Banner chính
Thứ Năm, 21/11/2024
Liên hiệp Các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Ninh Bình

Kinh nghiệm nâng cao năng suất và phẩm chất ớt vụ xuân hè

Thứ Sáu, 26/06/2015
Vụ Xuân - Hè là vụ trồng có tiềm năng, năng suất cao với nhiều giống ớt. Song, việc chăm sóc và bảo vệ thực vật cho cây ớt ở vụ này cần phải rất cẩn trọng mới nhằm mang lại một kết quả khả quan với tiềm năng vốn có của vụ trồng. Xin chia sẻ một số kinh nghiệm để phát triển ớt Xuân - Hè như sau:

Nên gieo hạt trong bầu để làm cây con và có khung nilông trắng che đậy, sẽ đảm bảo hơn gieo trên luống. Bầu cây con nên phối trộn đất, phân chuồng hoai mục, tro bếp theo tỷ lệ (2đất, 2 phân, 1 tro) có kết hợp lân supe (0,5kg/10-12kg hỗn hợp bầu) để đảm bảo vừa cung cấp dinh dưỡng cần thiết cho cây con lại giúp cây con được ấm áp và phát triển rễ nhanh hơn trong điều kiện giá lạnh. Khung nilông nên che kín cả ngày lẫn đêm khi có rét đậm rét hại kéo dài.

Khi cây mọc một lá thật trở đi, không nên sử dụng urê hoặc nước giải tưới cho cây vì giá rét cây con dễ bị ngộ độc đạm. Nên dùng phân chuồng mục hoà loãng hoặc sử dụng các loại phân bón hữu cơ chuyên dụng như: A-K humat, trichomix,… tưới theo nồng độ khuyến cáo ghi trên bao bì. Ngoài ra, có thể phun thêm phân bón vi lượng nhất là những loại có chứa nhiều canxi như: Hi-canxi, Fertrolon-combi, Vip-AK,…phun định kì cho cây từ 5-7 ngày/lần giúp cây cứng cáp và kháng được bệnh hại thời kỳ cây con.

Về đất trồng ớt, yêu cầu đất phải cao, thoát nước tốt, giàu mùn (vì ớt có bộ rễ chùm ăn nông, không chịu được úng và hạn). Nên chọn đất trước đó không trồng cây họ cà, cày lật phơi đất ải được thì càng tốt (tối thiểu phải cày được trước khi trồng 15-17 ngày). Trước trồng 10 ngày, tiến hành xử lý đất bằng vôi bột với lượng 15-20kg/sào Bắc bộ hoặc thuốc Falizan, Furadan…

Phân chuồng hoai mục, đặc biệt là phân gà mục rất tốt cho cây ớt, làm tăng phẩm chất quả sau này (nhất là ớt cay). Ngoài phân chuồng, đạm, lân, kali cần lót và thúc cho ớt các loại phân khoáng giàu canxi (calcium nitơrat) để tăng độ cứng cho cây và quả sau này.

Trồng ớt vụ Xuân nên phủ đất kín hết phân lót rồi mới đặt cây con, tránh cho rễ non của cây chạm phải phân lót rễ sẽ bị trùn và quăn lại. Ngoài ra, nên sử dụng màng phủ nông nghiệp (khổ 1,2m) đục 2 hàng lỗ đường kính khoảng 10-12cm cách mép luống 15-20cm, các lỗ cách nhau 50-60cm tuỳ theo các giống ớt. Cây con được 4-5 lá, cao 10-12cm là đem trồng được. Nếu gieo hạt bằng bầu nilông, khi trồng cần rạch bầu.

Trồng cây vào buổi chiều để đêm có sương xuống cây dễ hồi phục. Sau trồng 10-15 ngày cần kiểm tra nếu có cây bị chết thì cần dặm bù ngay. Trong thời gian đầu sau trồng, thời tiết nhiều năm còn rét, cây sinh trưởng yếu có thể sử dụng phân bón lá (phân hữu cơ, vi lượng) phun hoặc tưới cho cây. Giai đoạn cây ra hoa nếu điều kiện thời tiết không ưu tiên thì cũng nên sử dụng các chất kích thích ra hoa đậu qủa phun định kì cho cây để đảm bảo lượng quả.

Trong suốt thời gian cây ra hoa, đậu quả đến phát triển quả và chín, cây ớt cần được phun một lượng nhất định phân giàu canxi như Hi-canxi hoặc tưới bổ sung 2kg Calcium nitơrat ở mỗi lần tưới thúc để giúp quả không bị bệnh sinh lý thối phần đuôi do thiếu canxi.

Phương pháp tưới nước tốt nhất là tưới ngầm, tưới vào rãnh cho ngấm vào luống. Tuỳ thuộc loại đất nặng hay nhẹ mà tưới ngập rãnh nông hay sâu, khi nước thấm vào giữa luống là đủ, không nên ngâm nước lâu (vì ớt không chịu được úng).

Bấm ngọn tỉa cành: Tuỳ thuộc vào giống ớt, mà có biện pháp thích hợp. Nếu là các giống ớt có đặc điểm ít phân cành thì trước lúc cây ra nụ (40-45 ngày sau trồng), nên bấm ngọn để cây phát triển cành giúp cây có bộ tán nhất định là tiền đề cho năng suất sau này. Nếu các giống ớt có đặc điểm phân cành nhiều, thì nên tỉa bớt cành gốc cho cây ớt được thoáng (Chú ý: không nên bấm ngọn tỉa cành vào những ngày mưa phùn ẩm ướt, ớt dễ bị vi khuẩn và nấm bệnh xâm nhập gây hại). Tạo hình sao cho ruộng ớt đảm bảo được độ thoáng, ánh sáng, độ ẩm, giúp cây phát triển tốt, ít bị sâu bệnh gây hại.
Về việc bảo vệ thực vật: Người trồng ớt cần quan tâm và phòng trừ tốt một số loài sâu bệnh hại chính trên ớt Xuân - Hè, nhất là bệnh héo rũ, chết cành, sùi cành và thán thư (đốm quả) gây hại. Đây là những loại bệnh chính ảnh hưởng rất lớn đến sự sinh trưởng và phát triển của ớt, làm giảm năng suất một cách khốc liệt.

Để hạn chế một cách thấp nhất các bệnh gây hại cho ớt, cần thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng trừ tổng hợp theo hướng IPM (luân canh với cây trồng khác họ cà, cày đất phơi ải nỏ trước trồng, xử lý hạt, xử lý đất, vệ sinh đồng ruộng, bón phân cân đối và bổ sung thêm các loại phân khoáng, vi lượng như Cu, Ca, Zn, Co, Mg, Bo…để tăng sức kháng bệnh và nâng cao được năng suất, phẩm cất quả sau này). Trong những ngày có mưa phùn ẩm ướt, nhất thiết phải tiến hành phun phòng bệnh cho ớt bằng các loại thuốc như Zineb, Boocdo… để tránh sự xâm nhập và gây hại của nấm bệnh, vi khuẩn. Nếu cây chớm bị bệnh nên xử lý phun trừ bằng các loại thuốc đặc hiệu, an toàn của các công ty, hãng có uy tín trên thị trường có như vậy mới tăng được năng suất và phẩm chất quả cho ớt trồng.

Đông Hà (Theo Nông nghiệp Nông thôn)

Các tin khác