1. Tụt huyết áp, trụy tim vì nước
Vì nước mà tụt huyết áp, trụy tim là điều mà hầu hết không ai có thể ngờ được. Tuy nhiên, điều đó là có thực bởi việc chúng ta uống nước sai cách, phản khoa học.
Theo TS. David R. Thomas, chuyên ngành Lão khoa, Đại học Saint Louis (Hoa Kỳ), nhiều người thường đợi đến khi cơ thể cảm thấy khát mới vội vàng uống nước.
Tuy nhiên khát là biểu hiện của việc cơ thể đã mất nước. Và mất nước không chỉ làm cơ thể mệt mỏi, da khô, môi nẻ như nhiều người tưởng, nghiêm trọng hơn, nó có thể dẫn đến trụy tim.
Đấy là tác hại của việc uống quá ít nước; tuy nhiên, việc uống nhiều nước, hay uống nhiều nước ngay một lúc cũng mang lại những nguy hiểm không kém.
Theo tài liệu của Viện Y học Hoa Kỳ, uống quá nhiều nước cũng chưa chắc đã có lợi, bởi khi uống quá nhiều nước thì theo lý thuyết sẽ làm loãng các thành phần máu và điện giải gây nên tình trạng tụt huyết áp.
2. Nhận biết đủ nước qua nước tiểu
Theo các tài liệu khuyến cáo, hàng ngày nhu cầu cơ thể của bạn cần khoảng 8 ly nước (tương đương 2 lít nước).
Tuy nhiên, đó chỉ là khuyến nghị chung, còn lượng nước thực tế một người cần uống phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố như cân nặng, cường độ vận động, môi trường làm việc, và chắc chắn khí hậu cũng ảnh hưởng không nhỏ đến nhu cầu nước của cơ thể.
Việc bạn kiểm tra cơ thể mình đã đủ nước hay chưa là điều không quá khó. Theo BS Nguyễn Văn Hùng, nguyên BS Bệnh viện 105, bạn hoàn toàn có thể dựa vào màu sắc của nước tiểu để nhận biết.
Nếu nước tiểu của bạn trong, gần như không có màu, điều này cho thấy có thể bạn đã uống quá nhiều nước.
Bạn nên ngừng uống nước khi thấy thường xuyên mắc tiểu và phải đi tiểu nhiều lần, nước tiểu trong, không màu.
Ngược lại, nếu nước tiểu của bạn có màu vàng đậm hoặc có mùi nặng thì có nghĩa là bạn uống chưa đủ nước. Lúc này, bạn cần bổ sung nước.
Khi uống, bạn nên uống chậm, từng ngụm nhỏ một, tránh uống ừng ực. Khi nước tiểu của bạn có màu hơi vàng nhạt và không có mùi, điều này cho thấy bạn đã nạp đủ lượng nước cần thiết cho cơ thể. Và hãy duy trì điều này hàng ngày.
3. Uống theo thời gian biểu
Theo tài liệu hướng dẫn của Viện nghiên cứu y khoa Mayo Clinic (Hoa Kỳ), để đảm bảo bạn uống đủ nước, một cách khoa học, không thừa, không thiếu, bạn nên có một thời gian biểu cho việc uống nước.
Không nhất thiết phải quá cứng nhắc về giờ giấc uống nước, nhưng bạn có thể tham khảo thời gian biểu mà các nhà khoa học đã đưa ra để áp dụng phù hợp với bản thân:
6h30-7h: Sau giấc ngủ đêm, cơ thể bạn thực sự sẽ rất cần nước. Hãy uống một cốc 250ml ngay khi ngủ dậy để giúp lọc sạch gan và thận. Đừng vội ăn sáng ít nhất là nửa tiếng sau khi uống nước, hãy đề nước ngấm vào đến từng tế bào trong cơ thể bạn.
8-9h: Việc di chuyển đến chỗ làm vào buổi sáng chắc hẳn gây cho bạn không ít căng thẳng, và làm cơ thể bạn mất nước. Uống một cốc nước khi bạn đến công sở để lấy lại sự sảng khoái cho cơ thể bắt đầu làm việc.
11h: Sau vài giờ làm việc trong văn phòng đóng kín, hơi nóng từ máy văn phòng và không khí ngột ngạt làm khô da bạn. Hãy uống nước để giữ ẩm cho cơ thể và giảm căng thẳng công việc.
1h: Uống nước sau bữa trưa không chỉ tốt cho tiêu hóa mà còn giúp bạn giữ được vóc dáng cân đối.
3-4h: Giờ làm việc buổi chiều, nhiều người cảm thấy buồn ngủ và không thể tập trung vào công việc. Đứng dậy và uống một cốc nước sẽ giúp bạn lấy lại thăng bằng.
5h: Một cốc nước trước khi rời văn phòng sẽ giúp bạn bớt cảm giác đói và mệt. Điều này đặc biệt tốt cho người ăn kiêng vào buổi tối.
10h: Uống nước nửa giờ đến một giờ trước khi đi ngủ sẽ giúp cơ thể phòng chống nguy cơ máu cục, máu đông.
Trang Hà (Theo Khoahocdoisong)