Nguyên nhân có nhiều song có mấy nguyên nhân chủ yếu đó là trong dịp trước trong và sau tết Nguyên Đán thời tiết khí hậu thường có những biến động bất thường, mưa phùn kéo dài kèm theo rét đậm rét hai là điều kiện thuận lợi để mầm bệnh Lở mồm long móng phát sinh, phát triển mạnh. Bên cạnh đó việc vận chuyển lưu thông động vật, sản phẩm động vật để phục vụ cho người tiêu dùng trong dịp tết là rất lớn trong khi đó việc kiểm soát còn có những hạn chế nhất định. Trong dịp tết cũng là dịp mà có số lượng gia súc giết mổ lớn nhất trong năm lại tập trung trong khoảng 2-3 tuần nên môi trường thường ô nhiễm nặng, kèm theo mầm bệnh cũng sẽ phát tán ra nhiều ở các khu vực khác nhau. Dịp sau tết Nguyên Đán cũng là mùa lễ hội ở các địa phương, nên việc lưu thông các phương tiện cũng như động vật, sản phẩm động vật từ nơi này đến nơi khác cũng là quá lớn, đây cũng là điều kiện thuận lợi để mầm bệnh lây lan nhanh, mạnh.
Mặt khác, về chủ quan việc áp dụng các biện pháp phòng bệnh như tiêm phòng, vệ sinh tiêu độc, đảm bảo chế độ dinh dưỡng, vệ sinh chuồng trại cho vật nuôi trong dịp trước, trong và sau tết với người chăn nuôi cũng thường rất chủ quan, lơ là. Vì những nguyên nhân trên mà trong dịp sau tết Nguyên Đản dịch bệnh ở gia súc, gia cầm nói chung, bệnh Lở mồm long móng ở gia súc rất hay xảy ra làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc tái cơ cấu đàn, thậm trí nguy cơ bùng phát dịch bệnh là rất cao.
Để chủ động phòng chống dịch bệnh Lở mồm long móng trên đàn gia súc, người chăn nuôi cần chủ động thực hiện một số giải pháp như sau:
1. Tiêm phòng vắcxin Lở mồm long móng: đây là biện pháp nhằm tạo miễn dịch chủ động cho con vật, hiện nay mạng lưới thú y cơ sở đã và đang phát động đợt tiêm phòng vắcxin Lở mồm long móng kể cả tiêm phòng đại trà cũng như tiêm phòng bổ sung, người chăn nuôi cần thực hiện nghiêm việc tiêm phòng vắcxin Lở mồm long móng cho đàn gia súc. Lưu ý khi tiêm phòng xong cần cho con vật nghỉ ngơi và cho ăn uống tốt để nâng cao hiệu lực của vắcxin.
2. Tăng cường dinh dưỡng: bằng giải pháp cho con vật ăn uống tốt hơn để nâng cao sức để kháng giúp cho vật nuôi chủ động chống lại mầm bệnh xâm nhập. Với trâu bò cần cho ăn đủ lượng thức ăn thô xanh kèm theo thức ăn tinh, với lợn bổ cho ăn đầy đủ thức ăn tinh và bổ sung thêm các loại khoáng, premix, vitamin hàng ngày.
3. Vệ sinh tiêu độc chuồng nuôi, dụng cụ, vật dụng chuồng nuôi hàng ngày: đây là điều kiện bắt buộc đối với người chăn nuôi nhằm ngăn chặn mầm bệnh xâm nhập. Lưu ý thực hiện vệ sinh cơ giới trước sau đó thực hiện phun phòng trên diện rộng cả khu vực xung quanh chuồng nuôi và trong chuồng nuôi (kể cả khi đang có gia súc trong chuồng nuôi). Một số loại thuốc sát trùng sử dụng có hiệu quả như Vikol, Haniodin, Hanamit… trong quá trình sử dụng thuốc sát trùng nên đổi thuốc để tránh hiện tượng nhờn thuốc. Những ngày có nắng cần tranh thủ đem các dụng cụ, vật dụng chuồng nuôi (như máng ăn, máng uống, bình đựng sữa…) ra nơi có ánh nắng để làm sạch và diệt mầm bệnh xâm nhập.
4. Tổng vệ sinh môi trường: đây là một biện pháp nhằm diệt và ngăn chặn mầm bệnh đang lưu hành ngoài môi trường. Biện pháp này cần được thực hiện đồng bộ từ đường làng ngõ xóm, đến các hộ gia đình, khu vực chuồng nuôi. Cần chú ý làm tốt việc tổng tẩy uế, phun thuốc sát trùng ở các khu vực có nguy cơ mắc bệnh cao như ở các chợ, các điểm bán động vật và sản phẩm động vật, nơi có ổ dịch cũ, khu vực chứa rác thải …
5. Chú ý nghe các bản tin dự báo thời tiết hàng ngày: để chủ động che chắn chuồng trại không để gia súc bị rét, bị mưa nhiễm lạnh. Những ngày có gió, rét đậm, rét hại cần che chắn kín chuồng trại và thay chất độn chuồng giữ ấm cho con vật. Tuyệt đối không để con vật bị ướt do nước mưa, không nền chuồng bị đọng nước, đặc biệt đối với chuồng nuôi gia súc non như bê nghé, lợn mới sinh.
6. Khi phát hiện con vật có những triệu chứng không bình thường, như ở trâu bò thấy con vật bỏ ăn, không nhai lại, nước dãi nhiều và trắng như bọt xà phòng, ở miệng, vành móng có vết loét, con vật đi lại khó khăn. Ở lợn thấy con vật bỏ ăn, nhiều nước dãi, vành móng đen, có con bị trụt móng thì nghi ngay con vật đó có thể bị bệnh Lở mồm long móng.
Nếu thấy biểu hiện vậy, biện pháp đầu tiên mà người chăn nuôi cần làm là báo ngay cho cán bộ thú y cơ sở đến để có biện pháp can thiệp kịp thời. Với trâu bò dừng ngay việc chăn thả để không để lây lan bệnh ra xung quanh. Tách riêng con vật ra một khu riêng để theo dõi và có hướng điều trị thích hợp. Bệnh Lở mồm long móng ở gia súc do virut gây ra nên hiện nay không có thuốc điều trị đặc hiệu mà chỉ áp dụng các biện pháp phòng bệnh. Thực hiện ngay vệ sinh tiêu độc toàn bộ khu vực xung quanh chuồng nuôi và trong chuồng nuôi bằng vôi bột và thuốc sát trùng. Hạn chế tối đa người ra vao khu vực chuồng nuôi để tránh làm phát tán mầm bệnh ra môi trường xung quanh.
Với các giải pháp trên được người chăn nuôi thực hiện đồng bộ chắc chắn sẽ chủ động phòng chống được bệnh Lở mồm long móng trên đàn gia súc góp phần đẩy nhanh tái cơ cầu đàn trong dịp sau tết Nguyên đán Bính Thân 2016 góp phần thúc đầy chăn nuôi tiếp tục phát triển bền vững./.
Thu Hoài (St)