Chuyên gia thực phẩm sẽ chỉ ra những kiến thức và kinh nghiệm đánh giá thực phẩm thông qua mùi vị, giúp xác định được mức độ hỏng của thực phẩm trước khi sử dụng lại chúng.
Mỗi thực phẩm khi còn tươi ngon, đều có hương vị đặc trưng. Khi chúng ta để lâu hơn thời hạn sử dụng thực của chúng, thực phẩm sẽ biến mùi, biến chất, có sự phân hủy nên hương vị sẽ thay đổi. Trong trường hợp này, dù tiếc mấy cũng bỏ đi không nên ăn nữa.
Sau đây là cách nhận diện những thực phẩm đã đến lúc phải đổ bỏ.
1. Mùi ôi, hôi dầu
Những thực phẩm chứa chất béo, nếu để một thời gian dài thì sẽ có khả năng mất chất, thay đổi giá trị dinh dưỡng.
Những thực phẩm thuộc nhóm chế phẩm từ bánh nướng/sấy khô, cá khô, hải sản khô, những đồ ăn ướp muối, quả óc chó, lạc, các loại hạt dưa… sau thời gian dài không sử dụng sẽ có mùi vị lạ, vị đắng hoặc gây ngứa khi ăn, ngửi mùi khó chịu, bất thường. Đây cũng được xem là thức ăn đã bị ôi, hoặc hôi dầu.
Nguyên nhân là những thực phẩm chứa dầu mỡ để lâu ngày sẽ bị oxy hóa, ôi, gây ra hỏng mặc dù bề ngoài thực phẩm không có vẻ gì cảnh báo là không còn an toàn cho người sử dụng.
Thực phẩm chứa dầu, mỡ, hải sản không nên để quá lâu
2. Mùi hôi thối
Cá, thịt, trứng, đậu phụ, và các nhóm thực phẩm giàu protein khác khi hư hỏng sẽ sinh ra mùi hôi thối, khó chịu. Chất protein dưới tác động của vi sinh vật và enzyme, có thể được phân hủy thành một amin hữu cơ, sulfide, skatole, aldehyde và các chất khác, tạo ra một mùi hôi hoặc thối đặc trưng.
Khi thực phẩm thuộc nhóm chất đạm có chút “bốc mùi” thì ta nên bỏ đi, dù tiếc đến mấy cũng không đủ an toàn để ăn chúng nữa.
Thực phẩm thuộc nhóm chất đạm khi có mùi lạ thì không nên tiếp tục
3. Mùi vị chua
Các thực phẩm thuộc nhóm ngũ cốc, thực phẩm chứa đường là các món ăn chứa carbohydrate, khi để lâu sẽ thay đổi mùi vị, tạo ra mùi chua đặc trưng. Quá trình này là do chất carbohydrates phân hủy tạo thành chất chứa monosacarit, disaccharides, axit hữu cơ, rượu, andehit… Các chất này đa phần đều có vị chua hoặc mùi rượu.
Khi cơm có mùi chua, các loại bánh làm từ bột trở nên chua, các loại trái cây bị thối cũng tạo ra vị chua, chính là do quá trình phân hủy các chất dinh dưỡng tạo ra. Hãy ngưng ăn chúng khi cảm thấy có mùi vị này.
Nhóm thực phẩm ngũ cốc, đường khi bị chua thì nên đổ bỏ
4. Mốc
Các nhóm thực phẩm để lâu dễ xảy ra nấm mốc chính là lạc, bánh mì, bánh ngọt, gạo, các loại bánh làm từ bột mì và các loại thực phẩm tương tự dễ bị nhiễm nấm mốc nếu để chúng trong môi trường ấm và ẩm ướt dài ngày.
Trong nấm mốc có thể chứa các độc tố, chẳng hạn như chất aflatoxin, có thể gây ung thư nếu ăn thường xuyên hoặc số lượng nhiều.
Nhóm thực phẩm khô khi có nấm mốc thì không nên ăn
Nhiều người thường có thói quen tiết kiệm, nên sẽ ăn lại những thực phẩm mà họ đã lưu trữ dài ngày. Vì vậy, cách nhận biết thực phẩm đã bị biến chất là vô cùng quan trọng.
Khi thực phẩm đã bị biến đổi chất, dù bề ngoài chưa nhìn thấy, nếu ăn vào cũng có thể gây buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy, ngộ độc và các triệu chứng tiêu hóa khác, tiêu thụ lâu dài những chất này vào cơ thể có thể gây ra nhiều bệnh, thậm chí ung thư.
Thu Hoài (Theo LifeTimes)