Banner chính
Thứ Năm, 21/11/2024
Liên hiệp Các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Ninh Bình

Vệ sinh môi trường, phòng một số bệnh dịch thường gặp trong mùa mưa bão

Thứ Năm, 11/09/2014
    Hiện nay, đang vào mùa mưa, bão. Bên cạnh việc tàn phá gây thiệt hại về nhà cửa, hoa màu, mưa lớn kéo dài kèm theo nước từ thượng nguồn đổ về có thể gây ngập úng nghiêm trọng trên diện rộng tại các địa phương, nhất là tại 2 huyện Nho Quan, Gia Viễn. Trong vùng ngập lụt tình hình ăn ở, điều kiện giữ vệ sinh nói chung bị sút kém ảnh hưởng rất lớn đến sức khoẻ, sinh hoạt, học tập và lao động của nhân dân. Do đó việc đẩy mạnh công tác vệ sinh phòng bệnh, phòng chống dịch để bảo vệ sức khoẻ, đảm bảo không để dịch xảy ra, góp phần nhanh chóng ổn định đời sống và sinh hoạt của nhân dân trong vùng bị ngập lụt là rất quan trọng. Một trong những trọng tâm hàng đầu để bảo vệ sức khoẻ khi xảy ra ngập lụt là giải quyết vấn đề vệ sinh môi trường, đảm bảo có đủ nước sạch cho ăn uống và sinh hoạt và thực hiện các biện pháp thanh khiết môi trường.
Sau đây là một số biện pháp xử lý nước và vệ sinh môi trường:

Trong thời điểm đang ngập nước: tại các vùng bị ngập lụt, các giếng khơi, bể nước và các nguồn nước sạch khác thường bị ngập, bà con nhân dân phải sử dụng trực tiếp nước bề mặt quanh chỗ ở, tại các sông, các cánh đồng để đáp ứng nhu cầu nước ăn uống và sinh hoạt. Đây là điều hết sức nguy hiểm vì nguồn nước này bị ô nhiễm nặng nề từ các chất thải bỏ, rác rưởi, xác súc vật chết do đó có chứa nhiều chất độc và các mầm bệnh nguy hiểm. Trong hoàn cảnh không thể có được nước sạch cho ăn uống và sinh hoạt, chúng ta có thể khắc phục bằng các biện pháp sau:

Múc nước đổ vào chum, thùng, vại… làm trong nước bằng phèn chua để loại bỏ những chất bẩn, Liều lượng: 50mg phèn chua/01 lít nước, 1 thùng 20 lít nước chỉ cần 1g phèn chua (1 cục khoảng bằng đầu ngón tay). Đập nhỏ cục phèn cho vào thùng nước khuấy đều, chờ khoảng nửa giờ, ta sẽ có được thùng nước trong để sử dụng.

Trường hợp không có phèn chua có thể dùng bẹ chuối đập dập khuấy vào thùng nước để làm nước lắng cặn. Nước này tuy đã trong nhưng vẫn có thể còn chứa các mầm bệnh nguy hiểm vì vậy cần phải sát khuẩn nước trước khi ăn uống, cách sát khuẩn nước đơn giản nhất là đun sôi kỹ, hoặc có thể dùng cloraminB để sát khuẩn với liều lượng 10g/m3 nước.

Cần chú ý đối với một số vùng bị ngập úng nguồn nước có thể bị ô nhiễm do các hoá chất độc từ các nhà máy thải ra hoặc các hoá chất bảo vệ thực vật sử dụng trong sản xuất nông nghiệp. Đối với nguồn nước này cần tuyệt đối không sử dụng để tránh nhiễm độc. Để khắc phục chúng ta có thể lấy nước từ trên đầu nguồn, xa nơi ô nhiễm.

Sau khi nước rút: Khi nước rút, nước rút đến đâu phải tiến hành tổng vệ sinh nhà cửa, làm vệ sinh môi trường đến đó, cần phải tiến hành ngay việc thau, tẩy uế các giếng, bể, dụng cụ chứa nước sau đó tiến hành làm sạch và sát khuẩn nguồn nước trước khi sử dụng, các biện pháp cần làm là:
    - Thau giếng: Trước hết phải tát cạn hết nước bẩn trong giếng, cọ rửa thật sạch thành và miệng giếng, vét hết bùn đất, phù sa, rác rưởi, sửa lại những chỗ nứt trên thành giếng. Sau đó đổ xuống đáy giếng một lớp sỏi, cát hoặc đá răm dày khoảng 20 - 30 cm, đợi nước lên lại tiến hành tát cạn, có thể phải thau rửa 2 - 3 lần cho đến khi nước tương đối trong sẽ tiến hành sát khuẩn nước.
 - Làm trong nước giếng: Dùng phèn chua với liều lượng 50 g/m3 nước, nếu nước đục nhiều có thể cho lượng phèn tối đa là 100g/m3.
 - Khử trùng nước giếng:  Thuốc sát khuẩn thường sử dụng là cloraminB. Nguyên tắc là nước giếng sau khử trùng phải có nồng độ clo dư từ 0,5 đến 1mg/lít nước. Để biết lượng cloraminB cần sử dụng để sát khuẩn cần phải tính thể tích nước cần sát khuẩn. Liều lượng trung bình là 10g cloraminB/m3 nước, cách làm: hoà tan cloraminB trong 1 chậu nước rồi đổ xuống giếng, lấy sào dài khuấy đều cho thuốc tan khắp giếng, để qua 1 đêm sáng ngày hôm sau chúng ta có nước sạch đảm bảo vệ sinh để sử dụng trong ăn uống và sinh hoạt. Lúc đầu khi sử dụng nước có thể có mùi hắc do lượng clo dư, ta có thể múc nước này để rửa nhà, sân và đợi nước trong giếng dâng lên đầy lúc này mùi hắc đã bớt đi hoặc hết ta có thể sử dụng cho ăn uống. Nước giếng sau khi sát khuẩn đã trong, sạch nhưng vẫn cần phải được đun sôi trước khi uống.
- Xử lý môi trường ngoại cảnh:  Nước rút đến đâu các gia đình cần làm vệ sinh nhà cửa và làm vệ sinh môi trường đến đó. Khi nước rút hết môi trường lúc này bị ô nhiễm nặng nề do rác rưởi, cây cối, xác súc vật thối rữa. Cần thực hiện các biện pháp như tẩy uế: tiến hành tổng vệ sinh ngoại cảnh, thu gom, chôn lấp phân rác, xác súc vật chết, quét vôi tường nhà, gốc cây, khơi thông cống rãnh, phát quang bụi rậm. Rắc vôi bột, tro ở những nơi ô nhiễm như chuồng gia súc, hố xí, hố phân…Diệt côn trùng như muỗi, ruồi. làm vệ sinh và tu sửa nhà tiêu.
Khi có dịch, bệnh xảy ra phải báo ngay cho cán bộ y tế và cơ quan y tế để điều trị kịp thời và thực hiện các biện pháp phòng chống không để dịch bệnh lây lan ra ngoài cộng đồng.

Sau đây chúng tôi xin giới thiệu các biện pháp phòng chống một số bệnh thường gặp trong vùng bị ngập lụt                  

-Các bệnh đường tiêu hoá: các bệnh đường tiêu hoá thường gặp khi môi trường bị ô nhiễm là: tả, lỵ, thương hàn, viêm gan vi rut... các bệnh này thường lan truyền từ người này sang người khác và có thể gây thành dịch, đe doạ đến sức khoẻ của người dân nhất là trẻ em. Các biện pháp phòng bệnh là:
    + Phát hiện sớm và cách ly điều trị kịp thời người bệnh. Phân người bệnh cần được xử lý an toàn bằng cách chôn, lấp sâu.
    + Không dùng chung đồ dùng với người bệnh, thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh cá nhân đảm bảo có đủ nước sạch cho ăn uống và sinh hoạt. Quản lý và xử lý tốt chất thải bỏ. Tích cực diệt ruồi nhặng, xử lý rác thải.
    + Thực hiện đúng nguyên tắc ăn chín, uống sôi, các nguyên tắc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong chế biến, bảo quản và sử dụng thức ăn. Không nên ăn rau sống, nếu ăn phải khử trùng bằng nước có pha chất khử trùng.                       

- Các bệnh do muỗi truyền như sốt xuất huyết, sốt rét, viêm não Nhật bản:
    + Nằm màn khi ngủ kể cả ban ngày, mặc áo dài tay để chống muỗi đốt.
    + Loại bỏ những vũng nước tù đọng là nơi sinh sản của muỗi.
    + Phun hoá chất diệt côn trùng ở những nơi có nguy cơ cao hoặc các khu vực có ổ dịch.
    + Tiêm vác xin phòng bệnh (đối với bệnh Viêm não Nhật bản) khi có chỉ định của cơ quan y tế.

- Phòng bệnh đau mắt đỏ:
+ Không lau rửa mặt, tắm bằng nước bẩn.
+ Không để trẻ em tắm gội, chơi đùa với nước bẩn.
+ Tra thuốc nhỏ mắt có thể sử dụng thuốc cloramphenicol 0,4% cho tất cả những người có tiếp xúc với nước bẩn.
+ Rửa tay với nước sạch sau khi tiếp xúc với nước, các chất bẩn, trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn và sau khi đi ngoài.
+ Không dùng chung khăn mặt, chậu rửa nhất là với những người đang bị đau mắt đỏ.
+ Chú ý diệt ruồi vì ruồi là trung gian truyền bệnh đau mắt đỏ từ người bệnh sang người lành.

- Phòng các bệnh ngoài da do nước (nước ăn chân, nấm...) và bệnh phụ khoa:
+ Không tắm gội và giặt quần áo bằng nước bẩn. Nếu không có nước giếng đã khử trùng thì phải đánh phèn hoặc lọc cát để có nước trong cho sinh hoạt. Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân nhất là đối với phụ nữ và trẻ em.
+ Không mặc quần áo ẩm ướt.
+ Không để trẻ em bơi lội, chơi đùa trong nước ngập vì nước rất bẩn không chỉ gây các bệnh ngoài da mà còn gây ra các bệnh tiêu chảy do trẻ nuốt phải nước bẩn.
+ Hạn chế lội vào chỗ nước bẩn, tù đọng. Nếu buộc phải lội vào nước bẩn thì sau đó phải rửa ngay bằng nước sạch và lau khô, nhất là các kẽ tay, kẽ chân, cần thiết có thể bôi thuốc đỏ, thuốc sát trùng phòng nước ăn chân.
+ Sử dụng xà phòng khi tắm rửa, giặt giũ.
Khi có dịch, bệnh xảy ra phải báo ngay cho cán bộ y tế và cơ quan y tế để điều trị kịp thời và thực hiện các biện pháp phòng chống không để dịch bệnh lây lan ra ngoài cộng đồng.

BS CKII. Phạm Ngọc Cương - GĐ Trung tâm TTGDSK

Các tin khác