Banner chính
Thứ Năm, 21/11/2024
Liên hiệp Các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Ninh Bình

Hiện tượng nồm nguyên nhân và giải pháp khắc phục

Thứ Ba, 13/03/2012
"Nồm" là hiện tượng thời tiết khá đặc biệt thường xảy ra ở các địa phương miền Bắc nước ta vào thời gian cuối mùa Đông đầu màu Xuân, tức là trong khoảng từ tháng 2 đến tháng 4 hàng năm. Vào thời điểm này hơi nước trong không khí thường bị ngưng tụ và đọng sương trên bề mặt nền, sàn, tường nhà và đồ vật, gây ẩm ướt rất mất vệ sinh và tác hại không nhỏ đến sức khoẻ con người cũng như độ an toàn của các trang thiết bị trong nhà. Có thể nói "Nồm" cũng là nguyên nhân gây ra các bệnh như nấm mốc, hoen ố, han rỉ cho công trình xây dựng ở vùng nhiệt đới nóng ẩm có gió mùa Đông Bắc.

Hiện tượng "Nồm" đã được nhiều nhà khoa học trong nước quan tâm nghiên cứu và lý giải nguyên nhân: Đó là do vào thời tiết nêu trên có những đợt thời tiết lạnh và khô kéo dài nhiều ngày làm cho nhiệt độ mặt nền, sàn nhà hạ xuống thấp. Tiếp theo là đợt gió nồm mang không khí ẩm và ẩm từ biển thổi vào đất liền, khối không khí này có nhiệt độ điểm sương tương đối cao, trong lúc nhiệt độ mặt nền, sàn vẫn còn thấp – có thể thấp hơn cả nhiệt độ điểm sương của không khí vì chưa tăng theo kịp với nhiệt độ không khí, và như vậy hiện tượng đọng sương đã xảy ra.

Tuỳ theo chênh lệch nhiệt độ giữa mặt nền với nhiệt độ điểm sương của không khí nhiều hay ít mà mức độ "Nồm" đọng sương nặng hay nhẹ. Nhiệt độ mặt nền càng thấp so với nhiệt độ điểm sương thì mặt nền càng bị ướt nhiều, thậm chí sũng nước.

Độ kéo dài của hiện tượng "Nồm" cũng rất khác nhau, mỗi đợt từ một vài ngày đến hàng tuần lễ, nó kết thúc khi có gió lạnh và khô từ phía Bắc thổi về. Mỗi năm có thể xảy ra vài ba đợt như vậy hoặc nhiều hơn tuỳ theo thời tiết hàng năm.

Các giải pháp chống "nồm"

Giải pháp thụ động: Đối với các công trình đã xây dựng và đang sử dụng mà bị "nồm" thì các giải pháp hạn chế "nồm" là:

- Khi xảy ra "nồm" cần hạn chế không khí ẩm và ẩm lùa vào nhà bằng cách đóng kín cửa;

- Chạy máy hút ẩm cơ học hoặc máy điều hoà không khí nếu có;

- Thường xuyên lau khô nền nhà.

- Giải pháp tích cực: Cần phải thiết kế nền nhà chống nồm.

Nguyên lý thiết kế nền nhà chống nồm:

- Lớp mặt nền phải được cấu tạo từ vật liệu mỏng và cứng, chịu được lực va đập và lực mài mòn, nhưng có hệ số dẫn nhiệt cao và độ quán tính nhiệt lớn;

- Bên dưới lớp này phải có lớp cách nhiệt với hệ số dẫn nhiệt càng thấp càng tốt;

- Trên và dưới lớp cách nhiệt nên bố trí lớp chống thấm nước;

- Dưới cùng là lớp chịu lực bằng bê tông, bê tông gạch vỡ hoặc gạch xây trên nền đất nện chặt.

Như vậy khi trời lạnh kéo dài, nhiệt độ nền nói chung đã xuống thấp mà tiếp theo có gió nồm ấm và ẩm tràn về thì lớp mặt nền trên cùng sẽ dễ dàng tăng nhiệt độ theo nhiệt độ không khí, còn nhiệt độ thấp của lớp đất bên dưới không cản trở việc tăng nhiệt độ của lớp măt nền nhờ có cách nhiệt; hơi ẩm từ trên nền đất bên dưới cũng không thẩm thấu lên bề mặt nền nhờ có lớp chống thấm.

Ngọc Anh (theo nguồn Báo khoa học và đời sống)

Các tin khác