Banner chính
Thứ Năm, 21/11/2024
Liên hiệp Các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Ninh Bình

Giải pháp sử dụng thức ăn tự chế thay thế thức ăn tươi sống trong nuôi cá bống bớp thương phẩm tại vùng bãi bồi ven biển huyện Kim Sơn

Thứ Năm, 04/12/2014
Hiện nay tại vùng bãi bồn ven biển huyện Kim Sơn, ngoài các đối tượng nuôi như tôm sú, cua xanh, tôm thẻ chân trắng, thì việc nuôi cá bống bớp đang có chiều hướng phát triển mạnh và bước đầu đã đem lại hiệu quả kinh tế. Đây là đối tượng nuôi đã hoàn toàn chủ động được con giống sản xuất tại chỗ, thị trường tiêu thụ cá thương phẩm rộng, diện tích mặt nước có thể nuôi được cá bống bớp tại vùng bãi bồi ven biển huyện Kim Sơn khoảng trên 2000ha.
 

Hình thức nuôi cá bống bớp hiện nay trên địa bàn chủ yếu là nuôi trong ao, thời gian nuôi cá bống bớp từ 8 – 10 tháng, mật độ thả nuôi 1-2 con/m2 cỡ giống thả từ 5-6 cm, thức ăn sử dụng trong quá trình nuôi chủ yếu là thức ăn tươi sống ( Tôm nhỏ, moi, cá tạp). Tuy nhiên việc sử dụng thức ăn tươi sống trong nuôi cá bống bớp có một số nhược điểm như: Không có nguồn thức ăn ổn định, số lượng thức ăn hàng ngày phụ thuộc vào việc khai thác trong tự nhiên và nguồn cung cấp; Việc bảo quản khó, dễ bị vi sinh vật phân hủy gây thối rữa làm ảnh hưởng đến chất lượng thức ăn do đó phải sử dụng ngay sau khi thu gom; Không tính toán được chính xác hàm lượng các chất dinh dưỡng có trong thức ăn do mỗi loại cá tạp có thành phần dinh dưỡng khác nhau, hơn nữa cá tạp có thể chứa những mầm bệnh làm lây truyền sang cá nuôi. Bên cạnh đó việc quản lý thức ăn trong quá trình nuôi rất khó khăn để dư thừa gây ô nhiễm nước, đáy ao nuôi từ đó dịch bệnh dễ dàng phát sinh, phát triển và gây hại cá nuôi, đây chính là những nguyên nhân làm ảnh hưởng đến việc phát triển và mở rộng quy mô nuôi cá bống bớp thương phẩm tại vùng bãi bồi ven biển Kim Sơn. Vì vậy để phát triển và mở rộng quy mô nuôi cá bống bớp thương phẩm tại vùng bãi bồi ven biển huyện Kim Sơn rất cần có các nghiên cứu về việc sử dụng thức ăn thay thế cho thức ăn tươi sống trong nuôi cá bống bớp thương phẩm tại đây. Chính vì vậy sau khi nghiên cứu tài liệu và áp dụng từ thực tế chỉ đạo sản xuất anh Phạm Huy Trung, Chi cục thủy sản Ninh Bình đã đề nghị triển khai thực nghiệm giải pháp “Sử dụng thức ăn tự chế thay thế thức ăn tươi sống trong nuôi cá bống bớp thương phẩm”.

Với giải pháp mới này việc sử dụng thức ăn tự chế để thay thế thức ăn tươi sống trong nuôi cá bống bớp thương phẩm các hộ nuôi sẽ chủ động được nguồn thức ăn ổn định về số lượng, chất lượng cung cấp cho ao nuôi, sử dụng hợp lý thức ăn trong quá trình nuôi hạn chế thức ăn dư thừa trong ao, nâng cao hiệu quả sử dụng thức ăn, giảm các tác động xấu do ô nhiễm môi trường gây ra, phát triển nuôi cá bống bớp quy mô lớn theo hướng sản xuất hàng hóa có giá trị cao cung cấp cho nhu cầu tiêu dùng của thị trường, anh Trung dựa vào đặc điểm dinh dưỡng của cá bống bớp và vận dụng công thức chế biến thức ăn đảm bảo có hàm lượng dinh dưỡng từ 35 – 40% để chế biến thức ăn đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng cho cá bống bớp.

Địa điểm được chọn nằm trong khu quy hoạch nuôi trồng thủy sản có đường giao thông thuận tiện, địa điểm được chọn phải có hệ thống đường điện và có nguồn nước đảm bảo cho việc sản xuất. Lượng cho ăn mỗi ngày 2-5% trọng lượng thân cho ăn đều đặn từ 4 -5 lần/ngày, thức ăn được rải đều xung quanh ao có sử dụng vó để kiểm tra lượng thức ăn cá sử dụng thức ăn được điều chỉnh giảm vào những ngày trời nắng nóng và những ngày trời mưa to

Với phương pháp mới này có thể tạo sản phẩm sạch, sản xuất ổn định, làm tiền đề để hình thành và phát triển vùng sản xuất hàng hóa tập trung có giá trị kinh tế cao. Giải pháp góp phần sử dụng hợp lý và có hiệu quả tiềm năng đất đai mặt nước, tăng thu nhập trên 1 đơn vị diện tích canh tác, lợi nhuận từ phương pháp mới này đem lại so với cách nuôi cũ từ 38 đến 46 triệu đồng. Công thức nuôi không đòi hỏi vốn đầu tư cao, kỹ thuật không phức tạp dễ vận dụng và cho hiệu quả kinh tế cao rất có triển vọng giúp nông ngư dân áp dụng rộng rãi. Giải pháp góp phần cải thiện môi trường giảm thiểu rủi ro dịch bệnh phát triển nuôi thủy sản theo hướng bền vững.

Giải pháp có tính khả thi cao dễ áp dụng có thể nhân rộng đuợc trong vùng đặc biệt là trong các ao nhỏ quy mô nông hộ, giải pháp góp phần giảm sức lao động của người dân trong quá trình nuôi hoàn toàn chủ động được nguồn thức ăn cho cá.

Người nuôi cá chủ động hoàn toàn được nguồn thức ăn đảm bảo dinh dưỡng cho cá nuôi đồng thời hạn chế được một số nhược điểm của việc sử dụng thức ăn tươi sống, việc chế biến và bảo quản thức ăn đơn giản, người dân dễ dàng chế biến thức ăn theo quy mô nhỏ tại gia đình. Việc quản lý và sử dụng thức ăn cho cá dễ dàng, hiệu quả sử dụng thức ăn cao, phù hợp với từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển của cá, giảm sự ô nhiễm nền đáy ao và môi trường ao nuôi do thức ăn dư thừa từ đó giảm các tác động xấu của môi trường và bệnh đối với cá nuôi. Sử dụng thức ăn tự chế có nhiều ưu điểm để phát triển nuôi cá bống bớp với quy mô lớn theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung.

Ngọc Anh

 

Các tin khác