Banner chính
Thứ Năm, 21/11/2024
Liên hiệp Các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Ninh Bình

Hiện tượng viêm nướu, viêm rốn trên heo con hậu quả và khắc phục

Thứ Năm, 21/05/2015
Trong việc phòng bệnh cho heo, người chăn nuôi chưa thực sự chú ý đến hiện tượng viêm nướu và viêm rốn trên heo con. Đây là nguyên nhân trực tiếp tác động đến sức khỏe, khả năng phát triển của heo con và cũng là một yếu tố tiềm ẩn gây bệnh khi heo con giảm sức đề kháng.

Khi heo bị viêm nướu, viêm rốn sẽ là nơi lưu giữ lâu dài nhiều loại vi khuẩn như Streptococcus spp, Stanphylococcus spp. Những vi khuẩn này xâm nhập vào máu và gây ra những bệnh khác như viêm khớp, viêm não, viêm phổi. Heo bị viêm nướu và viêm rốn chủ yếu là do ảnh hưởng của kỹ thuật bấm răng và cắt rốn không tốt hoặc không sạch sẽ khi mới đẻ. Do đó, để giảm thiểu hai vấn đề này, yêu cầu người chăn nuôi phải thực hiện đúng kỹ thuật bấm răng, cắt rốn cho heo con.

Kỹ thuật bấm răng:

Heo con khi sinh ra có những chiếc răng nanh sắc nhọn sẽ gây ra những tổn thương cho vú heo mẹ và những heo con khác trong đàn. Những tổn thương này làm cho heo nái khó chịu khi cho bú và những heo con khác bị bệnh viêm da tiết dịch (Greasy pig disease). Do đó, việc bấm răng cho heo con sau khi sinh là việc làm cần thiết và quan trọng trong chăn nuôi công nghiệp hiện nay.

Heo con sau khi sinh nên được cắt răng sau ít nhất 6 giờ và phải được bú đầy đủ sữa đầu, để hạn chế khả năng gây viêm nướu. Khi heo con được bú sữa đầu sớm và đầy đủ sẽ hấp thu được một lượng kháng thể từ heo mẹ, những kháng thể này kháng lại những mầm bệnh mà heo mẹ đã gặp và chống lại được. Hơn nữa khi bấm răng là thời điểm các mầm bệnh dễ tấn công nhất nên heo con rất cần sức đề kháng nhận từ sữa đầu.

Dụng cụ bấm răng phải sắc và sạch sẽ, yêu cầu phải sát trùng kỹ trước khi sử dụng. Khi bấm răng phải chắc chắn cắt hết phần sắc nhọn của răng nanh và tránh cắt vào nướu răng sẽ gây tổn thương cho nướu.

Kỹ thuật cắt rốn:

Việc chảy máu dai dẳng từ dây rốn ở heo con sơ sinh có trong đàn nái đẻ chiếm tỷ lệ cao. Điều này sẽ dẫn đến heo con mất máu nhiều, suy giảm sức khỏe, giảm khả năng phát triển và làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh của heo con. Dây rốn nên được buộc lại hoặc kẹp ngay sau khi heo con sinh ra để hạn chế máy chảy càng sớm càng tốt.

Ngoài ra, thực hiện kỹ thuật cắt rốn đúng để tránh hiện tượng viêm rốn trên heo con. Khi heo con bị viêm rốn sẽ là nơi lưu trú mầm bệnh trong cơ thể heo, làm giảm sức đè kháng của heo và phát triển bệnh một cách đột ngột và gây chết (thường phổ biến là Streptococcus spp).

Khi tiến hành đỡ đẻ heo, những dụng cụ để cắt rốn như: dây sợi, dây nilon, dao mổ, kéo cắt... phải được ngâm trong nước sát trùng trước đó 15 phút. Vị trí kẹp hoặc buộc dây rốn phải cách da bụng khoảng 0.6-1 cm và cắt ở phía sau vị trí kẹp hoặc buộc đó. Dùng cồn Iod 10% để sát trùng vị trí cắt, không nên dùng cồn Iod 10% để nhúng rốn nhiều lần.

Đinh Coóng (Tổng hợp)

Các tin khác