Banner chính
Thứ Sáu, 19/04/2024
Liên hiệp hội khoa học và kỹ thuật Ninh Bình

Top 10 sự kiện ICT quốc tế

Thứ Năm, 16/01/2020
Năm 2019 sắp trôi qua với hàng loạt sự kiện lớn nhỏ khác trong làng công nghệ toàn cầu, bao gồm việc Huawei bị chính phủ Mỹ đưa vào “danh sách đen”; lỗi bảo mật nghiêm trọng ảnh hưởng hàng tỷ thiết bị công nghệ hay TikTok vươn lên trở thành một thế lực trên thị trường mạng xã hội... cùng điểm lại 10 sự kiện nổi bật nhất làng công nghệ thế giới trong năm vừa qua.

1. Huawei bị Mỹ cấm vận

Ngày 15/5/2019, chính phủ Mỹ đã đưa Huawei vào “danh sách đen”, cấm thực hiện các giao dịch và mua bán với các hãng công nghệ của Mỹ mà không được phép, với những cáo buộc sản phẩm của Huawei được lợi dụng để thu thập thông tin tình báo và gây nguy hại cho an ninh quốc gia.

Sau lệnh cấm, hàng loạt hãng công nghệ lớn của Mỹ đã ngừng hợp tác với Huawei vì lo ngại sẽ bị chính quyền Washington trừng phạt. Google sau đó còn ngừng cấp phép để Huawei tiếp tục sử dụng các dịch vụ và ứng dụng của mình trên smartphone sử dụng nền tảng Android của hãng.

Những tưởng động thái này của chính phủ Mỹ đã khiến Huawei lâm vào khó khăn và khủng hoảng. Tuy nhiên, “gã khổng lồ công nghệ” của Trung Quốc cũng đã sớm vực dậy và cho thấy mình đang hoạt động hoàn toàn bình thường và thậm chí đạt mức tăng trưởng ổn định.

Trong 9 tháng đầu năm 2019, Huawei đã đạt được doanh thu 610,8 tỷ nhân dân tệ (tương đương 87,3 tỷ USD), tăng 24,4% so với cùng thời gian năm ngoái. Huawei còn dự đoán sẽ đạt được mức doanh thu 100 tỷ USD trong cả năm 2019, cao hơn cả mức dự đoán trước đó của Huawei khi công ty chưa bị chính phủ Mỹ cấm vận.

Huawei cũng đặt ra mục tiêu bán được 230 triệu chiếc smartphone trong năm 2019, thay vì chỉ 200 triệu chiếc như mục tiêu ban đầu đề ra trước khi bị chính phủ Mỹ cấm vận. Điều này giúp Huawei có thể bám đuổi Samsung trong cuộc đua giành “ngôi vương” trên thị trường smartphone.

Một trong những nguyên do giúp Huawei có thể đứng vững trước lệnh cấm vận của chính phủ Mỹ chính là sự ủng hộ của người dùng trong nước. Nhiều người tiêu dùng ở Trung Quốc hiện xem việc mua sản phẩm của Huawei như một cách để thể hiện lòng yêu nước và ủng hộ Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại với Mỹ.

2. Thế giới sẵn sàng cho 5G

Sau nhiều năm phát triển, năm 2019 chứng kiến quá trình thử nghiệm mạng 5G trên quy mô toàn cầu. Nhiều nhà mạng lớn trên thế giới và cả tại Việt Nam đã thử nghiệm thành công phát sóng mạng 5G trong phạm vi lớn nhỏ khác nhau.

Bên cạnh các nhà mạng, các hãng smartphone cũng đã tung ra các mẫu smartphone hỗ trợ kết nối mạng 5G của riêng mình và sẵn sàng tung ra các mẫu smartphone mới, với giá rẻ hơn, trong thời gian tới. Tất cả để chuẩn bị cho quá trình thương mại hóa mạng 5G vào năm 2020. Việt Nam cũng sẽ là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới phát sóng mạng 5G thương mại ngay vào năm sau.

Mạng 5G không chỉ giúp tăng tốc độ kết nối mà còn giúp đáp ứng được nhu cầu sử dụng của người dùng, tăng khả năng đáp ứng nhu cầu của người dùng, giảm sự ảnh hưởng khi có một số lượng lớn người dùng sử dụng vào một thời điểm. Chẳng hạn tại những thời điểm có đông người tập trung, với mạng 5G sẽ tránh được tình trạng chất lượng mạng bị ảnh hưởng và làm giảm tốc độ đường truyền như mạng 4G hiện tại. Mạng 5G cũng đáp ứng được tốc độ phát triển của các lĩnh vực công nghệ khác như trí tuệ nhân tạo, tự động hóa, xe hơi tự lái... và đây được xem là bước phát triển mới của nhân loại trong lĩnh vực viễn thông.

3. 30 năm World Wide Web - cái nôi của Internet

Ngày 13/3/2019 đánh dấu thời điểm tròn 30 năm World Wide Web - “cái nôi của Internet”, chính thức được ra đời.

30 năm trước, nhà vật lý học và khoa học máy tính người Anh Tim Berners-Lee đã đưa ra khái niệm về “hệ thống siêu văn bản toàn cầu”, tiền đề cho sự ra đời của World Wide Web (WWW hay đơn giản hơn là Web). Ban đầu, Berners-Lee đưa ra khái niệm về Web đơn giản chỉ nhằm mục đích cải thiện khả năng giao tiếp và quản lý thông tin giữa các tổ chức nơi Berners-Lee đang làm việc, Tổ chức Nghiên cứu Hạt nhân Châu Âu (CERN). Tuy nhiên, cuối cùng, Berners-Lee đã nhận ra rằng các trang web có thể được sử dụng với nhiều mục đích hơn nữa.

Sau khi cho ra mắt khái niệm về Web, Tim Berners-Lee sử dụng một chiếc máy tính NeXT để tạo nên trình duyệt web đầu tiên và xây dựng trang web đầu tiên. Ngày 20/12/1990, tại cơ sở của CERN ở dãy núi Alps của Thụy Sĩ, Tim Berners-Lee đã công bố trang web đầu tiên trên thế giới, với tên miền info.cern.ch, chạy trên 1 máy chủ NeXT của CERN, với nội dung là danh bạ điện thoại các nhân viên tại CERN.

Có không ít người vẫn nhầm lẫn giữa khái niệm Web và Internet, tuy nhiên trên thực tế Web là một phần của Internet và đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển tiềm năng của Internet.

Có thể nói, sự ra đời của web là một trong những sự ra đời có vai trò quan trọng trong sự phát triển của Internet. Thậm chí, nhiều người cho rằng nếu không có sự xuất hiện của website, chưa chắc Internet đã trở nên phổ biến rộng rãi và đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống ngày nay.

4. MC bằng AI đầu tiên trên thế giới

Năm 2019 là một năm “bùng nổ” của trí tuệ nhân tạo (AI), khi ngày càng nhiều lĩnh vực được áp dụng công nghệ AI, từ smartphone, hệ thống loa, các thiết bị gia dụng và thậm chí cả những lĩnh vực đòi hỏi sự sáng tạo như báo chí.

Cuối tháng 2/2019, Hãng Tân Hoa Xã (Trung Quốc) đã giới thiệu nữ MC dẫn chương trình được xây dựng bằng trí tuệ nhân tạo đầu tiên trên thế giới. Tên của “cô” là Xin Xiaomeng.

Tân Hoa Xã đã hợp tác với công ty công cụ tìm kiếm Sogou.com của Trung Quốc để phát triển MC trí tuệ nhân tạo này. Người dẫn với trí tuệ nhân tạo được tạo dựng thành mô hình kỹ thuật số dựa trên hình ảnh của một phát thanh viên thật, rồi sử dụng kĩ xảo máy tính để hoạt họa khẩu hình, biểu cảm khuôn mặt như người thật. Tân Hoa Xã sử dụng các video phát thanh truyền hình trực tiếp vào một thuật toán để dạy cho AI nói theo. Chuyển động của “người” dẫn bản tin này dường như rất linh hoạt, sống động, và trực quan.

Tân Hoa Xã cho biết MC trí tuệ nhân tạo này có thể làm việc 24 giờ một ngày, giúp giảm chi phí sản xuất tin tức và nâng cao hiệu quả.

5. Jack Ma chính thức “Nghỉ hưu”

Ngày 10/9/2019, đúng vào dịp sinh nhật lần thứ 55, Jack Ma đã tuyên bố rời khỏi chức vụ chủ tịch và rút lui hoàn toàn khỏi “đế chế” Alibaba mà mình đã xây dựng nên. Sau khi từ chức, ông Jack Ma - người giàu nhất Trung Quốc với tài sản ròng trị giá 43,1 tỷ USD sẽ dành nhiều thời gian hơn cho hoạt động từ thiện và giáo dục.

Dù trao chức Chủ tịch Alibaba cho CEO Daniel Zhang, nhưng Jack Ma vẫn nắm quyền lực nhất định và nằm trong hội đồng quản trị. Theo đó, Jack Ma sẽ là đối tác trọn đời của Alibaba Partnership và có quyền bổ nhiệm hầu hết các vị trí nhân sự quan trọng của Alibaba mặc dù ông không nắm giữ đa số cổ phần.

Nghỉ hưu ở tuổi 55 được xem là quá sớm ở một quốc gia mà những nhà sáng lập thường giữ vai trò đến tuổi 80 như Trung Quốc.

Sau gần 20 năm tồn tại và phát triển, dưới sự lãnh đạo của Jack Ma, Alibaba không chỉ là một sàn thương mại điện tử đơn thuần mà còn mở rộng ra nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm đấu giá trực tuyến, thanh toán trực tuyến, thương mại di động.. Hiện giá trị vốn hóa thị trường của Alibaba ước tính đạt 574 tỷ USD. Trụ sở chính của Alibaba được đặt tại thành phố Hàng Châu, quê nhà của Jack Ma, cũng đã góp phần giúp Hàng Châu trở thành một trung tâm công nghệ và là “cái nôi” của khởi nghiệp. Alibaba cũng được giới phân tích đánh giá là thương hiệu bán lẻ có giá trị nhất thế giới bên ngoài nước Mỹ.

6. Smartphone màn hình gập lên ngôi

Thị trường smartphone đang ngày càng trở nên bão hòa khi các sản phẩm đều có sự tương đồng nhau về thiết kế, tính năng lẫn cấu hình. Dù đó là sản phẩm thuộc phân khúc tầm trung, cận cao cấp hoặc cao cấp... thì sự khác biệt là không thực sự quá lớn.

Trước bối cảnh này đòi hỏi các hãng smartphone phải tạo ra được những sản phẩm mang tính đột phá để tạo nên sự khác biệt với các đối thủ khác trên thị trường, thay thế cho smartphone với kiểu thiết kế truyền thống. Đó là lý do ra đời của phân khúc smartphone màn hình gập. Năm 2019 chứng kiến sự ra mắt của hàng loạt smartphone màn hình gập đến từ những “ông lớn” trên thị trường di động.

Mở màn cho phân khúc là Galaxy Fold, chiếc smartphone màn hình gập đầu tiên của Samsung, được ra mắt hồi tháng 2 vừa qua. Không lâu sau đó, Huawei đã nhanh chóng đưa ra “câu trả lời” với Mate X, chiếc smartphone màn hình gập của riêng hãng. Motorola, hãng lâu nay vẫn thường đứng ngoài trong những cuộc “chạy đua” trên thị trường smartphone, nhưng đã không bỏ qua xu thế về smartphone màn hình gập bằng việc “hồi sinh” chiếc điện thoại nắp gập nổi tiếng một thời Razr V3 dưới dạng chiếc smartphone màn hình gập và vẫn mang tên gọi Motorola Razr.

Thậm chí Microsoft, hãng lâu nay tưởng chừng như đã rút lui khỏi thị trường smartphone, cũng đã bất ngờ tung ra Surface Duo, chiếc smartphone 2 màn hình với thiết kế gập đôi và sử dụng nền tảng Android đầu tiên của hãng. Điều này cho thấy phân khúc smartphone màn hình gập đang trở nên hấp dẫn mà không hãng công nghệ nào muốn đứng ngoài.

Bên cạnh các mẫu smartphone đã được chính thức trình làng, một số hãng smartphone khác như Xiaomi, Sony hay LG cũng được cho là sẵn sàng để cho ra mắt thêm các mẫu smartphone màn hình gập khác ngay trong năm sau.

7. Facebook, Google, Amazon, Apple, Microsoft nghe lén người dùng

Năm 2019, hàng loạt hãng công nghệ lớn, bao gồm Facebook, Google, Amazon, Microsoft hay Apple đều đồng loạt thừa nhận bí mật thu âm các câu khẩu lệnh của người dùng thông qua trợ lý ảo hoặc các nội dung hội thoại của người dùng, sau đó thuê các đối tác bên ngoài, là những con người thực sự, nghe và phân tích lại các nội dung này, thay vì sử dụng các hệ thống máy móc tự động để thực hiện điều đó.

Điều này đồng nghĩa với việc các nội dung hội thoại và thậm chí nhiều nội dung riêng tư của người dùng đã được lắng nghe bởi những con người thực sự, chứ không đơn thuần chỉ là hệ thống phần mềm nhận diện giọng nói.

Trên thực tế, để xây dựng các hệ thống trí tuệ nhân tạo và máy học, giống như các hệ thống nhận diện giọng nói và xử lý ngôn ngữ tự nhiên, đều cần phải có sự can thiệp và kiểm tra của con người nhằm cải thiện khả năng nhận diện và xử lý giọng nói, nhất là khi máy móc không thể tự nhận ra các kết quả không chính xác trừ khi được con người chỉ rõ ra, chủ thích các dữ liệu và đưa dữ liệu trở lại hệ thống để xử lý.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây là các hãng công nghệ đã không thông báo rõ và cụ thể cho người dùng về việc thu thập các thông tin được ghi âm và không cho biết rõ rằng các thông tin này sẽ được nghe và xử lý bởi con người. Chỉ khi vấn đề này bị phát giác, các hãng công nghệ mới lần lượt thừa nhận hành động của mình, khiến nhiều người dùng cảm thấy quyền riêng tư của mình đã bị ảnh hưởng.

8. Facebook giới thiệu tiền ảo Libra

Libra là đồng tiền ảo do Facebook khởi xướng và công bố lần đầu tiên vào tháng 6 vừa qua, hợp tác cùng 27 đối tác khác và dự kiến sẽ phát hành vào đầu năm sau. Facebook tự tin tuyên bố Libra là “đồng tiền mã hóa ổn định” nhờ áp dụng cơ chế dùng một “rổ” tài sản đảm bảo để “neo” giá Libra và sẽ không dao động như Bitcoin. Facebook còn vô cùng tự tin khẳng định Libra sẽ tổng hợp tất cả những thứ hay ho nhất của tiền mã hóa và thanh toán điện tử. Không chỉ vậy, mạng xã hội này còn cho phép người dùng gửi Libra cho nhau khi chat trên Messenger hay WhatsApp một cách đơn giản.

Mặc dù được Facebook tâng bốc nhiều như vậy, nhưng kể từ khi ra mắt đồng, tiền Libra đã vấp phải không ít sự phản đối của các nhà lập pháp Mỹ và châu Âu vì lo ngại đồng tiền này có nguy cơ cao được sử dụng để rửa tiền và tài trợ cho khủng bố. Ngoài ra, nhiều nghị sĩ tại Mỹ cũng lo ngại tiền ảo sẽ càng tăng lên quyền lực của Facebook, vốn đã rất lớn ở thời điểm hiện tại.

Nhiều công ty đã tham gia vào Hiệp hội Libra do Facebook sáng lập để phát triển đồng tiền ảo của mình hiện đang chịu nhiều sự áp lực, thậm chí là đe dọa từ các chính trị gia. Hiện tương lai của đồng tiền ảo Libra của Facebook vẫn đang bị đặt dấu hỏi khi nhiều công ty lớn như Mastercard, eBay... đã rút lui khỏi Hiệp hội Libra vì những áp lực từ nhiều phía.

9. Hàng tỷ người dùng có nguy cơ mất dữ liệu

Tháng 5/2019, các chuyên gia bảo mật của đại học Công nghệ Graz (Áo) đã phát hiện một lỗi bảo mật nghiêm trọng, có tên gọi ZombieLoad, trên nhiều bộ vi xử lý do Intel sản xuất, sử dụng cho cả máy tính cá nhân lẫn máy chủ, cho phép các tin tặc có thể lấy cắp dữ liệu lưu trữ mới được truy cập bởi vi xử lý.

ZombieLoad ảnh hưởng đến nhiều phiên bản vi xử lý khác nhau của Intel, bao gồm cả các vi xử lý từ năm 2011 và ảnh hưởng đến cả máy tính cá nhân lẫn máy chủ sử dụng vi xử lý của Intel. Do Intel là hãng sản xuất vi xử lý máy tính lớn nhất thế giới hiện nay, được sử dụng cho cả máy tính bàn, laptop, máy chủ... sử dụng Windows, OS X, ChromeOS hay Linux... nên mức độ ảnh hưởng là rất lớn. Ước tính hàng tỷ người dùng máy tính và các hệ thống máy chủ phải đối mặt với nguy cơ mất dữ liệu do ZombileLoad.

Các chuyên gia bảo mật đã nhanh chóng thông báo với Intel về lỗ hổng bảo mật này và Intel đã lập tức phát hành bản vá lỗi, tuy nhiên thời điểm bản vá lỗi đến tay người dùng vẫn còn phụ thuộc vào các hãng sản xuất máy tính. Apple và Google đã cập nhật bản vá lỗi trên các máy tính của mình, trong khi đó Microsoft cũng đã phát hành bản cập nhật để vá lại lỗ hổng bảo mật nghiêm trọng này.

10. Tik Tok thế lực mới trên mạng xã hội

Năm 2019 tiếp tục là một năm nhiều khủng hoảng của Facebook khi hàng loạt vụ rò rỉ thông tin cá nhân của người dùng tiếp tục xảy ra, bên cạnh đó Facebook tiếp tục dính vào vụ lùm xùm nghe lén và theo dõi nội dung các cuộc gọi điện của người dùng qua ứng dụng Facebook Messenger.

Trái ngược với Facebook, mạng xã hội TikTok của Trung Quốc đã nhanh chóng vươn lên trở thành một “thế lực” trên thị trường mạng xã hội. Không chỉ nhắm đến thị trường Trung Quốc và các quốc gia lân cận như trước đây, TikTok đã dần trở nên phổ biến tại thị trường châu Âu và Mỹ trong năm 2019.

Hiện TikTok là mạng xã hội lớn thứ hai thế giới về lượng người dùng. Ước tính mạng xã hội này có hơn 1,5 tỷ người dùng, trong đó có 800 triệu người dùng thường xuyên và hơn 150 triệu người dùng hoạt động mỗi ngày. Đây được xem là những thành quả đáng kinh ngạc của một mạng xã hội mới chỉ được ra đời từ cách 3 năm.

Nếu cứ tiếp tục đà phát triển như hiện nay, nhiều khả năng TikTok sẽ bám đuổi và thậm chí vượt qua Facebook về lượng người dùng.

Thu Trà (nguồn Sức mạnh số)

Các tin khác