Banner chính
Thứ Năm, 21/11/2024
Liên hiệp Các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Ninh Bình

Đề phòng ngộ độc thực phẩm trong mùa Hè

Thứ Sáu, 31/03/2017
Mùa hè có nhiệt độ cao, kèm theo những cơn mưa kéo dài làm không khí ẩm thấp. Đây là môi trường thuận lợi để các loại vi khuẩn, virut phát triển do đó nguy cơ ngộ độc thực phẩm trong mùa hè thường cao hơn các thời điểm khác trong năm.

Ngộ độc thực phẩm do nhiều nguyên nhân như do xử lý thực phẩm hoặc nấu nướng thức ăn không đúng cách, thức ăn để ngoài trời nắng quá lâu; ăn uống ngoài đường, vỉa hè nhất là những hàng quán gần cống rãnh không đảm bảo vệ sinh; gần gũi vật nuôi dễ bị dính lông của những con vật này, sau đó dính vào thức ăn đưa vào miệng; thức ăn không được nấu kỹ; hoa quả, rau xanh chưa được rửa sạch; nước sử dụng nấu ăn bị ô nhiễm. Ngoài ra thực phẩm có thế gây ngộ độc do bị ô nhiễm hóa học hoặc ngay trong thực phẩm có sẵn chất độc. Người bị ngộ độc thường đau bụng, nôn mửa, sốt nhẹ rồi chuyển sang sốt cao, mất nước và một số trường hợp tiêu chảy, trường hợp nặng có thể loạn nhịp tim, co giật, liệt cơ, gây tử vong.

Để bảo bệ sức khỏe bản thân và gia đình chúng ta cần chủ động phòng tránh ngộ độc thực phẩm thông qua các biện pháp cơ bản sau:

1. Lựa chọn mua thực phẩm an toàn

- Đối với thịt: Thịt lợn, thịt bò, thịt gà làm sẵn… tươi ngon thì miếng thịt dẻo, sờ vào hơi dính tay. Khi lấy ngón tay ấn nhẹ, thấy thịt đàn hồi tốt, không bị chảy nước. Thịt có mùi đặc trưng, không hôi, không có mùi lạ. Bề mặt miếng thịt không có lớp màng bao phủ.

- Đối với cá: Chọn cá có vảy xếp đều, trắng, không bong tróc, không có các dấu hiệu bất thường. Mang cá khép chặt, nếu lấy tay nâng mang cá lên xem sẽ thấy mang cá màu hồng tươi mà không phải màu tía. Cá tươi có mắt to, sáng trong, hơi lồi ra ngoài, hậu môn thụt sâu, thịt cá chắc, có độ đàn hồi.

- Đối với các loại rau, củ, quả:

+ Rau ăn lá: Không nên chọn những bó rau có màu xanh quá đậm, quá mướt, lá bóng mà nên chọn màu xanh nhạt, cây rau có vẻ bình thường. Rau ăn ngọn như (rau lang, rau muống, ngọn bí): chúng ta không nên mua những bó rau có ngọn vươn ra quá dài.

Rau cải khi mua nên bẻ ngang phần gốc, nếu thấy có nước từ thân tiết ra thì rau cải đã bị bón quá nhiều phân đạm, không đảm bảo thời gian cách ly, hàm lượng Nitrat trong rau còn rất cao. Nếu để quá 12 giờ thì dễ bị úng nâu đen, không nên mua.

Rau muống không nên mua những bó rau có cọng to hơn bình thường, rau giòn, lá màu xanh đen, nhìn nghiêng mặt trên của lá rau rất bóng và mướt. Khi nước luộc rau  nguội, nước sẽ biến thành màu xanh đen và có vẩn kết tủa đen; khi ăn xong, nếu tinh ý ta nhận thấy có vị chát.

 Rau bí không nên mua bó rau có ngọn dài, khoảng cách giữa các lóng xa nhau có ngọn vươn dài, tay cuống mập và ngắn, ít lông tơ, ngọn bí màu xanh nhạt, lá màu xanh đen...

+ Đối với các loại củ, quả: Không nên chọn những quả quá lớn, mà chọn những quả có kích thước vừa phải hoặc hơi nhỏ. Không chọn những quả da căng và có vết nứt dọc theo thân, những quả da xanh bóng. Các loại quả đỗ như đỗ cô ve, đỗ Hà Lan, đỗ ván. Không nên chọn những quả khi nhìn bóng nhẫy, ít lông tơ.

+ Với giá đỗ: Không nên mua lọa giá đỗ có thân ngắn, quá mập và không có rễ vì đó có thể là loại giá đỗ đã được sử dụng thuốc kích thích. Loại giá không hóa chất gầy hơn, sợi giá khó gãy hơn và trông có vẻ không được bắt mắt. Cọng giá sạch khi bấm vào thấy độ giòn của giá, khi xào không ra nước, và khi ăn có vị thơm của đậu và rễ dài như sợi chỉ, phần lá mở ra hoặc nhìn từ ngoài sẽ lấy mầm lá nhú màu vàng hoặc màu xanh, loại giá thông thường có màu trắng nhạt hoặc màu sữa.

- Đối với một số loại thực phẩm đồ hộp: Với thực phẩm đóng hộp, chúng ta không sử dụng thực phẩm đóng hộp khi hạn sử còn quá ngắn. Không mua đồ hộp bị rách bao bì, hở, móp méo, thông tin cần thiết trên sản phẩm bị tẩy xóa hoặc mờ nhạt. Khi mua cần xem kỹ các thông tin hướng dẫn sử dụng, giá trị dinh dưỡng, thành phần, bảo quản, ngày sản xuất và hạn sử dụng.

2. Biện pháp ngăn ngừa nhiễm khuẩn trong bảo quản, chế biến thực phẩm

Tủ lạnh cần có khu vực để bảo quản thức ăn chín và khu bảo quản thức ăn sống riêng để ngăn ngừa nhiễm khuẩn chéo trong quá trình bảo quản. thức ăn chín cần cho vào trong các hộp có nắp đậy kín, trước khi cho vào bảo quản.

Mua thịt gia súc, gia cầm, thủy sản tươi sống nếu chưa chế biến, nấu nướng ngay thì sơ chế cẩn thận, sau đó chia nhỏ với số lượng vừa đủ ăn hàng ngày, đựng riêng từng món trong túi nhựa bao kín, cho vào bảo quản lạnh với nhiệt độ dưới 00C. Đối với các loại rau mua về phải sơ chế ngay và rửa thật sạch, để ráo nước bỏ vào hộp kín, rồi cho vào ngăn mát với nhiệt độ từ 50C trở xuống tùy theo số lượng rau cần bảo quản. Trong ngăn bảo quản lạnh, nên để thịt gia súc, gia cầm, thủy sản tươi sống ở dưới cùng, vì nếu có dịch chảy ra sẽ không làm ướt các thực phẩm khác.

Không dùng dao, thớt, đũa vừa tiếp xúc với thực phẩm tươi sống để chế biến nộm, thức ăn chín hoặc rau, quả ăn ngay không qua nấu nướng. Chú ý thức ăn chín không để trong các dụng cụ vừa mới đựng thịt, trứng và thủy sản.

3. Luôn giữ bàn tay và dụng cụ ăn uống sạch sẽ

Người chế biến phải cắt ngắn móng tay, rửa tay đúng quy trình 6 bước bằng xà phòng, nước sạch trước khi ăn và sau khi chế biến thực phẩm tươi sống, sau khi đi vệ sinh hoặc làm việc khác gây bẩn tay. Khi chuyển sang giai đoạn chế biến khác nhau thì tay phải sạch sẽ, để đồ ăn không bị nhiễm bẩn của những đồ khác. Khi tiếp xúc với thức ăn chín, thì nên sử dụng găng tay một lần để đảm bảo an toàn thực phẩm khi ăn. Không trực tiếp chế biến thực phẩm khi đang có vết nhiễm trùng ở bàn tay.

Rửa sạch dao thớt sau khi chế biến thực phẩm tươi sống bằng nước rửa bát đĩa chuyên dùng, sau đó rửa kỹ lại bằng nước sạch và úp vào giá hoặc nơi kín để tránh bụi. Bát, đĩa, đũa nồi phải được rửa sach sẽ và cất ở nơi khô ráo sau khi sử dụng; cần thay khăn lau chén, bát đũa theo định kỳ để đảm bảo sạch sẽ không bị nhiễm khuẩn, không dùng khăn ẩm mốc để lau dụng cụ ăn uống. Mỗi lần sử dụng xong giặt sạch khăn rửa bát, khăn lau bếp, khăn lau tay và để riêng tránh nhầm lẫn khi sử dụng. Không dùng những loại bát, đĩa, đũa, thìa, thớt bằng chất liệu khó rửa sạch, bị rạn nứt, sứt mẻ, hoen ố.

4. Thực hiện nguyên tắc ăn chín, uống sôi

Thực phẩm tươi sống phải được nấu chín thật kỹ, nếu chưa thấy chín phải đun sôi lại cho đến khi hết màu hồng. Nấu chín nên ăn ngay để bữa ăn được thêm ngon, đảm bảo về vệ sinh an toàn thực phẩm và còn giữ được hàm lượng dinh dưỡng cao, vì thức ăn chín càng để lâu sẽ bị mất chất dinh dưỡng, dễ bị biến đổi chất do môi trường xung quanh thâm nhập. Chúng ta không nên ăn những đồ như tiết canh, thịt tái, gỏi sống, trứng trần nước sôi.

Nên bảo quản thức ăn chín tốt nhất ở nhiệt độ không quá 500C, nấu từ từ để thức ăn nóng đồng đều trên 700 C trước khi sử dụng lại. Trong mùa hè nếu muốn bảo quản thức ăn chín hơn 5h, thì giữ nóng thức ăn trên 600C hoặc giữ lạnh dưới 100C. Đối với trẻ nhỏ, không nên dùng lại để đảm bảo sức khỏe cho trẻ vì hệ tiêu hóa kém hơn so với người lớn. Thực phẩm đông lạnh cần giã đông rồi mới chế biến, để không mất chất dinh dưỡng và an toàn khi dùng.

Đề phòng là một biện pháp hữu hiệu nhất để đối phó với ngộ độc thực phẩm trong mùa hè. Trường hợp đã xảy ra ngô độc thực phẩm ở mức độ nhẹ, chúng ta có thể uống bù nước lọc sạch và ăn cháo loãng, nếu không thuyên giảm phải chuyển ngay người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để kịp thời cứu chữa.

Trần Hằng (Nguồn: busta.vn)

Các tin khác