nhiều lớp, hái bớt lá non để ăn, lá già để làm phân. Nếu thấy nấm đen, hái toàn bộ lá có nấm rắc vôi bột và đem chôn, pha nước vôi quét vào dây có nấm.
Nếu trồng hoa Thiên Lý ở những khoảng trống trong sân, vườn nhà thì cần bố trí nơi có nhiều ánh nắng. Đất phải được đắp thành ụ cao 30 40 cm, đường kính 1-1, 5 m. Diện tích giàn phải đảm bảo 10-12m2/gốc.
Cây Thiên Lý nếu được chăm sóc tốt, trồng một lần có thể cho thời gian kinh doanh từ 3-4 năm. Hàng năm vào mùa đông tiến hành cắt hết những nhánh phụ, để lại bộ khung, sang xuân cây sẽ ra những nhánh mới và tiếp tục cho hoa.
Vũ Đình Tụy