Banner chính
Thứ Ba, 29/04/2025
Liên hiệp Các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Ninh Bình

Nuôi Dê thảo dược mang lại nguồn thực phẩm sạch

Thứ Ba, 29/04/2025

Trước nhu cầu của thị trường, Hợp tác xã nuôi Dê thảo dược Khánh Thành, huyện Yên Khánh đã nhanh chóng áp dụng tiến bộ Khoa học kỹ thuật để cho ra sản phẩm sạch, Mới đây Hợp tác xã kết hợp với trung tâm khuyến nông tỉnh xây dựng mô hình ‘‘nuôi dê thương phẩm bổ sung thức ăn thảo dược’’ bước đầu mang lại kết quả đáng kích lệ.

 Được quản lý sử dụng 03 ha đất, khi đi vào hoạt động, Hợp tác xã đã dành 600 m2 để làm chuồng trại để nuôi dê, diện tích còn lại để trồng cỏ. Hiện nay Hợp tác xã duy trì tổng đàn khoảng 300 con dê gồm dê giống và dê thương phẩm. Ban đầu, thức ăn của dê là cỏ và phế phẩm nông nghiệp, rau xanh các loại và tinh bột là cám công nghiệp.

Nhận thấy nhu cầu thị trường đối với các sản phẩm sạch ngày càng lớn, năm 2020 Hợp tác xã Dê thảo dược xã Khánh Thành, huyện Yên Khánh đã mạnh dạn đầu tư và phát triển mô hình nuôi dê thảo dược. Bước đầu mang lại hiệu quả cao, được giá hơn so với dê thương phẩm, thị trường rộng mở. Đầu năm 2022 Hợp tác xã tiếp nhận dự án “nuôi dê thương phẩm, dê sinh sản bổ sung thức ăn thảo dược”.

 

Ông Nguyễn Văn Thiện, Giám đốc Hợp Tác xã kiểm tra đàn dê

Từ khi triển khai đề tài (tháng 01/2023) đến nay, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Ninh Bình đã tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng dê sinh sản và dê thương phẩm cho thành viên Hợp tác xã Dê thảo dược Khánh Thành. Nhóm thực hiện đề tài đã xây dựng mô hình chăn nuôi dê sinh sản bổ sung thức ăn thảo dược, quy mô 70 con dê cái sinh sản, 05 con dê đực giống, khối lượng dê sơ sinh đạt trung bình 2,3kg/con. Đây là nội dung được đánh giá là khó, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa bên chuyển giao và tiếp nhận tuân thủ nghiêm các yêu cầu kỹ thuật chăn nuôi: lựa chọn dê bố mẹ hậu bị, xây dựng khẩu phần thức ăn; theo dõi các chỉ tiêu: tuổi, khối lượng phối giống lần đầu (dê mẹ), số con sơ sinh, thời gian giữa 02 lứa đẻ, số con cai sữa, khối lượng dê sơ sinh, đánh giá khả năng tăng trọng, khả năng thích nghi, phòng và trị các bệnh theo tình hình thực tế…

Kỹ sư Nguyễn Thị Dịu - Phó Giám đốc Khuyến nông tỉnh cho biết: Nuôi dê tập trung bổ sung thức ăn không mới, phương thức này được nhiều hộ chăn nuôi áp dụng, việc nuôi tâp trung bổ sung thức ăn thảo dược mục đích nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng đàn dê để cho ra sản phẩm hoàn toàn sạch là điều chúng tôi muốn hướng tới. Qua gần 02 năm đi vào thực hiện, đã khẳng định được hiệu quả kinh tế và hứa hẹn sẽ mang đến cho người tiêu dùng những sản phẩm dê chất lượng cao.

Anh Đỗ Văn Nhượng - Kỹ thuật viên Hợp tác xã nuôi dê thảo dược Khánh Thành chia sẻ: Sau khi được chuyển giao quy trình gia đình anh thực hiện nghiêm túc định lượng thức ăn cho con dê, ngoài cỏ xanh, trong thức ăn được bổ sung tới 50% là các cây thảo dược, như cây so đũa, huyền sâm, bồ công anh; cây keo đậu, đinh lăng với liều lượng tùy theo từng thể trạng của dê. Với việc bổ sung thảo dược con dê có sức đề kháng rất tốt. Qua theo dõi, vào thời điểm hay xảy ra dịch bệnh trên dê như: mùa xuân, mùa đông thì ở đây con dê không bị mắc. Bởi vậy, hạn chế việc đưa thuốc kháng sinh vào dê, cho ra chất lượng thịt ngon.

Qua đối chứng, khi được bổ sung thức ăn thảo dược dê thương phẩm có trọng lượng tăng nhanh, rút ngắn thời gian xuất chuồng, tỷ lệ thịt đạt gần 42%, so với dê thông thường chỉ đạt 40%. Dê sinh sản có số con trên lứa tăng, tỷ lệ sống sau sinh đạt 95%. Mô hình nuôi dê thương phẩm sau 07 tháng, con nuôi đạt 12 tháng tuổi, không mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, tổng đàn cơ bản phát triển ổn định. Tỷ lệ sống đạt 97%, với trọng lượng xuất bán bình quân đạt 41,5kg/con.

Qua quá trình theo dõi, chăm sóc, hiệu quả lớn nhất mà Hợp Tác xã nhận thấy khi sử dụng cây thuốc nam là góp phần tăng sức đề kháng cho dê. Dê ăn vào tăng trưởng tốt, chống chọi được bệnh tật, rất ít khi phải dùng đến thuốc kháng sinh. Điều này cũng giúp giảm đáng kể chi phí thuốc thang, chi phí thức ăn công nghiệp như các phương pháp nuôi dê đơn thuần khác. Mặc khác dê thảo dược cũng cho chất lượng thịt thơm ngon, đã được nhiều người tiêu dùng ghi nhận.

Kết quả này cho thấy, dê thương phẩm được chăm sóc với điều kiện chăn nuôi đầy đủ dinh dưỡng, dê có phẩm cấp tốt, máu lai cao. Chất lượng thịt dê thương phẩm nuôi thức ăn thảo dược có màu đỏ thẫm hơn, săn chắc, không chảy nước và nhạt màu như dê nuôi công nghiệp. Mùi vị thơm của thảo dược lẫn mùi dê đặc trưng tương đồng với dê nuôi thả tự do ở vùng đồi núi.

Anh Phạm Văn Long, chủ một nhà hàng tại Kim Sơn đánh giá: "Dê của Hợp Tác xã thảo dược Khánh Thành cho chất lượng thịt thơm ngon hơn nhiều so với dê nuôi nhốt thông thường. Thịt dê mềm, ngọt, tỷ lệ thịt cao, được khách hàng ưa thích. Hiện chúng tôi đã đặt thu mua số lượng lớn của Hợp Tác xã. Đây cũng đều là các đơn đặt hàng từ trước của nhà hàng". Với những hiệu quả và tín hiệu bước đầu đáng mừng như vậy, Giám đốc Hợp Tác xã Nguyễn Văn Thiện chia sẻ đây chính là động lực để mỗi thành viên trong Hợp Tác xã quyết tâm và kiên trì với phương pháp chăn nuôi hữu cơ nhằm mang đến cho người tiêu dùng những sản phẩm có chất lượng tốt nhất. 

Ông Hoàng Trọng Lễ - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Ninh Bình đánh giá cao mô hình này, nói đến dê thì Ninh Bình có thương hiệu khá ấn tượng với du khách, việc nâng cao chất lượng đàn dê là việc cần thiết, các tiến bộ khoa học kỹ thuật nuôi dê trong thời gian qua đã khẳng định sự nỗi lực của các đơn vị, bà con nông dân trong việc đưa con đặc hữu tiếp cận với người tiêu dùng và mở ra thị trường lớn hơn phục vụ du lịch.

Thông qua hệ thống khuyến nông thường xuyên mở các lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi dê, phương pháp cải tạo đàn dê giúp bà con nắm được kiến thức và thực hiện tốt, đạt hiệu quả kinh tế cao. Tăng cường xúc tiến thương mại để đầu ra bền vững.

Hiện nay, toàn tỉnh có trên 22 nghìn con dê. Trong thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông tỉnh tiếp tục thực hiện chương trình cải tạo đàn dê của địa phương thông qua việc chuyển giao các giống dê có ưu thế về thể vóc và chất lượng thịt để nhằm nâng cao năng suất, chất lượng đàn dê, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thịt dê trên thị trường, nhất là phục vụ khách du lịch.

Với tiềm năng về du lịch, hàng năm Ninh Bình đón khoảng 7-8 triệu lượt khách, thì nhu cầu ẩm thực hiện nay về thịt dê, đặc biệt là dê thương phẩm sử dụng thức ăn thảo dược là rất lớn, hiện tại “cung” chưa đủ “cầu”. Mô hình nuôi dê thảo dược sinh sản và thương phẩm trên địa bàn huyện Yên Khánh cần được tuyên truyền, nhân rộng, góp phần tạo sản phẩm thịt dê chất lượng cao, nâng cao vị thế thương hiệu dê Ninh Bình./.

Đông Hà

Các tin khác