1. Đặc điểm tổn thương bỏng
Bỏng thông thường hay bỏng nông gây nên các tổn thương như viêm cấp tính da, bỏng biểu bì, bỏng trung bì. Trong các nguyên nhân gây bỏng thì bỏng do nhiệt hay gặp nhất, chiếm tỷ lệ 84 đến 93% các trường hợp và được chia làm 2 nhóm gồm nhiệt khô với tác nhân là lửa, tia lửa điện, kim loại nóng...; nhiệt ướt với tác nhân là nước sôi, thức ăn nóng sôi, dầu mỡ sôi, hơi nước nóng... Ngoài bỏng do nhiệt, thực tế còn gặp các trường hợp bỏng do dòng điện, hóa chất, bức xạ.
Viêm cấp tính da do bỏng còn gọi là viêm vô khuẩn cấp tính với biểu hiện da khô, đỏ, phù nề, đau, rát; thường khỏi sau 2-3 ngày, có thể thấy lớp sừng hóa khô và bong ra. Bỏng biểu bì với biểu hiện trên nền da viêm cấp tính có nốt phỏng chứa dịch màu vàng nhạt; đáy nốt phỏng màu vàng ánh, ướt, có dịch xuất tiết; tổn thương bỏng tự tái tạo lại bằng sự phân bào của lớp tế bào mầm trong khoảng thời gian 8-12 ngày, nếu điều trị tốt sẽ khỏi và lên da non.
Bỏng trung bì còn gọi là bỏng trung gian rất khó chẩn đoán chính xác trong những lần khám đầu tiên. Dấu hiệu lâm sàng thể hiện các nốt phỏng vòm đầy, dịch nốt phỏng đục, màu hồng, đáy nốt phỏng màu đỏ, tím sẫm hoặc trắng bệch hay màu xám, đám da bị hoại tử thường là hoại tử ướt; thử cảm giác ở vùng bỏng vẫn thấy còn một phần cảm giác đau.
Bỏng trung bì diễn biến theo kiểu rụng hoại tử, tái tạo mô hạt có nhiều đảo biểu mô rải rác mọc và phủ lên diện mô hạt hình thành sẹo bỏng. Thời gian khỏi, thành sẹo khoảng 18-45 ngày phụ thuộc vào cách điều trị và số lượng các thành phần biểu mô còn nguyên vẹn. Nếu bị nhiễm khuẩn hoặc nằm đè lên vùng bỏng thì bỏng trung bì có thể chuyển thành bỏng sâu với các thành phần biểu mô bị tiêu hủy thứ phát.
Bỏng thường được chia làm 4 mức độ với các tổn thương ghi nhận như: Bỏng độ 1 da đỏ và không phồng rộp da. Bỏng độ 2 da bị phồng rộp và dày lên. Bỏng độ 3 vùng da dày lan rộng với màu trắng. Bỏng độ 4 với các tổn thương của bỏng độ 3 lan xuống lớp dưới da, lan vào đến gân và xương.
2. Các thuốc điều trị
Như trên đã nêu, bỏng thông thường là loại bỏng nhẹ tương ứng với bỏng độ 1 và độ 2; còn bỏng từ độ 3 trở lên nghiêm trọng hơn vì tổn thương đã lan xuống đến lớp dưới da cần phải có sự xử trí can thiệp của chuyên khoa bỏng. Bỏng độ 1, độ 2 thường có thể điều trị tại nhà sau khi sơ cứu bằng cách ngâm vết bỏng trong nước lạnh sạch trong vòng 5 phút hoặc lâu hơn, sau đó dùng các loại thuốc sau đây:
Thuốc giảm đau: Khi bệnh nhân có đau nhiều có thể sử dụng paracetamol hoặc các thuốc kháng viêm không steroid như ibuprofen, diclofenac...
Thuốc sát trùng ngoài da: Dùng các dung dịch thuốc sát khuẩn như povidone-iodine, cetrimide, chlorhexidine... thoa trực tiếp lên vùng da bị phỏng để giúp phòng ngừa nhiễm khuẩn.
Thuốc kháng sinh: Trường hợp bỏng nhẹ cũng có thể dùng kháng sinh để chủ động ngăn ngừa biến chứng nhiễm trùng và giúp vết thương mau lành do tổn thương bỏng gây ra. Nên dùng loại kháng sinh có tác dụng tại chỗ với dạng thuốc dùng ngoài da ở dạng thuốc mỡ, thuốc kem có chứa neomycine, polymycine, sulfadiazine bạc... Bác sĩ sẽ chỉ định việc sử dụng kháng sinh phù hợp tùy theo mức độ bỏng và sự đáp ứng điều trị của thuốc.
Lưu ý: thuốc kháng sinh có thể gây ra các tác dụng phụ với mức độ nhẹ như dị ứng da, buồn nôn, tiêu chảy... vì vậy cần được theo dõi để xử trí khi có tác dụng không mong muốn xảy ra.
Các loại thuốc khác: Một số loại thuốc mỡ, thuốc kem... có nguồn gốc từ dược liệu hay thảo dược như mù u, nghệ, lô hội hay nha đam... cũng được sử dụng trong điều trị bỏng mang lại hiệu quả tốt. Một số thuốc có thành phần dầu gan cá, oxyd kẽm, vitamin A… có tác dụng điều trị các vết bỏng nông, bỏng bô xe máy, bỏng nước sôi...; giúp chống sưng, viêm, bỏng rát...
Nha đam giúp giảm đau, làm se mặt da bị thương tổn và giúp vết thương mau lành nên có thể dùng để điều trị bỏng rất hiệu quả; nếu không có sẵn lá nha đam tươi để đắp lên chỗ bỏng, có thể thoa kem có chứa nha đam. Một số thuốc có thành phần trà xanh giúp làm dịu vết bỏng và vùng da bị tổn thương.
Tinh nghệ giúp nhanh chóng tái tạo tế bào da và ngăn ngừa hình thành sẹo sau bỏng sẽ tạo nên màng sinh học tự phân hủy polyesteramide giúp bảo vệ vùng da bị tổn thương do bỏng, ngăn thấm nước, chống nhiễm khuẩn, vết bỏng được thông thoáng và mau lành hơn bình thường.
Nguyễn Du (Theo SKĐS)