Banner chính
Thứ Năm, 21/11/2024
Liên hiệp Các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Ninh Bình

Cách trồng rau Kinh giới và một số bài thuốc ứng dụng chữa bệnh

Thứ Sáu, 28/07/2017
1. Đặc điểm sinh học
Kinh giới thuộc họ hoa môi, tên khoa học là Schizoucpeta tenuifolia Brig. Cây kinh giới thường trồng ở Việt Nam là Elsholzia crista Willd và Origanum Syriacum.

Kinh giới là cây thân thảo, hình bụi, cao từ 30-40cm. Thân cây chia làm nhiều nhánh. Lá cây thuộc loại lá đơn mọc đối nhau, phiến lá thuôn nhọn, dài 5-8cm, rộng 2-3cm, lá kinh giới có nhiều gân nhỏ màu xanh nhạt.

Hoa kinh giới nhỏ màu tím nhạt, hoa thường ra vào mùa hạ, mùa thu. Hoa kinh giới sẽ cho quả, trong quả có 4 hạt nhỏ.

2. Chế biến

Cây kinh giới có vị cay, tính nóng. Trong lá kinh giới có chất Clsholtizia keton tạo ra mùi thơm dễ chịu. Trong các món ăn kinh giới thường được dùng chung với các loại rau thơm khác để ăn sống, kinh giới còn làm gia vị trong các món nộm, ăn kèm với chả giò, nem, thịt chó, thịt thú rừng… vừa hạn chế mùi tanh vừa thơm miệng. Kinh giới còn dùng được trong các món bún bò giò heo cùng với tía lô, hoa chuối.

 

Không chỉ được dùng trong các món ăn, kinh giới còn là một vị thuốc Nam thông dụng. Kinh giới có tác dụng làm ra mồ hôi, lợi tiểu, chữa nóng sống, cảm gió… Kinh giới nhổ cả cây phơi khô sắc uống để chữa cảm sốt, nhức đầu. Kinh giới dùng chung với tía tô, hương nhu trị bệnh viêm họng, chữa nôn mửa. Đâm nhỏ gừng và kinh giới để xoa bóp có thể chữa nhức khớp.

3. Kỹ thuật trồng kinh giới

a. Xử lý đất

Đất trồng kinh giới đảm bảo sự tơi xốp, thoát nước tốt. Đất trồng cũng phải đánh luống giống như trồng cây bạc hà. Luống cao khoảng 20-30cm, rộng 1,2-l,4m, ở những nơi đất cát thì không cần đánh luống mà chỉ cần xẻ rãnh để thoát nước.

Cây rau kinh giới

Để kinh giới sống tốt việc bón phân cũng phải được lưu ý. Mỗi héc ta cần 15-20 tấn phân < 500 kg bánh dầu, 150-200 kg DAP. Người ta thường bón phân chuồng trước khi trồng kinh giới sau đó khoảng 15 ngày mới bón các loại phân khác. Với những loại đất xấu ít chất thì cần phải bón phân nhiều hơn để tăng thêm chất màu.

b. Trồng kinh giới

*Trồng bằng hạt

Trước khi gieo hạt nên ngâm nước ấm nửa ngày và xem xét mức độ, tỉ lệ nẩy mầm để quyết định mật độ gieo cho hợp lý. Hạt kinh giới khi gieo phải trộn đều với tro bếp hay đất bột. Sau khi gieo có thể lấy rơm rạ phủ lên các luống rồi tưới nước cho ẩm để hạt mọc đều.

*Trồng bằng cành

Người ta cắt cành để giâm: lấy những đoạn không già quá, độ dài khoảng 12-15cm (có 3-4 mắt lá) rồi cắm ngập vào luống (chỉ chừa khoảng 5-7cm). Sau khi cắm cành nên tưới nước và che nắng. Sau khoảng một tuần cành giâm ra lá là được.

c. Chăm sóc cây kinh giới

Chăm sóc ruộng kinh giới thường là làm cỏ và tưới nước bón phân. Trước khi gieo đất đã được làm kỹ thì cỏ sẽ ít mọc cho nên sẽ không tốn công làm cỏ. Mặt khác kinh giới thường được trồng theo hàng nên dễ làm cỏ bón phân, vun gốc.

4. Thu hoạch

Để lấy kinh giới làm gia vị thì sau khi trồng khoảng 1 tháng sẽ bắt đầu thu hoạch. Nếu gieo hạt thì khoảng 45 ngày mới có thể hái lá được.

Để lấy kinh giới làm thuốc thì phải chờ đến lúc cây trưởng thành hoặc có hoa thì mới có thể thu hoạch được.

Người ta thu toàn bộ thân, lá, cành để làm thuốc; phải rửa sạch, cắt nhỏ, phơi khô rồi cất đi dùng dần. Hoa kinh giới nên thu hoạch vào lúc còn vụ, nó cũng phải được phơi khô và bảo quản nơi khô thoáng.

5. Một số tác dụng và bài thuốc

* Lấy 20 gam cây kinh giới (hoa, lá, cành) sắc uống. Sau đó lấy bã nấu cùng với lá dâu (5 gam), lá sả (10 gam), lá bưởi (8 gam), lá cúc tần (6 gam), lá ổi (4 gam) để xông thì sẽ chữa sốt, chữa nhức đầu, đau mình ê ẩm.

* Lấy hoa kinh giới khô (15 gam) sắc cùng với 10 gam Bạch chỉ để uống sẽ chữa được cảm lạnh, nhức đâu, chảy nước mũi.

* Giã nát kinh giới tươi (cành lá non) với gừng sống, vắt lây nước cốt để cho bệnh nhân uống rồi lấy bã xoa dọc sống lưng thì có thể chữa đau nhức xương.

Thu Trà (St)

Các tin khác