Để giảm tổn thất và duy trì chất lượng sản phẩm thì công đoạn bảo quản sau thu hoạch rất quan trọng. Bà con có thể tham khảo một số cách bảo quản như sau:
1. Dụng cụ bảo quản ngô bắp
- Các thùng chứa (chum, vại, thùng...), kho bảo quản phải khô, sạch, không có mùi lạ và có nắp kín.
- Có thể dùng bao nhựa lồng trong bao đay hoặc bao tơ dứa.
- Nơi bảo quản phải có mái che, khô ráo, thoáng, không bị ẩm, dột, có biện pháp phòng chống sâu mọt, chuột, chim....
- Nhà kho phải có phên cót ngăn cách sàn và tường kho, có lướt mắt cao chống chim chuột, được làm vệ sinh và phun thuốc phòng trừ côn trùng hại kho (như Sumithion, Malation, DDVP, Phốt-phua nhôm...)
2. Kỹ thuật làm khô ngô
2.1. Phơi nắng
Tốt nhất là phơi cả bắp cho đến khi ráo hạt. Trước khi phơi, phải bóc bỏ hết lá bẹ và râu ngô. Bà con dùng máy để bóc bẹ ngô
Phơi ngô trên sân gạch hoặc sân xi-măng. Nếu phơi ngô trên sân đất, nên lót 1 lớp cót, bạt hoặc tấm nhựa (sẫm màu càng tốt). Nếu lượng ngô nhiều, sân hẹp có thể làm giàn phơi (bằng tre, gỗ hoặc sắt thép), có lắp bánh xe để tiết kiệm diện tích và thu gom ngô dễ dàng. Mỗi giàn có 5-7 tầng. Có thể bố trí các tầng có điều chỉnh độ nghiêng theo ánh nắng mặt trời.
2.2. Hong gió
Những nơi trồng nhiều ngô, có khí hậu khô ráo, không đủ sân phơi có thể dùng kho hong gió để bảo quản ngô bắp dài ngày. Kho hong gió thường làm cao 2,5-3,5m; rộng 1m, còn chiều dài tùy theo lượng ngô bắp.
Khung kho làm bằng tre, gỗ, bê tông hoặc kim loại có mái che mưa. Để vách kho thoáng, gió lùa qua dễ dàng, nên làm bằng phên tre nứa đan mắt cáo hoặc lưới kim loại 25x25mm, cũng có thể ken vách bằng những mảnh gỗ thưa nhưng phải đảm bảo không rơi, lọt ngô bắp ra ngoài.
Kho hong gió nên đặt ở nơi cao ráo, thoáng gió. Bề mặt kho vuông góc với hướng gió chính của địa phương. Sàn kho cách mặt đất khoảng 3 gang tay (60cm).
2.3. Sấy khô
Khi thu hoạch ngô, gặp đúng đợt mưa ẩm dài ngày, nên sử dụng máy sấy nông sản (nhất là đối với ngô giống) để nhanh chóng làm khô một lượng ngô lớn, bảo đảm chất lượng ngô, phòng tránh hiện tượng lên men mốc, thối hỏng, hạn chế sự xâm nhiễm của sâu mọt.
Sau khi ngô đã đạt độ khô nhất định có thể tẽ ngô, sau đó sàng sẩy để làm sạch hạt, loại bỏ tạp chất.
3. Bảo quản ngô
3.1. Bảo quản ngô bắp
Cất giữ ngô bắp đã khô trong 2 lớp bao buộc chặt miệng. Lớp trong là túi nilon, lớp ngoài là bao đay hoặc bao tơ dứa. Xếp các bao ngô ở nơi khô ráo, thoáng mát, cách mặt đất 5 gang tay (1m), cách tường vách trên 1 gang tay (20cm). Nếu nơi bảo quản ngô đã có khả năng phòng chống chuột thì có thể bảo quản ngô trên sàn có lót lớp trấu khô sạch dày trên 20 cm và có phủ phên, cót.
Phải thường xuyên kiểm tra để kịp thời phát hiện và xử lý các sự cố. Khi kiểm tra phải tẽ thử và quan tâm xem xét tình trạng phôi ngô. Khi phôi ngô có hiện tượng biến màu, biến dạng, xuất hiện sâu mọt, khối ngô bị bốc nóng, phải tiến hành tẽ ngô, làm khô, làm gạch, phân loại, xử lý sâu mọt rồi mới bảo quản tiếp.
3.2. Bảo quản ngô hạt
Sau khi phơi ngô bắp đã khô Bà con dùng máy tách hạt ngô rời ra để phơi lại và làm sạch mày ngô.
Có thể bảo quản ngô hạt trong các chum, vại, thùng có nắp kín hoặc bảo quản trong vựa bằng cách quây 2 lớp cót. Giữa 2 lớp cót đổ trấu khô sạch. Nền vựa được lót trấu sạch dày 1 gang tay (20cm), trên lớp trấu được phủ 2 lượt phên, cót hoặc bao tải, giữa có lót thêm lớp vôi cục dày 3cm. Sau khi đổ ngô vào vựa, san phẳng bề mặt khối ngô và phủ lên trên cùng một lớp cót hoặc bao tải, phía trên có một lớp vôi cục dày 5cm.
Nếu lượng ngô quá nhiều, có thể đóng ngô hạt vào bao kín. Xếp các bao ngô theo luống, mỗi luống 3-5 bao, có khoảng cách giữa các luống và tường kho. Giữa bao và sàn kho có lớp trấu ngăn cách. Kho phải có lưới phòng chống chim, chuột.
Thu Hoài