Banner chính
Thứ Năm, 21/11/2024
Liên hiệp Các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Ninh Bình

Cây tía tô

Thứ Năm, 18/12/2014
Cây tía tô còn gọi là tử tô, tía tô có 2 loại: loại lá mầu tím hoặc xanh tím, phía trên có lông mầu tím và loại có lá mầu lục chỉ có gân lá mầu hung. Tía tô được trồng ở khắp nơi trong cả nước để lấy lá làm gia vị và toàn cây để làm thuốc, trồng bằng hạt, gieo hạt tốt nhất vào sau tiết lập xuân (khoảng tháng 1 – 2 dương lịch), nếu thu hoạch lá thì tháng 3 – 4 đã hái được, những cây lấy hạt làm thuốc và để giống thì không hái lá. Theo tài liệu cổ tía tô có vị cay, mùi thơm, tính ôn, vào các kinh phế và kinh tỳ.
 

Lá tía tô còn gọi là tử tô diệp, hay tô diệp dùng tươi hoặc được đem phơi trong  râm mát hay sấy ở nhiệt độ thấp cho khô. Lá có tác dụng tán phong hàn, giải độc, thường được dùng làm cho ra mồ hôi, chữa cảm mạo giảm đau, chữa ho, chữa ngộ độc nôn mửa, đau bụng do ăn chất tanh như cua cá.

Cành của cây tía tô được gọi là tử tô ngạnh hay tô ngạnh, được phơi hoặc sấy khô. Có tác dụng an thai và cũng có tác dụng như lá nhưng kém hơn nhiều.

Cành non có mang lá gọi là tử tô được  phơi hay sấy khô.

Quả chín (thường gọi là hạt) gọi là tử tô tử hay còn gọi là tô tử, hắc tô tử được phơi hay sấy khô. Có tác dụng tiêu đờm định suyễn, chữa tê thấp.

Các bài thuốc có tía tô chữa trị một số chứng bệnh thường gặp:

- Nấu cháo ăn để giải cảm lạnh: Lá tía tô (tô diệp), hành hoa, gừng tươi, ba thứ đem thái nhỏ, cho vào bát to, múc cháo gạo tẻ đang sôi đổ vào, thêm ít muối và hạt tiêu, cho người bệnh ăn ngay lúc còn nóng. Ăn xong nằm đấp chăn cho kín để cho ra mồ hôi.

- Chữa vú sưng: Lá tía tô 10g sắc lấy nước uống, bã đắp vào vú.

- Chữa đầy bụng, đau bụng do ăn cua cá bị ngộ độc: Lá tía tô 10g, gừng tươi 8g, cam thảo sống 4g, nước 600ml sắc còn 200ml uống khi nước thuốc còn nóng.

- Chữa phụ nữ khi mang thai nôn mửa: Lá tía tô 4g, hoàng liên 2g, hai vị cho vào hãm lấy nước uống.

- Trị các bệnh ho có nhiều đờm, làm dịu ho: Lá tía tô 8g, gừng sống 8g, hạnh nhân 12g, bán hạ 12g, sắc uống (Lưu ý: Bài thuốc có lá tía tô thì sắc các vị thuốc khác trước, khi gần được mới cho lá tía tô vào).

- Chữa táo bón nhất là đối với người già cơ thể suy yếu: Hạt tía tô, hạt hẹ mỗi thứ 15g giã nhỏ cho một bát con nước khuấy đều gạn lấy nước cốt nấu cháo gạo ăn.

Nguyễn Hoán
 

Các tin khác