Nếu họ bị bệnh sẽ giảm khả năng lao động, thậm chí tàn phế. Vì vậy, việc phát hiện, chẩn đoán sớm và lựa chọn phương pháp điều trị thích hợp với điều kiện kinh tế và trình độ kỹ thuật y tế trong tỉnh là vấn đề cần thiết. Trước tình hình đó, Bác sỹ, Thạc sỹ Đinh Huy Cương, Khoa Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã nghiên cứu và áp dụng điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng bằng phương pháp tiêm ngoài màng cứng.
Bệnh thần kinh ngoại vi chiếm tỷ lệ tương đối cao trong các bệnh thần kinh nói chung. Trong đó đại diện cho bệnh thần kinh ngoại vi chi dưới là hội chứng thắt lưng hông chiếm trên 60% và đại diện cho bệnh thần kinh chi trên là tổn thương đám rối thần kinh cánh tay. Những tổn thương dây thần kinh thường mang đến những rối loạn nặng nề chức năng cảm giác, vận động, thực vật và dinh dưỡng gây khó khăn cản trở cho bệnh nhân trong lao động xã hội cũng như trong sinh hoạt hàng ngày. Hơn nữa nếu có 1 tổn thương thì bệnh còn có thể dẫn đến thoái hóa các dây thần kinh ngoại vi gây nên tổn thương lâu dài. Những yếu tố đó thường dẫn đến tổn thương dây thần kinh ngoại vi, trong đó hay gặp nhất là thoát vị đĩa đệm.
Trong thực tế lâm sàng, dựa trên cơ sở giải phẫu sinh lý và chức năng sinh cơ học của đoạn vận động cột sống thắt lưng, cho thấy đoạn cột sống thắt lưng có vai trò để giữ thăng bằng cho cơ thể và chứa đựng toàn bộ gánh nặng của phần trên cơ thể nên thoát vị đĩa đệm thường xuyên xảy ra, vị trí L4-L5 gặp nhiều hơn cả, vì vậy, việc lựa chọn vị trí điểm chọc kim là cần thiết, thường chọc ở khe L4-L5, L3-L4. Về kỹ thuật thao tác tiêm ngoài màng cứng: Để làm mềm và dãn cơ cạnh sống, phải giải phóng sự co cứng cơ do thoát vị đĩa đệm gây nên có nhiều phương pháp, mỗi phương pháp có những ưu điểm và tồn tại riêng biệt. Phương pháp tiêm thuốc ngoài màng cứng, thuốc tác động trực tiếp vào các khâu là: biến đổi cấu trúc và rối loạn chức năng trong đoạn vận động cột sống, đòi hỏi phải có kỹ thuật chuyên khoa, phải có sự cảm nhận tinh túy của bàn tay thầy thuốc khi đưa kim và điều chỉnh kim vào đúng khoang màng cứng. Nếu đưa kim quá mạnh sẽ vào khoang dưới nhện, vì vậy phải thử trước khi bơm thuốc theo đúng quy trình.
Việc áp dụng phương pháp tiêm ngoài màng cứng bằng hỗn dịch Diprospan 1ml cộng với 1 ml Novocain để điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng là rất cần thiết, nhằm tạo điều kiện cho mọi người dân thuộc mọi tầng lớp có điều kiện tiếp cận với phương pháp điều trị hiệu quả. Người bệnh không phải đi xa điều trị, đồng thời hạn chế được tỷ lệ bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm phải phẫu thuật.
Hội chứng đau thắt lưng cục bộ xuất hiện do khởi phát từ dây chằng và các khớp nhỏ, hệ thống giữ cột sống phải tăng trương lực để giữ tư thế cho cột sống, tránh được những chèn ép tiếp theo. Quá trình tăng trương lực kéo dài làm cơ trở nên co cứng làm tăng áp lực đĩa đệm và làm giảm thể tích của cơ. Chính vì vậy mọi thao tác điều trị trong giai đoạn này đều nhằm mục đích giải phóng nhanh sự co cứng trong tư thế mất tải. Yếu tố này làm thúc đẩy quá trình giảm nhanh áp lực đến đĩa đệm, chống phù nề và làm giảm đau, giảm xung đột đĩa rễ, một phần tạo điều kiện cho đĩa đệm trở về vị trí ban đầu. Trong đó làm giảm đau, chống viêm bằng phương pháp tiêm thuốc ngoài màng cứng là một phương pháp dễ thực hiện tiện lợi cho các tuyến chuyên khoa.
Tiêm hỗn dịch Novocain và Diprospan vào khoang ngoài màng cứng để điều trị đau lưng được áp dụng với những lý do cơ bản của phương pháp này là thuốc sẽ được chuyển thẳng tới nơi bị đau và làm giảm bớt những tác dụng phụ của thuốc có thể gây ra cho cơ thể. Ngày nằm viện trung bình là 6 đến 15 ngày do bệnh nhân khi nhập viện phải làm các thủ tục như xét nghiệm, chụp bao rễ thần kinh, số lần tiêm tối đa là 5 lần, lần trước cách lần sau 2 ngày.
Các trường hợp chống chỉ định tiêm thuốc ngoài màng cứng ở các bệnh nhân bị nhiễm trùng vùng cột sống thắt lưng, bệnh nhân nhiễm HIV, bệnh nhân rối loạn đông máu hoặc mắc các bệnh nội, ngoại khoa cấp tính. Bệnh nhân có hội chứng đuôi ngựa hoặc liệt chi sớm, bệnh nhân trên 60 tuổi, thưa xương, loãng xương và bệnh nhân đái tháo đường.
Bích Thao