1. Đặc điểm sinh học
Tỏi thuộc họ hành tỏi, tên khoa học là Alium sativum (L). Tỏi thuộc cây thân cỏ, mọc hàng năm, lá dẹp và dày. Củ tỏi nằm phía dưới mặt đất, củ chia thành nhiều múi nhỏ. Củ tỏi màu trắng nhạt, các múi có mùi hăng, vị cay, tính nóng. Hoa tỏi mọc ra trên một cuống hoa dài. Cuống hoa mọc trực tiếp từ củ tỏi.
Hoa tỏi rộng ra hình tán, có củ tán giả trông giống hình cầu.
Tỏi là cây chịu lạnh tốt, cây có thể sinh trưởng và phát triển ở nhiệt độ 18-20°c, còn để tạo củ thì cần từ 20-22°c. Tỏi ưa ánh sáng dài ngày, nếu có đủ nắng trong 12 giờ/ngày thì cây sẽ ra củ nhanh. Tỏi cũng là loại cây ưa nước nhưng ở mức độ vừa phải. Nếu thiếu nước cây sẽ đanh lại, củ nhỏ còn nếu thừa nước thì sẽ gây ra hiện tượng úng củ, thối củ làm cho củ không giữ được lâu.
Tỏi được chia làm 2 loại:
- Tỏi trắng: lá xanh đậm, to bản, củ to, đường kính khoảng 4cm. Củ tỏi vỏ màu trắng nên gọi là tỏi trắng, loại tỏi này bảo quản kém.
- Tỏi tía: lá dầy, cứng màu xanh nhạt, củ chắc và cay; dọc thân gần củ có màu tía. củ tỏi tía nhỏ hơn củ tỏi trắng (đường kính 3,5-4cm). Tỏi tía có hương vị đặc biệt nên được trồng nhiều.
2. Chế biến
Tỏi là một món ăn gia vị phổ biến. Người ta thường dùng tỏi để pha chế các loại nước chấm, xào nấu, muối dưa hoặc ăn sống để chữa bệnh. Trong tỏi có chất alixin có tác dụng diệt khuẩn. Trong y học, người ta dùng tỏi để trị bệnh thương hàn, tả lỵ, bạch hầu. Tỏi còn chữa đầy hơi bằng cách ăn trực tiếp hoặc giã nhỏ xoa vào bụng. Khi cảm cúm thì ăn tỏi hoặc uống rượu tỏi cũng khỏi.
3. Kỹ thuật trồng tỏi
a. Xử lý đất
Tỏi là cây lấy củ nên yêu cầu đất trồng tỏi khá cao. Đất trồng tỏi cần tơi xốp, nhiều mùn không chua (pH từ 6 đến 6,5 là được). Đất cần phải cày xới kỹ, phơi nắng nhiều để loại trừ một số loài sâu đất. Sau khi bừa nhỏ thì đánh luống cao 20-30 cm, rộng l-1,5m. Để tiết kiệm nên bón phân sau khi đã rạch hàng (giống như thao tác với gừng, nghệ).
Lượng phân dùng cho 1 ha là 20-25 tấn phân chuồng hoai, 400-500 kg lân, 400 kg kali.
b. Cách trồng tỏi
Tỏi trồng bằng củ, lấy củ tỏi tách rời các múi ra rồi chọn lấy các múi chắc, mập để trồng. Tỏi trồng theo hàng ngang của luống, mỗi hàng 5-6 lổ trồng (khoảng cách bình quân khoảng 20cm). Sau khi bỏ phân xong cần rải một lớp đất mỏng, mịn lên trên rồi cắm múi tỏi xuống sao cho đầu ra mầm hướng lên phía trên. Sau khi cắm mầm tỏi nên phủ một lớp đất bột lên trên, tiếp đó phủ lên các rãnh một ít rơm rạ rồi tưới nước làm ẩm để kích thích tỏi mọc nhanh.
Thời vụ trồng tỏi ở mỗi vùng khác nhau: ở miền Nam, người ta trồng tỏi từ đầu tháng 10 dương lịch và thu hoạch vào khoảng tháng 1, tháng 2 năm sau. Ở miền Bắc, tỏi trồng từ giữa tháng 10 đến giữa tháng 11 (dương lịch) và thu hoạch vào khoảng tháng 2 năm sau.
c. Chăm sóc tỏi
Tỏi thuộc giống cây ưa mát, ưa ẩm nên phải tưới nước đều đặn. Để nguyên lớp rơm rạ như khi trồng để giữ ẩm cho đất. Mặt khác việc để rơm rạ còn tránh nóng cho cây.
Khoảng nửa tháng sau cây mọc nên tưới đạm với liều lượng 30-40 kg urê/ha. Khi tưới nên cho nước chảy vào sát gốc, không nên tưới lên lá. Trong vòng sinh trưởng của tỏi nên tưới khoảng 4-5 lần.
Muốn cho củ tỏi chắc, to thì nên bón thêm lân, kali hoặc tro bếp. Ở một số vùng miền Bắc, người ta tưới tỏi bằng nước tiểu pha (tl lệ 1/10) vào buổi sáng và buổi chiều.
4. Phòng chữa bệnh cho tỏi
4.1. Bệnh sương mai
Bệnh này xuất hiện khoảng cuối tháng 11 (dương lịch) khi nhiệt độ thấp, độ ẩm cao. Vào những ngày có sương nên tưới nước lã để rửa lá, phòng bệnh sương mai còn phải phun thuốc. Thuốc phun có các loại: Boóc đô 1% (gồm l kg phèn xanh, l kg vôi cục, 100 lít nước lã). Zineb 80% phun khoảng 18-20 lít/1 sào Bắc bộ.
4.2. Bệnh than đen
Trên củ tỏi vào lúc sắp thu hoạch thường xuất hiện các chấm đen, để phòng bệnh này người ta phun dung dịch Zineb 2-4%0. Nếu phát hiện củ bị bệnh thì phải lựa ra để loại bỏ.
5. Thu hoạch tỏi
Từ khi mọc đến khi thu hoạch mất khoảng 4 tháng, khi quan sát thấy lá tỏi đã già, héo thì có thể thu hoạch tỏi. Người ta nhổ củ, rũ sạch đất, bó thành chùm rồi treo lên dây ở chỗ thoáng.
Chọn củ tỏi làm giống cho mùa sau phải lấy những củ già (thời gian sinh trường khoảng 140 ngày), to (đường kính 3,5-4cm), nhiều múi (12-13 múi) không bị bệnh. Bó tỏi chung lại rồi cất ở nơi thoáng hoặc cất lên gác bếp.
Thanh Mai (SK&ĐS)