Banner chính
Thứ Năm, 21/11/2024
Liên hiệp Các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Ninh Bình

Hiểu thêm về công dụng chữa bệnh của rau Răm

Thứ Năm, 28/02/2019
Theo Từ điển cây thuốc Việt Nam, rau răm là loại cây thảo mọc hằng năm, có tuyến nhiều hay ít. Thân mọc trườn ở gốc và đâm rễ ở các mấu, rồi đứng lên cao từ 30 đến 35cm. Lá mọc so le, hình bầu dục ngọn giáo, nhọn hay to ở chóp, cuống rất ngắn, mép lá và gân chính phủ đầy những lông nhọn khá dài; bẹ chìa ngắn ôm lấy thân, có nhiều gân song song mà phần lớn kéo dài ra thành những sợi dài. Hoa họp thành bông dài, hẹp, mảnh, đơn độc hay xếp từng đôi hoặc thành chùm ít phân nhánh. Quả nhỏ, có 3 cạnh, nhọn hai đầu, nhẵn và bóng.

Bộ phận dùng làm thuốc của rau răm bao gồm lá, cành và hạt rau răm. Trong các tài liệu y học cổ truyền, rau răm được ghi có vị cay nồng, mùi thơm, tính ấm, có tác dụng tán hàn, ích trí, minh mục, tiêu thực, sát trùng. Ăn rau răm sống thì ấm bụng, mạnh chân, gối, sáng mắt.

Rau răm có thể chữa dạ dày lạnh, đầy hơi, đau bụng, kém ăn, nôn mửa, say nắng và khát nước. Phương thức dùng là giã lấy nước uống hoặc sắc uống, ngày từ 20 đến 40g rau tươi. Khi dùng ngoài, rau răm có công dụng chữa hắc lào, sâu quảng (bệnh loét chân nhiệt đới) và rắn cắn.

Lưu ý: rau răm tuy không độc nhưng dùng ngoài có hại về mặt sinh lý, làm giảm tình dục, kém cường dương tráng khí. Ăn quá nhiều rau răm cũng có thể sinh nóng rét, thương tổn đến tủy. Phụ nữ hành kinh mà ăn rau răm hoặc tỏi dễ sinh rong huyết. Phụ nữ có thai được khuyên không nên ăn rau răm bởi dễ bị sẩy thai, tiêu thai. Những người gầy yếu, máu nóng cũng không được khuyến khích dùng loại dược liệu này.

Một số bài thuốc có rau răm trong y học dân gian:

- Chữa nôn mửa, tiêu chảy: Hạt rau răm 20g, hương nhu 40g sắc uống. Nếu bị nặng, dùng lá rau răm tươi loại thân đỏ 100g, thêm 300ml nước sắc đến khi còn 200ml rồi thêm 10g đậu xị (đậu đen đồ, ủ cho lên men), tiếp tục sắc đến khi còn 100ml, chia làm 2 lần uống trong ngày.

- Chữa say nắng, ngất do khát, bán hôn mê: Rau răm tươi 50g giã vắt lấy nước cốt, đun sôi rồi cho bệnh nhân uống. Nếu nặng, dùng rau răm 30g, sâm bố chính (tẩm nước gừng) 20g, rễ đinh lăng lá nhỏ 16g, mạch môn 10g. Tất cả sao vàng, sắc uống làm 2 lần.

- Chữa ghẻ lở, chốc, sâu quảng, hắc lào: Rau răm ngâm rượu cho thật đặc để bôi hoặc giã nát, đắp và băng lại. Cũng có thể dùng rau răm phơi khô, đốt thành tro cùng với cói chiếu rồi rắc.

- Chữa tê bại, vết thương bầm tím, sưng đau: Rau răm tươi giã nát, trộn với long não hoặc dầu long não rồi xoa bóp.

- Chữa rắn cắn: Rau răm 20g, hạt thảo quyết minh 20g, lá mua lông 20g. Tất cả dùng tươi, rửa sạch, giã nát, thêm nước rồi gạn uống phần nước và lấy bã để đắp. Làm nhiều lần trong ngày.

- Chữa bỗng dưng đau tim không chịu nổi: Dùng rễ rau răm 50g sắc rồi chế thêm một chén rượu vào uống, mỗi lần 1 chén.

- Chữa kém ăn: Rau răm ăn theo gia vị hoặc dùng cả cây từ 10 đến 20g, sắc uống sau bữa ăn.

Thu Hoài (St)

Các tin khác