Banner chính
Thứ Năm, 21/11/2024
Liên hiệp Các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Ninh Bình

Làm thế nào để tránh sét?

Thứ Hai, 09/04/2012
Khi có sét, ta phải tránh xa các vật dụng kim loại, tìm nơi khô ráo để đứng, nhón chân để giảm diện tích tiếp xúc với mặt đất.
Tại Việt Nam, thời kỳ mưa dông kèm sấm sét hoạt động mạnh nhất từ tháng 4 đến tháng 10. Sét thường xuất hiện chủ yếu vào buổi chiều từ 14h đến 20h. Chỉ trong tháng qua có ít nhất 7 người bị sét đánh, trong đó có tới 5 người tử vong, phần lớn là người dân đi làm đồng.

Tại Việt Nam có thể có tới 2 triệu cú sét đánh xuống đất trong một năm.

Để hạn chế thiệt hại từ sét, tiến sĩ Nguyễn Xuân Anh, phó Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu khuyến cáo:
Nghe bản tin dự báo thời tiết để lên kế hoạch làm việc dự phòng. Khi đi làm ở khu vực nào đó, để ý trước các nơi có thể trú mưa và tránh sét an toàn. Phải tính được thời gian từ chỗ làm việc đến nơi an toàn để chủ động đi về nơi đó khi thấy có tín hiệu dông.
Thường thì cơn dông kéo đến rất nhanh trong vòng 15 phút và di chuyển với vận tốc 40km/giờ. Khi đang ở nơi không an toàn thì cần phải để ý đến các dấu hiệu của dông như mây đen, không khí lạnh, gió.
Thực hiện nguyên tắc nhìn – nghe: Khi sét xảy ra, thường thấy tia chớp lóe lên ở điểm nào đó trên bầu trời, sau đó là tiếng sấm kèm theo. Nếu khoảng thời gian giữa lúc có chớp đến lúc nghe thấy sấm càng ngắn, thì sét sẽ xuất hiện ở vị trí càng gần ta, tức là mức độ nguy hiểm tăng. Khi đó cần nhanh chóng tìm cách tránh sét.
Khi ở trong nhà nên đứng xa cửa sổ, cửa ra vào, các đồ dùng điện, tránh các chỗ ẩm ướt như buồng tắm, bể nước, vòi nước, không nên dùng điện thoại trừ trường hợp rất cần thiết. Nên rút phích cắm các thiết bị điện khi dông tố bắt đầu.
Các đường dây điện thoại hay dây điện, vì nối với lưới bên ngoài, nên rất có thể bị ảnh hưởng sét đánh lan truyền. Nên tránh xa các dây này và các vật dùng điện, giữ khoảng cách ít nhất là 1m. Cần rút ăng-ten ra khỏi ti vi khi có dông.
Nếu ở ngoài trời, tuyệt đối không dùng cây cối làm chỗ trú mưa, tránh các khu vực cao hơn xung quanh, tránh xa các vật dụng kim loại như xe đạp, máy, hàng rào sắt. Nên tìm chỗ khô ráo, nếu xung quanh có cây cao hơn thì nên tìm chỗ thấp.
Đảm bảo thân người ở vị trí càng thấp càng tốt, tay ôm cổ, phần tiếp xúc của người với mặt đất càng ít càng tốt. Nên nhón chân, không được nằm xuống đất. Đặc biệt, không đứng thành nhóm người gần nhau.
Đứng xa các vật cao, ra ngay khỏi những nơi chứa nước như bãi biển, ao, hồ, mương. Các vùng đỉnh núi hay sườn núi nhô cao cũng rất nguy hiểm. Nếu ở trong rừng thì tìm những nơi cây thấp hơn và thưa để tránh.
Nếu như bạn cảm thấy tóc bị dựng lên, như cảm giác có điện khi sờ tay trước mặt tivi, thì điều đó có nghĩa là có thể bị sét đánh bất cứ lúc nào. Khi đó cần lập tức cúi ngồi xuống và lấy tay che tai, không nằm xuống đất hay đặt tay lên đất.
Sau khi tiếng sét đi qua 30 phút, có thể trở lại làm việc bình thường.
Dông là hiện tượng thời tiết kèm theo sấm, chớp xảy ra. Một cơn dông có thể kéo dài từ 30 phút đến 12 tiếng và trải rộng từ vài chục đến hàng trăm km vuông.
Chuyển động thẳng đứng của đám mây gây ra sự phân chia điện tích trong mây dông. Khi các vùng điện tích đủ mạnh sẽ xảy ra phóng điện sét. Phóng điện có thể xảy ra trong một đám mây giữa các vùng điện tích trái dấu, xảy ra giữa các đám mây với nhau hoặc giữa mây với đất.
Vào một thời điểm bất kỳ trên trái đất có khoảng 2.000 cơn dông đang hoạt động. Một cơn dông bình thường có thể có 10.000 cú phóng điện trong đó có 1000-2.000 phóng xuống đất. Tại Việt Nam có thể có tới 2 triệu cú sét đánh xuống đất trong mỗi năm.

Hương Thu

Các tin khác