Banner chính
Thứ Năm, 21/11/2024
Liên hiệp Các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Ninh Bình

Cách phòng chống bệnh đau mắt đỏ

Thứ Năm, 02/10/2014
Đau mắt đỏ là một bệnh khá phổ biến và hay gặp nhất trong các bệnh lý về mắt. Bệnh thường bùng phát khi thời tiết giao mùa và nó có thể trở thành đại dịch bất cứ lúc nào vì bệnh rất dễ lây và lây lan rất nhanh. Vậy bệnh đau mắt đỏ thường lây qua những con đường nào và cách phòng bệnh đau mắt đỏ ra sao? Đây là câu hỏi được rất nhiều người quan tâm, bài viết sau đây có thể giúp bạn hiểu rõ thêm các con đường lây bệnh đau mắt đỏ nhằm biết cách phòng tránh bệnh, bảo vệ sức khỏe cho mình và những người thân xung quanh.

Nguyên nhân: Nguyên nhân chủ yếu của bệnh đau mắt đỏ là do vi rút Adenovirus, hoặc do vi khuẩn như liên cầu, tụ cầu, phế cầu gây ra. Bệnh thường gặp vào mùa hè đến cuối mùa thu, khi thời tiết từ nắng nóng chuyển sang mưa, độ ẩm không khí cao, khi giao mùa… là những thời điểm mà cơ thể con người, nhất là những người nhạy cảm với thời tiết dễ bị mệt mỏi, hệ thống miễn dịch yếu nên dễ bị nhiễm bệnh. Bên cạnh đó, môi trường nhiều khói bụi, điều kiện vệ sinh kém, sử dụng nguồn nước ô nhiễm, dùng chung đồ dùng sinh hoạt như khăn mặt, gối… cũng là điều kiện thuận lợi cho bệnh phát triển và bùng phát thành dịch.

Triệu chứng: Người bị đau mắt đỏ thường bị đỏ một hoặc hai mắt, nóng rát mắt, đau, có cảm giác cộm mắt, mi mắt sưng nề, chảy nước mắt, nhiều gỉ mắt, nhất là sau khi ngủ dậy mắt khó mở vì nhiều gỉ quanh mắt. Những dấu hiệu sớm có thể nhận biết là mắt cộm, đỏ, ngứa, chảy nước mắt.

Cách phòng bệnh bệnh đau mắt đỏ:

- Đau mắt đỏ tuy là bệnh cấp tính, triệu chứng rầm rộ, dễ lây nhưng thường lành tính, ít để lại di chứng. Tuy nhiên bệnh thường gây ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt, học tập và lao động, và có không ít trường hợp bệnh kéo dài, gây biến chứng ảnh hưởng đến thị lực sau này và cần được xử trí kịp thời khi mắc bệnh.

- Mầm bệnh có khả năng sống ở môi trường bình thường trong vài ngày và người bệnh vẫn có thể là nguồn lây sau khi đã khỏi bệnh một tuần. Vì vậy, cách phòng bệnh tốt nhất là thực hiện triệt để các biện pháp vệ sinh và cách ly với người bệnh. Cụ thể như sau:

- Luôn đảm bảo vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch.

- Dùng riêng khăn, gối, chậu rửa mặt.

- Giặt sạch khăn mặt bằng xà phòng và nước sạch, phơi khăn ngoài nắng hàng ngày.

- Không dùng tay dụi mắt.

- Ngoài việc luôn thực hiện các biện pháp trên, cần lưu ý thêm biện pháp sau: Rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn. Rửa mắt hàng ngày bằng nước muối sinh lý (nước muối 0,9%), ngày ít nhất 3 lần vào các buổi sáng, trưa, tối. Đặc biệt, không dùng chung thuốc nhỏ mắt, không dùng chung đồ đạc với người đau mắt. Hạn chế tiếp xúc với người bị đau mắt, hạn chế đi bơi, ít đến những nơi đông người đặc biệt là những nơi có nhiều mầm bệnh (bệnh viện,..) không sử dụng các nguồn nước bị ô nhiễm.

Gia Phúc

Các tin khác