1. Giống
Giống khoai tây ăn tươi: Diamond, Solara, Marabel,...; giống khoai tây chế biến: Atlantic....
Lượng giống: 40-60 kg/sào (tuỳ theo kích thước, khối lượng củ giống).
2. Thời vụ
15/10-5/11, thu hoạch cuối tháng 1, đầu tháng 2.
3. Đất trồng
Khoai tây trồng được trên mọi chân đất, nhưng nên chọn chân đất chủ động tưới, tiêu. Sau thu hoạch lúa mùa đất để nguyên không cày, khi đến thời vụ tiến hành cày rạch một đường để tạo thành luống có chiều rộng mặt luống 1,2m, rãnh rộng 20cm, sâu 15 cm.
4. Vật liệu che phủ
Thu gom toàn bộ rơm rạ sau thu hoạch để thành đống ở góc ruộng, rơm rạ không phải phơi. Có thể dùng trấu, mùn cưa, bèo tây…để làm vật liệu che phủ.
5. Phân bón
- Lượng phân: Phân chuồng hoai mục 11-12 tấn/ha (400-450 kg/sào) hoặc phân gà 7-8 tấn/ha (250-300kg/sào), tốt nhất đã được ủ hoai mục (100 ngày). Phân Super lân: 550kg/ha (20 kg/sào). Phân đạm Urea: 202-280 kg/ha (8-10 kg/sào). Phân Kaly Clorua: 280kg/ha (10 kg/sào).
- Thời gian và phương pháp bón: Bón lót (phân chuồng + phân lân), trộn đều phân chuồng với phân lân và rải đều ở giữa 2 hàng củ giống. Bón thúc: Lần 1 (khi khoai tây mọc đều) hòa nước tưới 10% đạm; Lần 2 (sau lần1: 7-10 ngày) hòa nước tưới 20% đạm + 20% kaly; Lần 3 (sau lần 2: 7-10 ngày) hòa nước tưới 30% đạm + 30% kaly; Lần 4 (sau lần 3: 7-10 ngày) hòa nước tưới 30% đạm + 50% kaly; Lần 5 (sau lần 4: 7-10 ngày) hòa nước tưới 10% đạm.
6. Kỹ thuật trồng
- Mật độ: 1800-2000 củ giống/sào (50.000-55.000 củ/ha); khoảng cách: 55-60 cm x 25-30 cm.
- Cách trồng: Yêu cầu ruộng khi trồng phải đủ ẩm (nếu ruộng khô phải tưới nước); Trồng 2 hàng/luống, đặt củ giống trên mặt luống cách mép luống 30cm, hàng cách hàng 55-60 cm, củ cách củ 25-30 cm, đặt củ giống sao cho mầm nằm ngang hoặc nghiêng với mặt ruộng để mầm tiếp xúc với đất tạo thuận lợi cho rễ phát triển ngay, không được đặt củ giống để cho mầm thẳng đứng. Sau khi đặt, dùng đất bột phủ kín trên củ giống. Tiến hành bón lót phân chuồng đã trộn lẫn với phân lân rải đều ở giữa hai hàng củ giống, cách hàng củ gíống 10cm. Sau khi bón phân chuồng, dùng rơm rạ hoặc trấu phủ kín mặt luống dày từ 5-7 cm.
7. Chăm sóc
- Tưới nước: Với ruộng phẳng áp dụng tưới rãnh để nước tự thấm vào đất vừa đủ hết nước ở rãnh hoặc khi nước ngấm đều khắp ruộng tháo cạn, nếu ruộng có nước phải tháo kiệt, không để nước đọng ở rãnh luống. Tưới rãnh 3- 4 lần trong một vụ khoai tây. Khi phát hiện trên ruộng có bệnh héo xanh thì không tưới rãnh. Với ruộng không bằng phẳng, xa nguồn nước áp dụng tưới phun mưa, tưới trực tiếp vào gốc. Khi cây chưa mọc cần tưới nhẹ tránh làm hỏng củ giống. Tưới đủ ẩm, không làm dập gẫy thân lá. Giữ độ ẩm đất khoảng 75-80% (hơi thâm đất). Sau trồng 75 ngày đến thu hoạch không được tưới nước.
- Che phủ: Khi cây cao 20-25 cm phủ bổ sung thêm rơm rạ đảm bảo dộ dày 10-12cm, phủ kín cả mặt và 2 bên mép luống, dùng đất cày làm rãnh đè lên rơm rạ cho rơm rạ không bị bay.
8. Phòng trừ sâu bệnh:
- Sâu khoang: Khi khoai tây mọc đều tiến hành làm bả chua ngọt cắm trên ruộng để diệt sâu trưởng thành; Cắm 200-250 bả/ha (khoảng 10 bả/sào), cắm bả liên tục trên ruộng, khi bả bị khô cần bổ sung thêm dung dịch của bả.
- Bệnh mốc sương: Bệnh hại mạnh từ tháng 12 đến tháng 2. Bệnh phát sinh gây hại mạnh ở điều kiện ẩm độ cao, trời có sương mù hoặc mưa phùn.
Biện pháp phòng trừ: Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, khi phát hiện bệnh với tỷ lệ 3-5, trời có sương mù hoặc mưa phùn phải phun thuốc phòng trừ bệnh bằng một trong các loai thuốc sau: Ridomil Gold 68WP, Kocide 46.1WG, Zineb Bul 80WP,...
- Bệnh vi rút: Bệnh lan truyền bệnh nhờ côn trùng môi giới (bọ phấn, rệp đào. Khi trên ruộng có cây bị bệnh cần nhổ bỏ đem tiêu hủy và phun thuốc trừ bọ phấn, rệp.
- Bệnh héo xanh (héo rũ): Biện pháp phòng trừ: dùng củ giống sạch bệnh, không tưới nước ngập luống, không bón thừa phân đạm, ruộng trồng khoai tây nên luân canh với lúa nước. Nhổ bỏ cây bệnh đem tiêu huỷ.
Thu Hoài (St)