Banner chính
Thứ Sáu, 04/04/2025
Liên hiệp Các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Ninh Bình

Bệnh sởi - triệu chứng và phòng ngừa

Thứ Năm, 20/10/2016
Sởi là một bệnh nhiễm trùng ở trẻ em do virus gây ra. Trước đây, bệnh sởi khá phổ biến, ngày nay bệnh đã được phòng ngừa bằng vaccine (vắc xin). Các triệu chứng của bệnh sởi bao gồm: ho, sổ mũi, mắt đỏ, đau họng, sốt và phát ban đỏ dạng đốm rải rác toàn thân. Bệnh sởi có thể nghiêm trọng và thậm chí gây tử vong cho trẻ  nhỏ. Trong khi tỷ lệ tử vong đã giảm trên toàn thế giới do nhiều trẻ em được chủng ngừa sởi, bệnh vẫn giết chết vài trăm ngàn người mỗi năm, hầu hết ở độ tuổi dưới 5 tuổi.

Virus gây bệnh sởi rất dễ lây lan, chúng sống trong chất nhầy mũi và cổ họng của người bị nhiễm. Do đó, người bị nhiễm virus có thể truyền lây bệnh từ khi chưa có triệu chứng sởi. Khi bệnh nhân ho, hắt hơi, nói chuyện, các giọt chất tiết bắn vào không khí và người khác có thể hít phải chúng. Khi các giọt chất tiết này rới trên bề mắt, virus vẫn hoạt động và lây nhiễm trong nhiều giờ. Bạn có thể bị nhiễm virus sởi khi chạm tay lên bề mặt bị nhiễm rồi khi cho tay vào miệng, mũi hoặc dụi mắt.

1. Triệu chứng của sởi

Xuất hiện từ 7 đến 14 ngày sau khi tiếp xúc với virus sởi, các triệu chứng thường gặp bao gồm:

- Sốt;

- Ho khan;

- Chảy nước mũi;

- Đau họng;

- Mắt đỏ (viêm kết mạc);

- Mắt nhạy cảm với ánh sáng;

- Những đốm trắng nhỏ với trung tâm mầu xanh trắng xuất hiện bên trong miệng ở vùng niêm mạc má, được gọi là đốm Koplik (Koplik’s spost);

- Phát ban da tạo thành những vệt lớn phẳng và thường hợp lưu với nhau.

2. Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh sởi

- Những người chưa được tiêm ngừa bệnh sởi;

- Những người chưa được chủng ngừa bệnh sởi đi du lịch đến nơi có bệnh sởi, nguy cơ mắc bênh rất cao;

- Những người có chế độ ăn thiếu vitamin A dễ bị bệnh sởi và khi mắc bệnh sẽ có triệu chứng nặng nề hơn.

3. Cách phòng ngừa bệnh sởi

Bệnh sởi rất dễ lây lan, cần phải cách ly những người đang mắc bệnh sởi, nghỉ học hoặc nghỉ làm trong thời gian bị bệnh, đặc biệt tránh tiếp xúc với những người trong gia đình chưa có miễn dịch (Người đã từng bị sởi cơ thể đã có miễn dịch chống lại sởi và không bị bệnh sởi lần nữa).

Những người có nguy cơ mắc bệnh sởi và chưa được chủng ngừa đầy đủ cần được tiêm ngừa sởi càng sớm càng tốt, bao gồm cả người lớn tuổi chưa được tiêm ngừa và trẻ em trên 6 tháng tuổi.

4. Các biến chứng của sởi

- Nhiễm trùng tai do vi khuẩn (viêm tai giữa): là một trong những biến chứng thường gặp nhất của bệnh sởi;

- Viêm thanh quản, viêm phế quản;

- Viêm phổi: là một biến chứng thường gặp của bệnh sởi, những người bị suy giảm miễn dịch có nguy cơ cao bị viêm phổi nặng, có thể dẫn đến tử vong;

- Viêm não: Là biến chứng nguy hiểm gây tử vong và di chứng cao. Gặp ở 0,1-0,6% bệnh nhân sởi. Thường gặp ở trẻ lớn (tuổi đi học), vào tuần đầu của ban (ngày 3-6 của ban). Khởi phát đột ngột, sốt cao vọt co giật, rối loạn ý thức: u ám - hôn mê, liệt ½ người hoặc 1 chi, liệt dây III, VII hay gặp hội chứng tháp - ngoại tháp, tiểu não, tiền đình…

- Viêm niêm mạc miệng: Lúc đầu do virus sởi, thường hết cùng với ban, muộn thường do bội nhiễm.

- Viêm ruột: Do bội nhiễm các loại vi khuẩn như shigella, E. coli…

Đông Hà

Các tin khác