Banner chính
Thứ Sáu, 29/03/2024
Liên hiệp hội khoa học và kỹ thuật Ninh Bình

Cách ngâm rượu Đinh Lăng

Thứ Sáu, 27/09/2019
Từ xa xưa, Y học cổ truyền đã dùng Đinh lăng dưới dạng thuốc sắc hay Đinh lăng ngâm rượu vì nó có tác dụng như nhân sâm, chữa được rất nhiều bệnh và rất tốt cho sức khỏe. Danh y Hải Thượng Lãn Ông đã gọi Đinh lăng là “Nhân sâm của người nghèo”. Xưa vào dịp lễ hội tổ chức đấu vật, trước khi thi đấu các đô vật sẽ vò lá Đinh lăng với nước để uống cho tăng sức dẻo dai.

Đinh lăng ngâm rượu sử dụng phần rễ (củ) của cây Đinh lăng. Cây Đinh lăng có hai loại: cây lá to và cây lá nhỏ. Tuy nhiên, để ngâm rượu và làm thuốc thì nên dùng cây lá nhỏ, loại cây này không gai, thân nhẵn chiều cao thông thường từ 0,8-2 mét, lá giống như cái lông chim xẻ làm ba dài đầu nhọn.

1. Đinh Lăng lá nhỏ

Đinh lăng chỉ dùng rễ (củ) để ngâm rượu, vì rễ (củ) Đinh lăng khá mềm, có nhiều hoạt chất do trong quá trình hanh khô diễn ra các dưỡng chất được tích tụ vào phần rễ là chủ yếu giúp cây có thể chống chọi qua mùa đông kéo dài. Trong rễ Đinh lăng có chứa nhiều Saponin có tác dụng như Nhân sâm, nhiều sinh tố B1, ngoài ra còn chứa khoảng 13 loại axit amin cần thiết cho cơ thể nhờ đó mà Đinh lăng còn giúp cho tăng trí nhớ nên rất tốt cho người lao động bằng trí óc hoặc các sĩ tử trong mùa thi. Rễ Đinh lăng có tác dụng tăng lực, bồi bổ cơ thể, bổ thận tráng dương, chữa sốt lâu ngày, nhức đầu, háo khát, đau tức ngực, nước tiểu vàng, thiếu máu… sử dụng rất tốt cho người suy hược cơ thể, viêm gan mãn tính, liệt dương, yếu sinh lý. Ngoài công dụng trên, rễ Đinh lăng thường được dùng để trị ho ra máu, chữa tắc tia sữa, làm mát huyết, lợi tiểu, chữa mẩn ngứa.

2. Những lưu ý khi ngâm củ Đinh lăng

Đối với rượu thuốc thông thường thì tỷ lệ thường là 4-5 lít rượu với 1kg đồ ngâm, nhưng khi ngâm rượu với củ Đinh Lăng thì tỷ lệ đó là 8-10 lít rượu với 1kg Đinh lăng. Do trong Đinh lăng có chưa một hợp chất gọi là Saponin, chất này có tác dụng phá huyết vỡ hồng cầu khi dùng với liều lượng cao. Khi đó cảm giác mệt mỏi, nôn, tiêu chảy cực dễ xảy ra, vậy nên cần dung hòa Saponin với liều lượng rượu cao hơn.

3. Cách ngâm rượu

Củ Đinh lăng rửa sạch, phần tiếp giáp giữa gốc và rễ nên cạo gọt nhẹ lớp vỏ, có thể để lại thêm chút lá để tăng tính thẩm mỹ, để ráo nước, phơi khô trong bóng râm. Khi ngâm rượu nên đặt củ Đinh lăng vào bình tạo dáng trước sau đó mới đổ ngập rượu theo tỉ lệ 8-10 lít rượu cho 1 kg Đinh lăng. Có thể pha thêm một ít mật ong, hoặc bột phấn hoa khi uống rất tốt cho người suy nhược cơ thể, người mới ốm dậy.

Ngoài ra, để phát huy tính bổ thận tráng dương thì có thể kết hợp ngâm rượu và một số thảo dược khác.

Thu Hoài (St)

Các tin khác