Banner chính
Thứ Năm, 21/11/2024
Liên hiệp Các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Ninh Bình

Hải sâm - Vị thuốc chữa bệnh

Thứ Sáu, 28/07/2017
Hải sâm là thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao và chữa được nhiều bệnh. Theo y thư cổ, hải sâm là một trong bát trân (8 món ăn quý hiếm và cầu kỳ) mà chỉ các bậc vua chúa mới có cơ hội thưởng thức. Vì thế, món ăn này được ví như “nhân sâm của biển”.

Bác sỹ Trần Thị Thu Hương (Khoa Y học cổ truyền - Phục hồi chức năng, BV Nhân dân 115, TPHCM) cho biết, trong nhiều Y thư cổ đều nói đến công dụng tuyệt vời của hải sâm. Hải sâm là thực phẩm có lợi cho sức khỏe. Hải sâm có vị mặn, tính ấm có tác dụng bổ thận kinh, ích tinh tủy, tiêu đờm dãi, giữ gìn điều nhiếp tiểu tiện, có tính tráng dương, sát khuẩn, giáng được hỏa, bổ ích thận, thông lợi tràng vị, nhuận chỗ táo kết, trị mọi chứng hư lao, ốm yếu gầy còm. Đặc biệt, hải sâm có khả năng kháng ung nên còn được phối hợp trong trị liệu ung thư.

Trong 100g hải sâm, protein chiếm 75,6g - cao gần gấp 5 lần thịt heo nạc và 3,5 lần thịt bò. Hải sâm chứa hàm lượng các acid amin khá cao như: lysine, proline, arginine, histadine, acide glutamic, thionine, leucine, isolecine, acide aspartic, tyrosine… Trong hải sâm còn có chất selenium có tác dụng giải độc, làm vô hiệu các kim loại nặng đi vào cơ thể qua đường ăn uống như chì hay thủy ngân và đào thải qua đường niệu.

Ở Việt Nam có khoảng 50 loài hải sâm phổ biến là hải sâm đen, hải sâm trắng, hải sâm vú, hải sâm mít… Trong đó, hải sâm trắng được đánh giá là có giá trị nhất. Điều cần lưu ý, những con to, dài, da không có gai thì chất lượng kém hơn loại thịt dính, nhiều gai. Chúng chứa độc tố lanostane, là một loại chất gây ức chế enzyme cực mạnh. Vì vậy chúng có thể gây ngộ độc, tử vong cho người sử dụng. Người dùng trước khi mua hải sâm khô cần tìm hiểu kỹ nguồn gốc, tìm hiểu thông tin về các loại hải sâm. Tốt nhất, nên tìm đến các nhà thuốc Đông y tin cậy, quen biết để mua sản phẩm được đảm bảo chất lượng.

Hai cách chế biến hải sâm thông dụng nhất là sấy khô tán bột và ngâm rượu. Mỗi ngày, nên sử dụng 6-10g bột hải sâm chiêu với nước ấm chia làm 3 lần. Những người đàm nhiều, đi ngoài lỏng không dùng được hải sâm. Tuy nhiên, bác sỹ Trần Thị Thu Hương khuyên nên kết hợp hải sâm với các thực phẩm khác để chế biến món ăn bồi bổ sức khỏe:

- Trị liệt dương: Hải sâm 20g, thịt dê 100g, hai thứ hầm chung cho nhừ, nêm đủ gia vị, ăn 1 lần trong ngày. Liệu trình cần thực hiện từ 5-7 ngày.

- Bồi bổ cơ thể sau suy nhược và bổ thận: Dùng 40g hải sâm + 150g thịt dê, cả hai thái lát, nấu súp và nêm gia vị vừa ăn. Món ăn này rất tốt cho người liệt dương, tiểu dắt, suy nhược ở người cao tuổi, chân tay lạnh, di tinh.

- Trị suy nhược, sút cân và tăng huyết áp: Nấu cháo hải sâm ăn vào bữa sáng, nêm gia vị vừa ăn trong 1 tuần, sức khỏe sẽ được cải thiện đáng kể.

- Trị chứng đái tháo đường: Hải sâm 2 con, trứng gà 1 quả, tụy heo 1 cái, cho cả 3 thứ vào chén hấp chín và ăn mỗi ngày 1 lần, liên tục trong 5-7 ngày.

- Chữa chứng đau lưng do thận hư: Hải sâm giúp thận khỏe mạnh hơn. Người bị đau lưng do thận hư có thể dùng 20g hải sâm + 50g xương sống heo + 10g hạt hạnh nhân, các nguyên liệu rửa sạch, hầm nhừ và ăn trong 30 ngày sẽ giúp tình trạng bệnh thuyên giảm.

- Chữa thiếu máu: Bài thuốc này rất tốt cho các bà mẹ sau sinh. Hải sâm và đại sâm với lượng bằng nhau, đem sấy khô rồi tán thành bột uống với nước ấm 9g mỗi ngày, ngày uống 2 lần.

Phạm Đào (St))

Các tin khác