Banner chính
Thứ Năm, 21/11/2024
Liên hiệp Các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Ninh Bình

Quy trình kỹ thuật thâm canh đậu tương

Thứ Hai, 14/09/2015
I. Kỹ thuật gieo trồng
1. Chế độ trồng trọt
Đậu tương là cây ngắn ngày nên có thể đưa vào công thức luân canh tăng vụ hoặc trồng xen, gối tuỳ theo đặc điểm khí hậu, thời tiết, đất đai và tập quán canh tác từng vùng:
- Chế độ trồng xen: Có thể trồng xen đậu tương với các loại cây lương thực (ngô) và cây công nghiệp như, dâu tằm, cao su hoặc cây ăn quả… ở thời kỳ kiến thiết cơ bản.

2. Làm đất
- Cày sâu 18-20 cm, bừa kỹ đất nhỏ, sạch cỏ dại, bằng phẳng, tơi xốp. Nếu đất đồi cần làm theo đường đồng mức để tránh xói mòn.
- Lên luống rộng 1,2-1,8 m; rãnh cao 20 cm, thuận tiện cho việc đi lại chăm sóc.
- Đối với vụ Đông trên đất 2 lúa có thể làm đất tối thiểu hoặc không làm đất.

3. Thời vụ trồng
- Vụ Xuân: 15/2-15/3;
- Vụ Hè thu: 15/6-15/7;
- Vụ Hè 20/5-15/6;
- Vụ Đông: 10/9-5/10.

4. Khoảng cách, mật độ trồng
Tuỳ thuộc vào giống, thời vụ trồng, đất đai, trình độ thâm canh mà có mật độ trồng khác nhau.
- Vụ Xuân: Giống chín sớm: 50-55 cây/m2, giống chín TB: 40-45 cây/m2, iống chín muộn: 30-35 cây/m2.
- Vụ Thu: Giống chín sớm: 45-50 cây/m2;
- Vụ Đông: Giống chín sớm: 55-60 cây/m2, giống chín TB: 45-50 cây/m2;
- Lượng giống 70-80 kg/ha (tỷ lệ nảy mầm đạt trên 90%).


5. Cách gieo
Gieo hạt khi đất đủ ẩm, trước khi gieo phải bón phân vào rãnh hoặc hốc, gieo hạt xong lấp một lớp đất tơi xốp dày 2-3 cm, không gieo sâu quá 5cm.
Đối với đậu tương trên đất 2 vụ lúa: Trước khi gieo hạt cho nước vào để làm cho đất đủ ẩm, sau đó rút sạch nước mặt, vạch thành hàng hay dùng que ấn thành hàng cách nhau 25-30 cm để gieo hạt. Trên cùng một hàng gieo cách nhau 5-10 cm/1hạt, hoặc theo khóm cách nhau 13-15cm, mỗi khóm 2-3 hạt, lấp hạt bằng đất trộn NPK hoặc phân chuồng hoai mục.

II. Chăm sóc
1. Bón phân
- Lượng phân bón: Tuỳ theo từng loại đất, loại giống, mùa vụ,… mà có lượng phân bón cho thích hợp.
+ Đất phù sa: Lượng phân bón cho 1 ha là:  5-6 tấn phân chuồng + 20 kgN  40-60 kg P205  + 40-60 kg K20
Cụ thể lượng phân bón cho một sào (500 m2) là 2,5-3 tạ phân chuồng + 2,2 kg đạm urê + 15-18 kg supe lân + 4-5 kg kali clorua, hoặc dùng phân NPK loại 5-10-3 với lượng 20- 30 kg + 2,5 kg kali clorua + 2,5-3 tạ phân chuồng.
+ Đất bạc màu, đất cát biển, đất feralit trên nền phù sa cổ: Lượng phân bón cho 1 ha  là: 8-10 tấn phân chuồng + 30kgN + 60kg P20 + 60 kg K20.
Cụ thể lượng phân bón cho một sào là 4-5 tạ phân chuồng + 3,3 kg đạm urê + 18 kg supe lân + 5kg kali clorua, hoặc dùng NPK loại 5-10-3 với lượng 30kg + 3,5 kg kali clorua + 4-5 tạ phân chuồng.
Tuỳ vào độ chua của từng loại đất để bón từ 15-25 kg vôi bột/sào.
- Cách bón
+ Đối với phân đạm, lân, kali riêng rẻ:  Bón lót toàn bộ phân chuồng, lân, vôi, 50% lượng đạm và 50% kali. Bón  thúc 50% lượng đạm và 50% lượng kali kết hợp làm cỏ, vun gốc khi cây có 3-5 lá.
+ Đối với phân hỗn hợp NPK: Bón lót 70% lượng phân NPK + phân chuồng + vôi, bón thúc 30% lượng phân NPK còn lại + toàn bộ lượng kali khi cây có 3-5 lá.

2. Xới, vun, làm cỏ, tỉa cây, bón thúc.
- Làm cỏ, xới vun đợt 1 khi cây có 1-2 lá thật, tỉa dặm cây đều để cây không lấn át nhau.
- Đợt 2 xới, xáo, bón phân thúc 50% đạm và 50% kali và vun gốc khi đậu có 3-5 lá.

3. Tưới tiêu nước
Đậu tương là cây trồng cạn nhưng kém chịu hạn. Nhu cầu nước của cây đậu tương lớn nhất vào thời kỳ ra hoa làm quả. Đậu tương khi gieo cần độ ẩm 50% mới mọc được, vụ Hè thu làm xong đất cần gieo ngay. Đậu tương cần được tưới khi thời kỳ cây con, ra hoa làm quả. Nếu bị hạn ở các thời kỳ trên sẽ giảm năng suất, nếu mưa lớn cần thăm ruộng thường xuyên để tiêu úng.

4. Phòng trừ sâu bệnh
4.1. Sâu hại
a. Sâu xám

- Triệu chứng: thường cắn ngang thân cây. Phá hại nặng vụ Xuân, vào thời kỳ cây con.
- Biện pháp  phòng trừ: Làm đất kỹ để diệt nhộng và sâu non thường ẩn nấp cách mặt đất 4-6 cm. Có thể dùng thuốc hoá học trừ diệt sâu non và sâu tuổi 1-3. Với sâu tuổi 4-5, tổ chức bắt vào buổi sáng sớm.

b. Ruồi đục thân
- Triệu chứng: Phá hoại ở các bộ phận của cây như lá hoặc thân.
- Biện pháp phòng trừ: Luân canh với các cây trồng khác như lúa… Dùng các loại thuốc hoá học như  BiAn 40EC, BiAn 50EC… theo liều khuyến cáo ghi ngoài bao bì, nhãn mác.

c. Sâu đục quả
- Triệu chứng: Sâu phá hoại khi cây có quả non, hạt mới hình thành bị sâu đục không phát triển nữa.
- Biện pháp phòng trừ sâu non: Phun thuốc sớm trừ sâu non bằng Surpacide 40ND, Dipterex. Luân canh với các cây trồng không phải là ký chủ của sâu đục quả, chọn thời vụ trồng thích hợp.

d. Sâu hại lá (sâu xanh, sâu khoang, sâu cuốn lá)
- Triệu chứng: Gây hại trên lá.
- Biện pháp phòng trừ: Dùng thuốc hoá học như  BiAn 40EC, BiAn 50EC, Sherpa, Polytin, Oncol… theo liều khuyến cáo ghi ngoài bao bì nhãn mác…

e. Bọ xít xanh:
- Triệu chứng: Chích hút lá, quả làm lá sinh trưởng kém, quả lép, không chín được.
- Biện pháp phòng trừ: Dùng các loại thuốc hoá học như BiAn 40EC, BiAn 50EC,Padan 95SP, Dipterex... theo liều khuyến cáo.

4.2. Bệnh hại
a. Bệnh rỉ sắt

- Nguyên nhân: Do nấm.
- Triệu chứng: Cây bị bệnh xuất hiện đốm nâu ở mặt dưới lá. Bào tử nấm phát triển trong vết bệnh, làm giảm diện tích quang hợp của lá làm lá vàng, mất khả năng quang hợp, rụng sớm, làm giảm số lượng và trọng lượng hạt.
- Biện pháp phòng trừ: Có thể dùng các loại thuốc hoá học như Score 250ND, Zineb, Boocđo... theo liều khuyến cáo ghi ngoài bao bì nhãn mác.

b. Bệnh lở cổ rễ
- Nguyên nhân: Do nấm.
- Triệu chứng: ở cổ rễ có một lớp sợi trắng, cây bị vàng úa và bị chết.
- Biện pháp phòng trừ: Xử lý hạt giống bằng thuốc trừ nấm trước khi gieo.

c. Bệnh virus và vi khuẩn
- Nguyên nhân: Do virus và vi khuẩn gây hại.
- Triệu chứng: Làm hạt mất sức nảy mầm, cây lùn thấp, đốt ngắn, lá xoăn vàng, hoa lá rụng sớm.
- Biện pháp phòng trừ: Tốt nhất là chọn giống chống bệnh.
Tóm lại: Đối với sâu bệnh hại đậu tương cần áp dụng các biện pháp phòng trừ tổng hợp như dùng giống sạch bệnh, bón phân cân đối hợp lý, xử lý hạt giống trước khi gieo, sử dụng các loại thuốc hoá học đúng đối tượng và thời điểm.

III. Thu hoạch và bảo quản
1. Thu hoạch
Khi trên cây có 90% quả đã chín màu vàng xám thì bắt đầu thu hoạch, cắt cây về phơi khô đập lấy hạt. Nên thu vào lúc nắng ráo, phơi khô, đập ngay; hoặc đập sau ủ 1-2 ngày. Phơi hạt tới khi khô giòn (cắn giòn không dính răng), khi độ ẩm còn 12% thì đưa vào bảo quản.
Những ruộng làm giống thì cần khử lẫn, loại bỏ những cây xấu bị bệnh. Cần chọn và thu cây đẹp, đúng chúng loại giống, không sâu bệnh, quả chín đều. Không phơi trực tiếp xuống sân gạch mà ảnh hưởng đến chất lượng hạt giống.

2. Bảo quản
Tuỳ theo cơ sở vật chất có được mà có điều kiện bảo quản khác nhau. Thường sau khi phơi khô 2-3 giờ thì đưa vào bảo quản trong chum, vại hoặc bao tải đã được vệ sinh sạch sẽ. Chum, vại đựng đậu giống phải đựng đầy, có biện pháp chống ẩm. Kho giống phải khô ráo, thoáng, có chất cách ẩm, giống xếp cách trần 30-40 cm.

Đinh Cóong (Theo Tuổi trẻ Thanh Hoá)

Các tin khác