Banner chính
Thứ Năm, 21/11/2024
Liên hiệp Các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Ninh Bình

Hướng dẫn tự chế và sử dụng một số thuốc trừ sâu có nguồn gốc thiên nhiên

Thứ Ba, 20/04/2021
Một số thuốc trừ sâu tự chế có nguồn gốc thiên nhiên như sử dụng nước cây xoan, ruốc cá, trà hoa cúc... giúp loại trừ sâu bệnh mà không gây hại cho môi trường.

1. Nước cây xoan (cây sầu đâu)

Người Ấn Độ cổ đại rất coi trọng chất dầu từ cây xoan bởi tác dụng đuổi các loài gây hại cho côn trùng. Thực tế, nước từ quả xoan và lá cây còn có thể làm dung dịch trừ sâu bởi chất đắng chứa bên trong.

Cụ thể, người dùng hòa 15 ml dầu xoan và một phần thìa cà phê nước rửa bát vào khoảng 1,9 lít nước ấm, khuấy đều rồi cho vào bình xịt. Dầu xoan có thể thay bằng dung dịch nước từ quả hoặc lá xoan phơi khô, nghiền nhỏ. Dung dịch này có hiệu quả với hầu hết các loại sâu, rệp.

2. Dung dịch từ ớt và tỏi, gừng

Các loại củ, quả như ớt, tỏi, gừng… chứa hàm lượng axit lớn, tác động đến các bộ phận như mắt, da của các sâu bọ và côn trùng hại. Để làm dung dịch này, người dùng băm nhỏ ớt, tỏi, gừng theo tỷ lệ 1:1:1, sau đó thêm khoảng 3 lít rượu vào hỗn hợp và để ngâm trong khoảng 15 ngày.

Khi phun, dung dịch được hòa với nước theo tỷ lệ 200ml tỏi gừng ót với 12 lít nước cho một sào. Loại thuốc trừ sâu thảo mộc này có thể để tới 4, 5 tháng.

ớt và tỏi, gừng

3. Trà hoa cúc

Hoa cúc chứa một thành phần hóa học thực vật mạnh có tên gọi pyrethrin. Chất này sẽ xâm chiếm hệ thần kinh của côn trùng và làm chúng không hoạt động được.

Người dùng có thể tự chế dung dịch thuốc trừ sâu từ hoa cúc bằng cách đun sôi 100 gram hoa cúc phơi khô với một lít nước trong vòng 20 phút, sau đó, lọc lấy nước, để nguội rồi cho vào bình xịt. Loại thuốc này hiệu quả đối với động vật có máu lạnh, côn trùng và động vật không xương sống. Nước hoa cúc giữ được tới 2 tháng. Người dùng có thể trộn thêm với dầu cây xoan để tăng hiệu quả.

4. Dung dịch từ thuốc lào

Dung dịch từ thuốc lào từng được sử dụng để tiêu diệt sâu hại, nhộng bướm, rệp và các loài nhuyễn thể như sên. Để điều chế, người dùng trộn thuốc lào hoặc lá, thân của cây thuốc lá đã phơi khô với 3,7 lít nước và ngâm hỗn hợp qua đêm. Sau 24 giờ, hỗn hợp ngâm có màu nâu nhạt, nếu dung dịch quá sẫm màu, người dùng nên thêm nước.

Thời điểm thích hợp để phun dung dịch này là khi nhiệt độ khoảng trên 30 độ C. Hỗn hợp có thể dùng cho hầu hết các loại thực vật ngoại trừ các cây thuộc họ cà như cà chua, ớt, cà tím...

5. Cây ruốc cá

Cây ruốc cá (cây dây mật) được sử dụng để diệt trừ sâu bọ, côn trùng, rầy xanh, rệp bông… Tại một số vùng ở nước ta, người dân hái cây duốc cá tươi, làm thành vòng treo trên sừng những con trâu bị dòi hay có ký sinh.

Để điều chế thuốc trừ sâu rầy từ cây ruốc cá, đem ngâm rễ cây rồi giã, vắt lấy nước, sau đó đem phun. Ngoài ra, hạt cây khi rang lên, giã thành bột cũng có thể đem ngâm nước rồi phun. Khoảng 7kg bột cây ruốc cá có thể ngâm với 400-500 lít nước và phun cho khoảng một ha.

Thuốc bảo vệ thực vật từ cây ruốc cá cho hiệu quả 70-80% với sâu ba ba hại rau muống, rầy xanh hại chè, rầy bông, tuy nhiên không độc với bọ rùa, ong mắt đỏ.

6. Cây nghể răm

Cây nghể răm không độc với người nhưng độc với các loài nhuyễn thể, giun, sán, rệp muội, các loại sâu ăn lá nên loại cây này còn được dùng để trị các bệnh về giun sán và tiêu hóa.

Người dùng lấy cây nghể răm giã nhuyễn, ngâm với khoảng 3 lít nước ấm (tỷ lệ pha 3 sôi-2 lạnh) sau đó lọc, pha lại với 8 lít nước để phun cho diện tích 500m2.

Ngoài ra, bạn có thể đun 4kg cây nghể răm trong 8 lít nước, sau khi sôi khoảng 20 phút thì tắt bếp để ngâm qua đêm, sau đó lọc và đem phun cho 500m2 ruộng.  Để tăng hiệu quả, người dùng có thể pha thêm với dung dịch thuốc lào.

Thu Hoài (Nguồn Hội làm vườn)

Các tin khác