Banner chính
Thứ Sáu, 04/04/2025
Liên hiệp Các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Ninh Bình

Kỹ thuật trồng dưa lê Ngân Huy theo tiêu chuẩn VIETGAP

Thứ Sáu, 27/09/2019
Nhiều năm qua cây dưa lê Ngân Huy đã trở thành cây trồng chủ lực mang lại thu nhập cao cho bà con nông dân Hợp tác xã nông nghiệp Mai Sơn, xã Mai Sơn, huyện Yên Mô. Để cung cấp cho người tiêu dùng sản phẩm nông sản sạch, năm 2019 Hợp tác xã đã tiến hành trồng dưa theo tiêu chuẩn VietGap dưới sự hướng dẫn của trung tâm Ứng dụng, Thông tin Khoa học công nghệ và Đo lường thử nghiệm Khoa học kỹ thuật thuộc Sở Khoa học công nghệ của tỉnh.

Sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap đã mang lại nhiều thành công cho người nông dân. Phương thức canh tác mới, năng suất cây trồng lại tăng lên rõ rệt, cung cấp cho người tiêu dùng những sản phẩm nông sản an toàn và quá trình sàn xuất sẽ không ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Những mô hình sản xuất theo hướng Vietgap đang ngày càng được nhân rộng ở các địa phương trên địa bàn tỉnh.

Những năm gần đây, dưa lê siêu ngọt Ngân Huy trở thành một trong những loại cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều hộ nông dân ở Hợp tác xã Mai Sơn. Các hộ dân mạnh dạn đầu tư, mở rộng diện tích đất canh tác, dần đưa cây dưa lê siêu ngọt thành một trong những giống cây trồng chủ lực tại địa phương. So với giống dưa lê truyền thống, dưa lê siêu ngọt Ngân Huy có nhiều ưu điểm vượt trội như dễ trồng, dễ chăm sóc, thời gian sinh trưởng ngắn, cho quả đều và đẹp, khi ăn giòn và ngọt. Trừ chi phí chăm sóc, trung bình mỗi sào dưa cho thu nhập từ 5-7 triệu đồng. So với trồng lúa thì trồng dưa lê cho thu nhập cao hơn từ 3-5 lần.

Kiểm tra giống dưa lê Ngân Huy theo hướng VietGap tại HTX Mai Sơn.

Ông Tống Viết Vinh, đại diện Ban quản trị Hợp tác xã Mai Sơn, huyện Yên Mô cũng chia sẻ: Qua theo dõi vụ trồng, Hợp tác xã thấy, giống dưa lê Ngân Huy sinh trưởng khỏe. Thời gian sinh trưởng chỉ từ 45-50 ngày, ngắn từ 10-15 ngày so với dưa lê truyền thống. Hơn nữa, giống dưa này chịu nhiệt tốt, có thể trồng được nhiều vụ trong năm.

Dưa lê siêu ngọt được trồng phổ biến vào khoảng tháng 3 và thu hoạch rộ vào tháng 5 và tháng 6. Đặc biệt là vụ Xuân, xuân Hè và Hè Thu cho năng suất cao, chất lượng tốt. Quả dưa lê hình cầu, nặng khoảng 400g, vỏ màu trắng pha xanh nhạt, ăn ngọt, giòn và thơm.

Giống dưa lê siêu ngọt Ngân Huy cho bình quân năng suất đạt 700kg/sào. Trồng dưa thu nhập cao hơn 3-4 lần trồng lúa, hoặc cây rau màu khác. Thời điểm này, vụ dưa lê giống Ngân Huy ở Hợp tác xã Mai Sơn đã cho thu hoạch cơ bản xong, năng suất bình quân ước đạt gần trên 500kg/sào.

Cùng với mở rộng diện tích, hiện nay Hợp tác xã Mai Sơn cũng đang tiến hành hoàn thiện các thủ tục đăng ký cấp giấy chứng nhận sản phẩm an toàn. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức để bà con nông dân nhân rộng mô hình. Toàn bộ lượng dưa này đã được Hợp tác xã hợp đồng với các đơn vị để tiêu thụ cho bà con nông dân chính vì vậy bà con rất yên tâm sản xuất mà không lo đầu ra của sản phẩm. Để có một vụ dưa bội thu thì các yếu tố tạo nên sự thành công này đó là chọn giống, làm đất, chăm sóc phòng trừ sâu bệnh phải đảm bảo đúng quy trình. Cần lựa chọn các giống dưa lê lai F1 siêu ngọt có những đặc điểm phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng hiện nay là: Dưa có kích thước quả vừa phải, độ ngọt cao, vỏ có màu vàng kim xanh da đá hoặc trắng, cứng, cùi dày, ít hạt, vị thơm đặc trưng… Năng suất của dưa có thể đạt 5-6 tạ/sào, sau khi  trồng 50-55 ngày có thể cho thu hoạch, chính vì vậy cần phải cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho cây dưa trong suốt quá trình sinh trưởng thì dưa mới đạt năng suất cao.

Khi cây dưa được 5-6 lá bắt đầu bấm ngọn để thúc đẩy nhánh con phát triển, chọn để laị 3-4 nhánh con to khỏe nhất, khi nhánh con được 15-16 lá tiến hành bấm ngọn thúc đẩy nhánh cháu phát triển. Cây dưa sẽ cho quả chủ yếu trên nhánh cháu, cần bấm bỏ chèo nhánh từ gốc đến lá thứ 4 chọn quả từ nhánh cháu thứ 5 trở đi. Mỗi cây để 5-6 quả, không nên để quả quá nhiều. Việc tỉa nhánh, bấm ngọn, để quả nên thực hiện vào buổi sáng tránh tạo cơ hội cho mầm mống bệnh xâm nhập qua vết thương. Cây dưa thường bị mắc các loại sâu hại như Bọ trĩ, Bệnh chảy nhựa thân, Bệnh thối gốc nở cổ dễ, Bệnh sương mai, Bệnh phấn trắng, Bệnh thán thư. Cần phải theo dõi để phát hiện sớm và có các biện pháp phòng trừ kịp thời.

Cây Dưa lê trồng theo tiêu chuẩn Vietgap phải đảm bảo nghiêm ngặt các điều kiện: Không sử dụng các loại thuốc trừ sâu độc hại, không sử dụng các chất kích thích sinh trưởng, không sử dụng thuốc diệt cỏ. Các loại phân bón sử dụng trong quá trình sản xuất phải đảm bảo an toàn. Để đảm bảo quá trình tưới tiêu cho diện tích dưa, Hợp tác xã đã đầu tư hệ thống tưới nước nhỏ giọt tự động để đảm bảo cho cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt. Trong quá trình chăm sóc  bà con nông dân che quả dưa bằng lá để không bị ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp làm mất màu tự nhiên và xuất hiện nhiều vân xanh trên quả. Hiện nay, Hợp tác xã có khoảng 2 ha trồng cây dưa lê Ngân Huy. Quá trình sản xuất được cán bộ thuộc trung tâm Ứng dụng, Thông tin Khoa học công nghệ và Đo lường thử nghiệm Khoa học kỹ thuật thuộc Sở Khoa học công nghệ của tỉnh chuyển giao công nghệ và giám sát, chính vì vậy năng suất và chất lượng cây dưa nơi đây luôn được đảm bảo.

Sản xuất dưa lê theo tiêu chuẩn Vietgap tại Hợp tác xã Mai Sơn đang góp phần từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, tạo uy tín, thương hiệu nông sản từ đó nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường. Những mô hình sản xuất theo phương thức mới này đang từng bước thay đổi tập quán sản xuất truyền thống của người nông dân, góp phần xây dựng nền nông nghiệp Ninh Bình phát triển theo hướng hiện đại, bền vững.

Đinh Liên

Các tin khác