
Ninh Bình ở phía nam đồng bằng sông Hồng, cách thủ đô Hà Nội hơn 90 km. Theo các tài liệu điều tra về địa chất, đất đai Ninh Bình được hình thành qua hai giai đoạn:
- Vùng núi hiện nay được hình thành vào đầu nguyên đại Trung sinh, kỷ Triats cách đây hơn 200 triệu năm. Do ảnh hưởng của chuyển động tạo sơn Kimeri, núi đá vôi ở Ninh Bình là phần tiếp nối của hệ thống núi đá vôi từ Vân Nam Trung Quốc chạy qua tỉnh Sơn La, Hòa Bình, Ninh Bình tới biển đông. Hiện tượng sụt lún và biển tiến đã hình thành vịnh Nho Quan.
- Đến nguyên đại Tân sinh, kỷ Paleogen cách nay khoảng 70 triệu năm, do ảnh hưởng của tạo sơn Anper đã nâng phần phía nam sông Hồng lên làm cho biển lùi dần. Được phù sa sông Hồng và các sản phẩm vùng đồi bồi đắp, tạo thành đồng bằng ngày nay.
Địa hình, địa mạo Ninh Bình nghiêng theo hướng từ tây bắc xuống Đông - Nam, thấp dần ra biển, chia thành 3 vùng: Vùng núi, nằm phía Tây - Tây Nam tỉnh, diện tích khoảng 34.000 ha, độ cao trung bình từ 90 đến 120 m; tập trung tới 90% diện tích đồi, núi và rừng toàn tỉnh. Vùng đồng bằng, diện tích khoảng 99.000 ha; độ cao trung bình 0,9 đến 1,2 m. Vùng ven biển, chạy dài trên 16 km ven biển; diện tích khoảng 6.000 ha. Theo tài liệu điều tra, đất đai tỉnh Ninh Bình bao gồm 19 loại, chia thành 5 nhóm: Nhóm đất mặn, nhóm đất phù sa, nhóm đất xám bạc màu, nhóm đất đỏ vàng và nhóm đất thung lũng dốc tụ.
Đặc điểm địa hình, địa mạo, thổ nhưỡng như nêu trên đã quyết định đến phân bố, số lượng, chất lượng tài nguyên rừng của tỉnh. Rừng của Ninh Bình hầu hết phân bố trên vùng đồi núi thuộc các huyện Nho Quan, Tam Điệp, Gia Viễn, Yên Mô.Theo số liệu điều tra xã hội, rừng của Ninh Bình có nhiều biến động qua các thời kỳ. Vào những năm 60 của thế kỷ XX, rừng khá phong phú về chất và số lượng. Trên vùng đồi núi của các huyện Nho Quan, Tam Điệp, Gia Viễn, Yên Mô hầu hết có rừng. Đặc biệt, rừng trên núi đá vôi vùng núi Nho Quan, khu vực ngoại vi vườn quốc gia Cúc Phương rất tốt, trữ lượng khá. Theo dấu vết của rừng còn đến ngày nay, có thể nhận thấy đã từng có rừng lim xanh, giẻ, sau sau và các diễn thế giẻ-lim, sau sau-lim. Đến nay, trên núi đá còn lại những cổ thụ. Sâu trong một số thung lũng ở Hoa Lư, Gia Viễn, còn một số quần thụ khá tốt. Bằng chứng thuyết phục nhất là sự tồn tại của khu rừng nguyên sinh Cúc Phương. Đến thập niên 80 của thế kỷ XX, rừng tự nhiên của Ninh Bình hầu như không còn, trừ Vườn quốc gia Cúc Phương.
Từ sau đó, quá trình phục hồi rừng diễn ra rất quyết liệt, tốn kém, có thu được kết quả khả quan. Hơn 12.000 ha núi đá có cây đã được đưa vào khoanh nuôi, bảo vệ, hơn 3.000 ha rừng mới trồng, làm tăng đáng kể độ che phủ của thảm thực vật rừng; tạo điều kiện cho công tác bảo vệ và phát triển các hệ sinh thái và đa dạng sinh học. Thảm thực vật ở Vườn quốc gia Cúc Phương, ở rừng đặc dụng Hoa Lư, khu bảo tồn thiên nhiên Vân Long là những đại diện cho sự phong phú của đa dạng sinh học. Điều tra đa dạng sinh học gần đây nhất cho thấy: tại Vườn quốc gia Cúc Phương có tới 2.427 loài thực vật, 660 loài thú.
Tại Khu bảo tồn thiên nhiên Vân Long có 457 loài thực vật, hơn 300 loài động vật. Đặc biệt ở Vân Long hiện có số lượng Vọoc mông trắng lớn nhất Việt Nam. Rừng của Ninh Bình cũng là tài nguyên du lịch quý giá. Sử dụng khôn khéo tài nguyên rừng chính là một phần của chiến lược phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn ra với tốc độ nhanh hơn dự báo.
Voọc mông trắng ở Khu Bảo tồn thiên nhiên Vân Long, tỉnh Ninh Bình.
Mục tiêu cần đạt được trong công tác quản lý, bảo vệ rừng thời gian tới là: Bảo vệ bằng được diện tích rừng tự nhiên là rừng đặc dụng, rừng phòng hộ; phát triển mạnh rừng sản xuất gắn với xóa đói, giảm nghèo; bảo vệ và tăng cường đa dạng sinh học trên các hệ sinh thái rừng. Để đạt được mục tiêu đó, một số nhóm giải pháp được đề xuất cần được quan tâm là:
- Về quản lý: Rà soát, bổ sung quy hoạch 3 loại rừng theo hướng: Ổn định diện tích rừng đặc dụng; quy hoạch hợp lý diện tích rừng phòng hộ; tăng diện tích rừng sản xuất. Xây dựng quy định của tỉnh để quản lý chặt chẽ 3 loại rừng. Tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về rừng của chính quyền các cấp theo quy định của Luật bảo vệ và phát triển rừng; tăng cường pháp chế lâm nghiệp.
- Về cơ chế, chính sách: Cần tiến hành khẩn trương chủ trương giao, khoán, cho thuê đất và rừng. Ngân sách nhà nước tiếp tục đầu tư trồng và bảo vệ rừng đặc dụng, một phần rừng phòng hộ. Tăng cường hợp tác quốc tế về bảo vệ và phát triển rừng. Khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư trồng rừng sản xuất, xây dựng, nghiên cứu khoa học và khai thác du lịch sinh thái trong các khu rừng đặc dụng.
Hơn 1000 năm trước, rừng núi Ninh Bình là nơi đóng đô của nhà nước Đại Việt. Ngày nay, rừng núi Ninh Bình đã và đang góp phần xứng đáng vào quá trình làm giàu, đẹp đất nước, bảo tồn các giá trị của Cố Đô ngàn năm văn vật.