Nguy cơ do làm việc trên máy tính nhiều
Hiện nay, con trẻ được hợp pháp và thoải mái dùng các phương tiện thông minh, có màn hình để học tập, tra cứu, vui chơi tại nhà. Dùng mắt để nhìn gần trong thời gian dài, với cường độ cao gây ra cận thị. Nghiên cứu trên sinh viên tại Singapore sau 3 tháng ôn thi miệt mài sẽ phát sinh cận thị khoảng 0.50-0.75D. Nghiên cứu cỡ mẫu lớn tại Mỹ cho những người dùng các loại màn hình trên 7 giờ một ngày, sau 2 năm có tới 80% sẽ bị cận thị. Ngưỡng dùng máy tính và các loại màn hình khác <5 giờ một ngày được coi là an toàn hay chí ít cũng đừng quá 7 giờ/ngày.
Làm việc với máy tính nhiều, ngoài nguy cơ cận thị hoặc tăng số nhanh còn có các nguy cơ khác:
- Khô mắt với các khó chịu như chói, cộm, giàn giụa nước mắt, nhìn mờ thoáng qua, không tiếp tục công việc được hoặc giảm tập trung khi làm việc máy tính. Màn hình LCD hiện đại vẫn không cản được hoàn toàn ánh sáng xanh, môi trường điều hòa thông khí nhân tạo, giảm chớp mắt do tăng chú ý… là tổng hợp các nguyên nhân làm khô mắt nhiều hơn, nặng hơn ở những người nghiện màn hình.
- Mỏi mắt, đau đầu, cảm giác giật mắt, đau nhức trong hốc mắt, nhìn mờ cả xa và gần thoáng qua… là những khó chịu ai cũng đã từng bị khi làm việc với máy tính do mệt mỏi thị giác, tình trạng co cơ mắt hay mệt mỏi điều tiết. Nó báo hiệu có điều gì đó không ổn, tốt hơn là nên nghỉ ngơi.
- Các rối loạn tâm thần, chứng cách biệt xã hội, gù vẹo, rối loạn dinh dưỡng là những biến loạn xa nhưng đã và có thể gặp phải.
Để mắt đỡ mệt mỏi
Giãn cách việc ngồi trước màn hình, nghỉ ngơi xen kẽ: Sau 2 giờ làm việc với máy tính nên nghỉ 15 phút, sau 1 giờ học nên nghỉ 5 phút. Không ra ngoài hay thả tầm mắt được thì cũng nhắm mắt lim dim, massage quanh mắt, chườm ấm nếu mắt mệt mỏi. Quy tắc 20-20-20 cũng rất thích hợp: Cứ 20 phút lại cho mắt nghỉ ngơi bằng cách nhìn ra xa 20 feets (6m) trong 20 giây.
Chiếu sáng và tăng độ tương phản: Màn hình có nấc tăng chiếu sáng tự thân, có nút tăng tương phản, chỉnh cỡ chữ và ký tự to lên… Chiếu sáng từ bên ngoài là nguồn phụ nhưng quan trọng nên chiếu từ phía trên và phía sau lại màn hình. Bóng đèn công suất bé, compact và đèn vàng là thích hợp, không nên dùng đèn neon. Không nên để máy tính gần cửa sổ hay nguồn sáng mạnh, gây giao thoa ánh sáng và hiệu ứng glare.
Cự ly, khoảng cách: Học bằng iphone nhìn khó do màn hình bé nhưng chỉ nghe giảng và học ngoại ngữ thì ổn. Ta nên cho trẻ dùng laptop và desktop là thích hợp. Khoảng cách từ mắt đến màn hình khoảng 1,5 lần đường chéo sinh lý. Desktop khoảng 60-80cm, laptop - ipad 30-40cm là vừa. Màn hình cao hoặc thấp hơn mắt một chút, tạo với trục nhìn góc 15-20 độ là khuyến cáo chung. Tư thế ngồi thấp quá, cự ly có vấn để hay gặp khi ta để con trẻ tự nhiên dùng bàn làm việc của bố mẹ.
Ăn uống và dinh dưỡng: Ngoài cân đối dinh dưỡng, cần phải bồi dưỡng cho mắt. Nên ăn nhiều rau, củ, quả màu đỏ hoặc vàng. Hải sản, các loại cá, nhuyễn thể rất tốt cho mắt và não. Có thể dùng một loại thuốc bổ mắt hay thực phẩm chức năng chứa vitamin A-E-C.
Khi làm việc với máy tính tần số chớp mắt sẽ giảm xuống còn 5-7 lần thay vì 15 lần như bình thường nên dễ gây khô mắt. Vì vậy, có thể dùng thêm nước mắt nhân tạo, thuốc bôi trơn và làm ẩm ướt bề mặt nhãn cầu, thuốc chống mỏi mắt. Các dạng thuốc không cần kê đơn này sẽ làm giảm bớt cơn mỏi mắt, chảy nước mắt, đau rát mắt có thể phát sinh khi trẻ học ở nhà. Loại kính chuyên dụng cho máy tính có thể làm chúng ta thoải mái hơn khi dùng máy tính nhiều giờ. Nếu đang đeo kính thuốc (do bị lão thị, cận-viễn- loạn thị) có thể sắm riêng một đôi kính chỉ dùng cho mắt nhìn thật tốt ở cự ly trung bình 20-26 inches (50-65cm) tương ứng với khoảng cách từ mắt đến màn hình. Kính đa tròng cũng có tác dụng tương tự nếu người đeo dung nạp tốt.
Không nên xem phim 3D nhiều vì phim 3D gây mệt mỏi cho não và nhất là mắt do cưỡng bức mắt luôn lệch vào trong thái quá để tạo hiệu ứng 3D.
Trong giai đoạn dịch bệnh, các giờ học online nên tránh từ 17-19 giờ, 7-9 giờ, 1-13 giờ. Khung giờ này trùng đúng điểm rơi của sinh lý cơ thể cũng như cơ quan thị giác, thích hợp với nghỉ ngơi chứ không phải học hành.
Trang Hà