Banner chính
Thứ Tư, 17/04/2024
Liên hiệp hội khoa học và kỹ thuật Ninh Bình

Các giải pháp hạn chế kháng sinh trong chăn nuôi

Thứ Sáu, 31/05/2019
Các nghiên cứu và kinh nghiệm thực tiễn đã chứng minh rằng cần có sự kết hợp đồng bộ các giải pháp khác nhau để phòng bệnh và cải thiện tăng trọng khi loại bỏ kháng sinh trong thức ăn. Có 3 nhóm giải pháp chính là: Chăn nuôi và Quản lý, Dinh dưỡng, Sử dụng sự hỗ trợ từ các chất phụ gia.

1. Các giải pháp về chăn nuôi và quản lý con giống

1.1. Con giống

Con giống khỏe mạnh bao giờ cũng cho tốc độ lớn cao và sức đề kháng bệnh tật tốt. Khi mua con giống nên mua ở các cơ sở có uy tín, con giống đảm bảo phải được chủng ngừa vacxin đầy đủ phòng các bệnh thường gặp. Không nên ham rẻ mua những con giống còi cọc, ốm yếu vì thường chậm lớn và sức đề kháng kém, dịch bệnh thường bắt đầu từ những con yếu nhất trong đàn. Với các cơ sở tự cung cấp con giống thì không nên giữ lại nuôi những con vật có sức khoẻ yếu vừa làm giảm tính đồng đều vừa ẩn chứa rủi ro cao.

Con giống khỏe mạnh bao giờ cũng cho tốc độ lớn cao và sức đề kháng bệnh tật tốt

1.2. Chuồng trại

Có thể áp dụng mô hình chuồng mở hay chuồng kín tuỳ theo điều kiện của cơ sở chăn nuôi, tuy nhiên cần đặc biệt quan tâm giữ ấm vào mùa đông và thoáng mát vào mùa hè. Cần thực hiện các biện pháp vệ sinh, tẩy sát trùng định kỳ để triệt tiêu mầm bệnh, nên áp dụng phương pháp cùng vào cùng ra để có thời gian sát trùng cruồng trại.

Diệt chuột và côn trùng cũng là một biện pháp cần thiết để tránh lây lan bệnh tật từ các trại lân cận và từ chuồng nọ sang chuồng kia, nên sử dụng loại thuốc diệt chuột an toàn tránh gây độc cho chó mèo, các động vật khác và con người

1.3. Cải thiện tình trạng sức khỏe

Cải thiện sức khoẻ động vật bằng cách thắt chặt an toàn sinh học, áp dụng quy trình chăn nuôi cùng vào cùng ra, tăng cường quy trình làm sạch/ khử trùng và duy trì sức khoẻ động vật trong trang trại sẽ làm giảm sự phụ thuộc kháng sinh. Nghiên cứu và kinh nghiệm thực tiễn đã chứng minh rằng khi động vật có sức khoẻ tốt ít cần kháng sinh hơn so với ở những động vật yếu.

1.4. Tăng tuổi cai sữa (heo)

Tăng tuổi cai sữa giúp heo con hình thành một hệ miễn dịch và tiêu hóa khỏe mạnh để ứng phó tốt hơn với những phơi nhiễm sau cai sữa. Điều này đặc biệt đúng khi vào thời điểm heo con phát triển hệ miễn dịch chủ động (qua tuần thứ ba) trong khi bú mẹ. Ngoài ra, còn tạo điều kiện thuận lợi lâu dài cho việc ăn dặm của heo sau giai đoạn cai sữa, điều này có thể hỗ trợ heo con toàn diện hơn.

1.5. Kích thích in ovo (ở gà thịt)

Việc cho ăn, chủng ngừa hoặc kích thích quá trình phát triển của gà con từ khi còn bên trong trứng đã cho thấy cải thiện tỷ lệ sống. Đồng thời, giúp tạo ra con gà con khỏe mạnh hơn có khả năng tự ăn và uống nước nhanh hơn, chúng phát triển khoẻ mạnh và đạt năng suất cao hơn. Đây là một lĩnh vực đang được tiếp tục nghiên cứu.

3. Các giải pháp về dinh dưỡng

3.1. Tăng khả năng tiêu hóa dưỡng chất

Chất dinh dưỡng không hấp thụ được từ khẩu phần ăn dẫn đến tạo ra chất nền cho sự sinh sôi của vi khuẩn. Một lượng vi sinh vật lớn không chỉ bòn rút chất dinh dưỡng từ động vật mà còn gây bệnh như colibacilli, Salmonella và clostridia. Sự tiêu hóa chất dinh dưỡng có ý nghĩa quan trọng trong tuần đầu sau khi cai sữa và trong tuần đầu tiên sau khi nở (gà thịt). Để đạt được điều này, đầu tư vào thức ăn tốt cho giai đoạn đầu là vô cùng cần thiết.

Sự tiêu hóa chất dinh dưỡng có ý nghĩa quan trọng trong tuần đầu sau khi cai sữa và trong tuần đầu tiên sau khi nở (gà thịt). Để đạt được điều này, đầu tư vào thức ăn tốt cho giai đoạn đầu là vô cùng cần thiết.

3.2.Kích thích ăn nhiều

Lượng ăn vào đóng một vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khoẻ đường ruột của con non. Ngay cả khi thiếu ăn trong thời gian ngắn cũng làm tăng khả năng thẩm thấu của ruột đối với các protein kháng nguyên (như những chất có trong bột đậu nành) và nhạy cảm với vi khuẩn. Điều này thường dẫn đến bệnh tiêu chảy do phản ứng quá mẫn cảm với protein kháng nguyên của các loại đậu và (hoặc) từ nội độc tố do các vi khuẩn như Escherichia coli sinh ra. Nhìn chung, những con non càng ăn thức ăn lành mạnh từ sớm, chúng càng có thể chịu đựng tốt với những phơi nhiễm từ môi trường sinh sống.

3.3. Giảm protein khẩu phần

Vi khuẩn cần protein để phát triển và sinh sản. Bằng cách giảm protein khẩu phần hoặc làm tăng khả năng tiêu hóa, mật độ vi khuẩn và bệnh tiêu chảy có thể được giảm đáng kể. Điều quan trọng là phải bảo đảm tính cân bằng của các amino acid tiêu hoá để bảo đảm hiệu quả tích luỹ nạc tối đa. Hàm lượng protein khẩu phần không được giảm quá 4 phần trăm so với tiêu chuẩn.

3.4. Tăng cường chất xơ

Khẩu phần cho con non cần chứa lượng chất xơ tối thiểu vì chất xơ dư thừa làm giảm năng lượng, hàm lượng chất dinh dưỡng và làm giảm khả năng tiêu hóa. Tuy nhiên, một lượng chất xơ thô nhất định (3-4%) sẽ kích thích sự phát triển của lợi khuẩn có thể chống lại vi khuẩn gây bệnh. Nó cũng kiểm soát lượng ăn vào, tránh ăn quá nhiều, dẫn đến không tiêu hóa hết. Do đó, nhiều khẩu phần không có kháng sinh thường được thiết kế sao cho có chứa một lượng chất xơ nhất định

Thu Hoài (Nguồn Chăn nuôi Việt Nam)

Các tin khác