BHYT sẽ giảm gánh nặng chi phí điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS:
Theo báo cáo của các địa phương, cả nước hiện có hơn 220 nghìn người nhiễm HIV, trong đó có khoảng 50% số người bệnh đang điều trị thuốc kháng vi-rút (ARV); số thuốc này vẫn đang được cấp miễn phí cho người bệnh bằng nguồn kinh phí tài trợ từ các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ. Tuy nhiên, các nguồn tài trợ của các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ sẽ giảm dần và hầu hết các tổ chức không viện trợ thuốc ARV kể từ năm 2018. Như vậy, nếu không có giải pháp thay thế người nhiễm HIV sẽ có thể không được điều trị ARV liên tục.
Tư vấn điều trị ARV cho người nhiễm HIV
Điều trị HIV/AIDS là một cuộc chiến gian nan, suốt đời, đòi hỏi người bệnh phải tuân thủ điều trị. Nếu trong quá trình điều trị mà bỏ giữa chừng hoặc gián đoạn thì nhiễm trùng cơ hội sẽ bùng phát, nguy cơ lây lan ra cộng đồng và sẽ rất tốn kém, và đặc biệt là có nguy cơ tạo ra chủng vi rút kháng thuốc phải điều trị theo một phác đồ mới tốn kém hơn rất nhiều lần. Hiện nay, chi phí thấp nhất cho việc điều trị HIV là khoảng hơn bốn triệu đồng/năm/người đối với các trường hợp điều trị theo phác đồ 1. Nhưng với người bệnh kháng thuốc, phải điều trị phác đồ 2 thì chi phí điều trị tăng lên gấp bảy, tám lần. Điều đáng nói, tỷ lệ kháng thuốc đang có xu hướng tăng lên, hiện chiếm 4,5% tổng số người bệnh đang điều trị. Như vậy, nếu không có thẻ BHYT, người bệnh sẽ phải bỏ ra một số tiền rất lớn để điều trị bệnh. Một vấn đề khác là khi một người nhiễm HIV đi khám bệnh sẽ phải chi trả rất nhiều các dịch vụ như: xét nghiệm, điều trị nhiễm trùng cơ hội… Bên cạnh đó, rất nhiều người nhiễm HIV, khi chuyển sang giai đoạn AIDS thường mắc thêm các bệnh khác, do vậy số tiền sẽ càng lớn hơn nếu người nhiễm HIV không có thẻ bảo hiểm y tế khi hám bệnh.
Còn nhiều khó khăn để người nhiễm HIV tham gia bảo hiểm y tế:
Cục trưởng Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) Nguyễn Hoàng Long cho biết: Về lâu dài, giải pháp sử dụng bảo hiểm y tế chi trả cho điều trị AIDS vẫn là hiệu quả nhất. Tuy nhiên, để triển khai được vấn đề này còn rất nhiều khó khăn, vướng mắc, bởi những ràng buộc, điều kiện khi tham gia BHYT. Phần lớn người nhiễm HIV là lao động tự do, không đủ giấy tờ cá nhân pháp lý như hộ khẩu, chứng minh nhân dân để tham gia BHYT. Việc mua BHYT theo hộ gia đình cũng là một trong những khó khăn vì phần lớn những người trong các gia đình này đều nghèo. Bên cạnh đó, nhiều người sau khi ra khỏi trung tâm giáo dục chữa bệnh lo sợ bị kỳ thị cho nên không dám về địa phương, đi tìm việc nhiều nơi, không đăng ký tạm trú hoặc thường trú; thường xuyên thay đổi chỗ ở, sống lang bạt, thậm chí họ không có cả chứng minh nhân dân. Đây là rào cản cơ bản khiến người nhiễm HIV khó tiếp cận BHYT. Bên cạnh đó, nhiều người nhiễm HIV chưa sẵn sàng mua thẻ BHYT do còn trông chờ sự hỗ trợ của Nhà nước hoặc các dự án. Tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS vẫn còn cao, gây cản trở cho người có nhu cầu tiếp cận các dịch vụ dự phòng, điều trị và chăm sóc nhiễm HIV/AIDS, làm giảm tác dụng và hiệu quả của các dịch vụ này, bao gồm cả việc mua và sử dụng thẻ BHYT…
Trao đổi với anh Nguyễn Văn H (Hải Phòng), người nhiễm HIV đã 5 năm, điều trị ARV miễn phí được bốn năm, chia sẻ: “Người nhiễm HIV như chúng tôi có hoàn cảnh khó khăn, sức khỏe kém cho nên không có công việc ổn định dẫn đến thu nhập cũng bấp bênh. Tiền ăn, sinh hoạt hằng ngày lo từng bữa, cho nên để chi trả mua thẻ BHYT là điều không thể. Lý do nữa là giấy tờ cá nhân không đầy đủ, người nhiễm HIV chủ yếu sống lang thang, không có hộ khẩu, không nơi cư trú cho nên không được hưởng các chính sách hỗ trợ BHYT của Nhà nước (kể cả là diện nghèo). Điều chúng tôi lo sợ nhất khi khám, chữa bệnh bằng BHYT là mọi người sẽ biết mình bị nhiễm HIV và kỳ thị. Vẫn biết rằng sử dụng BHYT trong khám, chữa bệnh cho chúng tôi là giải pháp hiệu quả nhất trong lúc này nhưng cần có cơ chế riêng để chúng tôi tham gia BHYT một cách thuận lợi nhất. Nếu như một ngày chúng tôi không có thuốc uống, thì coi như cả quá trình điều trị trước đó không còn tác dụng, phải điều trị lại từ đầu”.
GS.TS. Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế cũng cho biết: Ngành y tế đang tìm các giải pháp thích hợp để tăng tỉ lệ người nhiễm HIV có BHYT, như tăng cường công tác truyền thông, vận động để người nhiễm HIV tự nguyện mua BHYT. Những hộ không có điều kiện kinh tế để mua cả gia đình sẽ được tạo điều kiện thuận lợi để các thành viên mua bảo hiểm không cùng thời điểm hoặc người nhiễm HIV được cấp thẻ BHYT. Bộ Y tế cũng sẽ tổ chức các lớp tập huấn cho đội ngũ y tá, bác sĩ tại các trung tâm y tế, bệnh viện các tuyến có chức năng khám, chữa bệnh cho người bệnh HIV/AIDS để tư vấn cho người bệnh. Cán bộ y tế phải hiểu, thông cảm và đồng cảm với người bệnh. Quy định về giấy tờ, hồ sơ phải được mã hóa, bảo đảm bảo mật bệnh tật của người bệnh; bảo đảm thông tin về HIV không tiết lộ ra ngoài, chỉ hạn chế trong các cơ sở điều trị và cơ quan BHYT. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là người bệnh nhiễm HIV/AIDS phải vượt qua được sự kỳ thị bởi đây là cuộc chiến đấu lâu dài, cho nên không thể giấu suốt đời.
Bích Phượng