Triệu chứng: Những triệu chứng ban đầu của ung thư vòm họng gần giống với các bệnh tai mũi họng thông thường nên người bệnh rất dễ nhầm lẫn. Vì vậy, đừng chủ quan nếu thấy cơ thể mắc một số triệu chứng kéo dài như chảy máu cam, nghẹt mũi, ù tai và nghe kém, đau nửa đầu, nổi hạch ở cổ và hội chứng nội sọ.
Phát hiện sớm ung thư vòm họng mặc dù không dễ nhưng điều quan trọng là cần có ý thức cảnh giác khi có các triệu chứng bất thường về tai mũi họng kéo dài mà điều trị thông thường không khỏi.
Nguyên nhân: Cho đến nay, nguyên nhân gây ra bệnh ung thư vòm họng chưa được kết luận một cách chính xác. Các nhà khoa học chỉ mới tuyên bố nguyên nhân gây bệnh của căn bệnh này rất có thể là một loại virus mang tên Epstein-Barr (EBV), được phát hiện ở Uganda, các nước ven Thái Bình Dương, đặc biệt là ở Quảng Đông, Trung Quốc và một số nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Người có nguy cơ mắc bệnh ung thư vòm họng cao hơn bình thường nếu thường xuyên tiếp xúc với khói, bụi, môi trường thiếu oxy, các loại hóa chất thơm (đặc biệt là hydrocarbon), hoặc ăn nhiều cá muối và các thức ăn lên men, uống nhiều rượu, hút nhiều thuốc lá.
Các giai đoạn của bệnh: Ung thư vòm họng trải qua bốn giai đoạn. Ở giai đoạn 1, khối u còn khu trú ở một vùng giải phẫu. Sang giai đoạn 2, u đã lan ra hai vùng giải phẫu nhưng vẫn chưa phát hiện được hạch và chưa thấy di căn xa. Bệnh bước qua giai đoạn 3 là lúc khối u đã xâm lấn vào mũi hoặc xuống họng miệng, chưa phát hiện được hạch hoặc hạch cổ một bên di động nhưng vẫn chưa di căn xa. Nếu để bệnh phát triển sang giai đoạn 4, khối u sẽ xâm lấn vào nền sọ và làm tổn thương dây thần kinh sọ não.
Điều trị ung thư vòm họng cần căn cứ theo giai đoạn của bệnh, với những người phát hiện ung thư ở giai đoạn đầu thường có khả năng chữa khỏi đến 98%.
Phương pháp điều trị: Hiện nay, giới y khoa áp dụng ba phương pháp phổ biến nhất để điều trị ung thư vòm họng là xạ trị, hóa trị, phẫu thuật.
Thường thì xạ trị được áp dụng cho các giai đoạn sớm. Đây là phương pháp điều trị quan trọng nhất bằng cách dùng các chùm tia phóng xạ mạnh như tia X để phá hủy mô ung thư. Tuy nhiên, xạ trị gây một số tác dụng phụ tạm thời như da vùng xạ bị mẩn đỏ, nghe không rõ và khô miệng.
Đối với phương pháp hóa trị, có dạng thuốc uống và dạng thuốc truyền tĩnh mạch. Trước đây hóa chất chỉ được sử dụng khi ung thư vòm có di căn xa hoặc thất bại khi điều trị bằng tia xạ. Tuy nhiên, xu hướng mới hiện nay là điều trị tia xạ kết hợp với hóa chất ngay từ đầu để làm tăng hiệu quả.
Với sự tiến bộ của phẫu thuật nền sọ, kết hợp với nội soi đã mở ra cơ hội chữa khỏi bệnh cho những bệnh nhân ung thư vòm thể kém đáp ứng với tia xạ như thể sừng hóa hoặc tái phát. Phẫu thuật còn có thể loại bỏ các hạch di căn ở vùng cổ giai đoạn còn khu trú.
Trong 2 năm đầu tiên sau điều trị, cần phải theo dõi định kỳ ít nhất vài tháng một lần. Nếu người bệnh được xạ trị ở cổ, cần kiểm tra chức năng tuyến giáp với các xét nghiệm máu 1-2 lần/năm. Sau điều trị nên kiểm tra thêm sức khỏe của răng, chức năng nuốt và nói chuyện để xem quá trình điều trị có gây ảnh hưởng hay không. Khi thấy bất kỳ dấu hiệu bệnh quay trở lại, cần chụp CT hoặc PET/CT. Đồng thời, người bệnh cần có chế độ dinh dưỡng, tập luyện, hoạt động thể chất hợp lý, tránh dùng thuốc lá, bia rượu.
Đông Hà (Tổng hợp)