Banner chính
Thứ Sáu, 29/03/2024
Liên hiệp hội khoa học và kỹ thuật Ninh Bình

Kỹ thuật cải tạo vườn tạp

Thứ Hai, 02/08/2021
Hiện nay không ít vườn cây còn là vườn tạp, sản phẩm của vườn chưa trở thành hàng hóa. Cải tạo vườn tạp giúp nâng cao năng suất và chất lương của sản phẩm từ vườn và đáp ứng nhu cầu của sản xuất hàng hóa. Xin được giới thiệu bài viết “Kỹ thuật cải tạo vườn tạp” của TS. Nguyên Văn Hiền - Hội Làm vườn Việt Nam.

I. Các loại hình vườn tạp

Vườn trồng lẫn lộn nhiều loại cây ăn quả (có từ 3 giống hoặc loài trở lên). Vị trí trồng bố trí tùy tiện, sử dụng không gian không hợp lý. Trong quần thể cây trồng ở các vườn mối tương hỗ giữa các cây cùng loài và khác loài diễn biến theo chiều nghịch hơn là thuận, có sự cạnh tranh gay gắt về ánh sáng, độ ẩm và nguồn dinh dưỡng.

Vườn chỉ có 1-2 chủng loại cây ăn quả, nhưng chất lượng giống không tốt. Do thiếu chuyên môn, ham giá rẻ nên rất nhiều chủ vườn mua cây giống của người bán buôn, bán rong nên không kiểm soát được tiêu chuẩn, chất lượng cây giống. Có trường hợp họ tự chiết lấy từ các cây đã mang bệnh để trồng (cam, quýt).

Vườn đã được trồng 1-2 chủng loại cây ăn quả đủ tiêu chuẩn về giống song việc đầu tư, chăm sóc, bón phân, tưới nước, quản lý vườn cây không đúng kỹ thuật, dẫn đến cây trong vườn sinh trưởng kém, chậm ra hoa, kém đậu quả, sâu bệnh phát sinh không được phòng trừ kịp thời dẫn đến năng suất thấp, chất lượng kém. Vì vậy thu nhập hàng năm trên vườn thấp.

Vườn trồng cây ăn quả xen với nhiều loại cây trồng khác như sắn, cây lấy gỗ (xoan, lát hoa, gió trầm, keo) hoặc các cây khác như tre, mây…Trong vườn không nhận thấy cây trồng nào là chủ lực.

II. Nguyên nhân tồn tại vườn tạp

- Do chủ vườn chỉ trồng cây theo cảm tính, chạy theo phong trào nhất thời không xác định loại cây ăn quả chủ lực trong vườn.

- Do hiểu biết vì điều kiện của vùng chưa đầy đủ cho nên chọn cây trồng, cơ cấu giống, không phù hợp với điều kiện khí hậu, đất đai nên khó tránh được các bất lợi của thiên tai tác động đến vườn cây.

- Do vườn cây được trồng không phù hợp với yêu cầu sinh học của từng cây trồng dẫn đến hiệu quả sử dụng đất và các điều kiện sẵn có bị hạn chế.

- Do kỹ thuật trồng, chăm sóc vườn cây (tạo hình, bón phân, cắt tỉa, tưới nước, phòng trừ sâu bệnh v.v...) chưa hợp lý.

- Do năng lực và vốn của chủ vườn chưa đáp ứng hoặc chưa hợp lý nên việc đầu tư chưa phù hợp với yêu cầu của cây.

III. Kỹ thuật cải tạo vườn tạp

1. Tính cấp thiết của việc cải tạo vườn tạp đối với người làm vườn

Để cải tạo vườn tạp được tốt người làm vườn cần có:

- Hiểu biết về kiến thức chuyên môn của nghề vườn, đối tượng cây trồng và kinh doanh trong vườn.

- Nắm được chủ trương chính sách phát triển kinh tế của địa phương, của ngành nông nghiệp về chính sách phát triển cây ăn quả.

- Phải có nguồn lực về tài chính nhất định để đầu tư và cải tạo vườn tạp.

- Phải có thông tin kinh tế về thị trường cây ăn quả.

2. Nội dung cải tại vườn tạp

2.1. Về giống

Kiểm tra xác định các giống hiện có trong vườn, xác định cây nào, giống nào cần được cải tạo, chặt bỏ hoặc giữ lại.

Xác định giống cần được đưa vào cải tạo: giống đưa vào cải tạo phải là giống có chất lượng tốt, năng suất ổn định, ít sâu bệnh và có khả năng rải vụ.

2.2. Về đất vườn và hệ thống tưới tiêu

Hàng năm lượng phân bón hữu cơ cho cây rất thiếu, phân vô cơ bón vừa thiếu vừa không hợp lý, thiếu lân, vôi khử chua, thiếu nguyên tố vi lượng khiến hệ vi sinh vật trong đất hoạt động khó khăn, không đủ chất dinh dưỡng cho cây. Hậu quả là vườn cây ngày một già cỗi và thoái hóa.

Hệ thống tưới tiêu không được hoàn chỉnh, về mùa khô không giữ được độ ẩm cho cây, về mùa mưa cây bị ngập úng do thoát nước kém. Đẫn đến sâu bệnh tăng, cây sinh trưởng kém, năng suất thấp, thậm chí còn làm cho cây bị chết.

Vì vậy phải thường xuyên bổ sung phân hữu cơ cho cây, bổ sung đất phù sa, đất ao cho vườn. Khơi thông mương rạch để mùa mưa nước không bị ngập úng. Phải có hệ thống mương máng, ao tích nước tưới trong mùa khô hanh.

2.3. Về kỹ thuật canh tác

Cùng với việc sử dụng giống tốt, sạch bệnh, cần chú trọng tới biện pháp canh tác, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật thâm canh phù hợp với từng giống cây từ khâu làm đất, đào hố, mật độ trồng đến việc bón phân, tưới nước, tỉa cành tạo tán, bảo vệ thực vật, trồng xen, trồng gối, thu hoạch và bảo quản.

Chủ vườn cần căn cứ vào điều kiện khí hậu, đất đai, tập quán canh tác, thị hiếu người tiêu dùng, khả năng tiêu thụ sản phẩm của từng vùng để điều chỉnh cho phù hợp.

3. Phương pháp cải tạo vườn tạp

3.1. Cải tạo giống

- Trồng thay thế cây tạp bằng một số loại cây mới có tính chọn lọc cao.

- Ghép những cây cùng loại có chất lượng tốt lên gốc những cây cũ mọc khoẻ.

- Về cải tạo giống và chọn cây trồng phải đạt các yêu cầu: cây cho năng suất và chất lượng được thị trường ưa chuộng, có khả năng chống chịu sâu bệnh.

3.2.  Cải tạo đất và tưới, tiêu

Đất vườn tạp ít được cải tạo nên thường bị chai cứng, thiếu dinh dưỡng, mưa dễ bị úng. Nên cày xới, bón phân chuồng hoai mục và phân vô cơ cân đối cho cây. Đất thấp bị úng nên trồng cây chịu úng. Đất cao trồng cây chịu hạn. Đất vườn có nhiều cát giữ màu kém cần đổ thêm bùn ao, phù sa, trộn thêm vôi. Vườn đất thịt nặng cần đổ thêm đất cát pha, bón thêm phân chuồng, vôi, lân để giảm độ chua.

3.3. Bố trí cây trồng

Bố trí cây trồng theo quy hoạch. Có thể trồng xen canh cây họ đậu dưới những cây ăn quả chưa phủ tán. Cũng có thể trồng những hàng dứa ta, sả, nghệ, gừng dưới tán cây ăn quả có tác dụng chống xói mòn và cải tạo đất.

Để cải tạo vườn tạp có kết quả, người làm vườn phải thông thạo kinh nghiệm chăm sóc bảo vệ, áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật thì vườn mới mang lại hiệu quả.

3.4. Các phương pháp cải tạo vườn tạp

- Tiến hành khảo sát đánh giá vườn cây trên cơ sở đó định ra ý tưởng hình mẫu cho vườn cây.

- Loại bỏ các yếu tố không thích hợp với qui hoạch thiết kế xác định loại cây không phù hợp các yếu tố ảnh hưởng đến vườn cây sau này.

- Tiến hành đốn tỉa tạo hình và cắt tỉa cho các cây cần giữ lại với mục đích cải tạo hoặc phục tráng theo định hướng đặt ra. Trồng bổ xung cây mới vào vị trí cần thiết và hợp lý trong vườn.

- Áp dụng các kỹ thuật để khắc phục các nguyên nhân gây tạp trên vườn như dùng phương pháp ghép cải tạo, đốn cắt tỉa cành, tưới nước bón phân phòng trừ sâu bệnh.v.v... Nhằm mục đích cải tạo nâng cao thu nhập cho vườn.

4. Các biện pháp áp dụng khi cải tạo vườn

- Làm rãnh và hệ thống tiêu nước trên vườn. Đối với vùng đồi núi độ dốc cao phải làm ruộng bậc thang.

- Đốn bỏ những cây không thích hợp, phục tráng lại những cây có khả năng phát triển.

- Cắt tỉa tạo hình và cắt tỉa quả cho các cây trên vườn nhằm điều chỉnh khoảng cách và phân bố không gian tạo ra các cành có lợi cho việc ra hoa và kết quả.

- Trồng dặm các cây mới trong vườn để đảm bảo mật độ sử dụng hợp lý đất đai và không gian của vườn cây.

- Ghép cải tạo và ghép phục hồi các cây trên vườn nhằm thay đổi giống, phục hồi cây sinh trưởng yếu cằn cỗi trong vườn.

- Tiến hành các biện pháp kỹ thuật tiên tiến trong việc thâm canh nhằm nâng cao năng suất phẩm chất quả như: Tưới nước, bón phân, phòng trừ sâu bệnh điều chỉnh ra hoa tăng tỷ lệ đậu quả, bao quả để giữ quả cho tươi đẹp.

- Tuỳ theo mỗi loại giống cây ăn quả mà biện pháp ký thuật tiến hành khác nhau.

* Đối với cây đã xác định cho là ngon, năng suất cao cần được giữ lại và tiến hành các bước cải tạo như sau:

- Cắt tỉa cành hàng năm: Cắt bớt cành trong tán, cành vượt, cành bị sâu bệnh, cành tăm. Việc cắt tỉa phải được tiến hành sau khi thu hoạch quả hàng năm. Cắt tỉa hàng năm sẽ tạo dáng cho cây, tán cây có hình mâm xôi đều về 4 hướng.

5. Bón phân

Sau khi cắt tỉa xong phải tiến hành bón phân ngay, bón phân xung quanh tán cây. Dưới hình chiếu của tán, dùng cuốc, xẻng đào sâu khoảng 20-25 cm, rộng 25-30 cm xung quanh tán. Sau đó dùng phân chuồng hoai mục (khoảng 25-30 kg/cây) trộn lẫn với phân hỗn hợp NPK (0,5-1 kg/cây) bón đều vào rãnh đã đào, lấp kín đất. Có thể dùng phân pha loãng, phân vi sinh tưới trực tiếp vào rãnh xung quanh tán cây.

* Đối với những cây có quả nhưng chất lượng kém hoặc không ra quả:

Loại cây này cần được cải tạo, thay thế bằng các giống khác có phẩm chất ngon, năng suất ổn định. Phương pháp cải tạo là:

- Chặt bỏ cây cũ, vệ sinh vườn và trồng lại giống mới có phẩm chất ngon, năng suất ổn định, được thị trường chấp nhận.

- Ghép cải tạo giống mới lên trên giống cũ theo phương pháp ghép nối cành hoặc cưa đốn thấp cây cách mặt đất khoảng 0,8-1m tùy từng loại cây, để cho gốc cây bật mầm mới, chăm sóc mầm cho tới khi đủ điều kiện ghép cải tạo. Dùng cành ghép từ những cây khỏe mạnh, không sâu bệnh, có năng suất ổn định, phẩm chất tốt để ghép lên những cây cải tạo. Sau khi đốn, ghép cải tạo phải chú ý đến bổ sung dinh dưỡng, phòng trừ sâu bệnh cho cây. Ngoài việc bón phân qua rễ hàng năm, cần bón bổ sung dinh dưỡng qua lá bằng các loại phân như Atonik, Komic… theo hướng dẫn ghi trên nhãn sản phẩm. Phương pháp này thường đem lại hiệu quả cao, cây sớm cho quả hơn so với trồng mới.

* Đối với những cây già cỗi không có khả năng phục hồi, không còn khả năng cho quả thì nên chặt bỏ, đào hết rễ của cây cũ, cải tạo đất, có thể dùng vôi bột để xử lý mầm bệnh có từ rễ cây cũ, phơi đất khoảng 20-25 ngày sau đó đào hố trồng cây mới.

6. Kỹ thuật ghép cải tạo một số cây ăn quả

a) Đặc điểm của việc ghép cải tạo

Để thay thế những cây trồng không hiệu quả người ta có thể trồng lại bằng cây con khác, nhưng biện pháp này mất nhiều thời gian. Muốn thúc đẩy nhanh việc thay đổi một cách cơ bản các giống xấu, làm tăng hiệu quả kinh tế, hạ giá thành sản phẩm thì biện pháp ghép cải tạo là một giải pháp kỹ thuật hữu ích.

Các vườn cây kém hiệu quả, vào mùa xuân đốn hết các cành trên cây. Tuỳ từng cây mà đốn cao hay thấp. Mục đích là để chúng phát triển các cành mới thuận lợi nhất để làm cành ghép. Khi các cành đã phát triển đến độ bánh tẻ thì lấy mắt ghép ở các giống mới có chất lượng và năng suất cao ghép vào các cành trên. Cách ghép và các thao tác kỹ thuật giống như cách ghép bình thường. Sử dụng gốc già để làm gốc ghép thì cành ghép phát triển khoẻ hơn nhiều so với ghép vào cây non, lại mau cho quả và sai. Tính trội hoàn toàn nghiêng về mắt ghép và điều quan trọng là không hề bị thoái hoá qua các năm, không phải phá cây cũ trồng cây mới.

Ưu điểm của việc ghép cải tạo:

- Tạo được giống có chất lượng tốt đáp ứng yêu cầu người sản xuất.

- Rút ngắn thời gian từ trồng đến cho quả. Thời gian cây ra hoa kết quả được rút ngắn lại so với cây trồng từ ban đầu. Thời gian cây ghép cải tạo ra quả lần đầu chỉ từ 1-2 năm tùy theo giống.

- Có khả năng rải vụ giữa các giống chín sớm, chín muộn làm tăng hiệu quả sản xuất.

- Tiết kiệm công lao động và vốn đầu tư ban đầu.

b) Kỹ thuật ghép cải tạo

- Thời vụ ghép: Thường vào vụ xuân và vụ thu. Thời gian ghép thích hợp nói chung vào 2 thời điểm: tháng 4-5 và tháng 8-9.

- Tạo cành gốc ghép: Có 2 cách tạo cành gốc ghép.

+ Đối với cây dưới 10 tuổi, thấp cây, phân nhánh ít, ở nơi dễ bắc thang, ghế để đứng ghép thì tiến hành ghép trực tiếp trên đầu cành.

+ Đối với cây già cỗi, cây cao, tán lá xum xuê, những cây ở vị trí khó thế đứng để thao tác ghép thì tiến hành cưa cành hoặc thân để tạo chồi trước khi ghép từ trên 3-4 tháng. Cưa xong bôi vôi vào vết cắt nhằm tránh sâu bệnh thâm nhập.

Chú ý: Chỉ cưa đốn 2/3 số cành trên cây, còn để lại 1/3 số cành để cây có thể quang hợp bình thường (gọi là cành thở). Số cành còn lại này sẽ cưa và ghép cải tạo vào vụ sau.

Phải thực hiện chăm sóc gốc ghép như chăm sóc cây trong thời kỳ mang quả.

Đối với cây gốc ghép cưa ngang cành hoặc ngang thân cần phải chăm sóc chồi ghép, tỉa bớt chồi, chỉ giữ lại 4-5 chồi khỏe mạnh ở các hướng khác nhau. Có thể sử dụng phân bón lá phun bổ sung cho chồi gốc ghép.

- Phương pháp ghép: Chọn các giống có năng suất chất lượng theo yêu cầu của người sản xuất để làm mắt ghép. Có thể ghép nêm hoặc ghép áp đoạn cành như phương pháp ghép nhân giống cây ăn quả.

Sau khi ghép phải thường xuyên theo rõi và chăm sóc cây đã ghép theo quy trình trồng và chăm sóc cho từng loại cây ăn quả. Thực hiện cắt tỉa tạo tán như đã hướng dẫn ở trên.

Chú ý: Sau khi ghép xong phải tiến hành phun thuốc trừ kiến, côn trùng ngay để bảo vệ mầm ghép.

Đinh Liên (St)

Các tin khác