Banner chính
Thứ Năm, 21/11/2024
Liên hiệp Các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Ninh Bình

Lợi ích khi sử dụng chế phẩm sinh học trong canh tác cây trồng

Thứ Hai, 11/11/2013
  Việc sử dụng chế phẩm sinh học (CPSH), phân bón hữu cơ trong canh tác cây trồng đang là xu hướng của Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung nhằm bảo đảm an toàn sinh học, an toàn thực phẩm và an toàn môi trường mà vẫn đảm bảo năng suất, chất lượng cho trồng trọt, hướng đến một nền nông nghiệp sạch, phát triển bền vững.

Trước đây, để tăng năng suất và sản lượng trong trồng trọt, người dân thường sử dụng phân bón hóa học và thuốc trừ sâu bệnh có nguồn gốc hóa học. Tuy nhiên, việc sử dụng này chỉ đem lại lợi ích trước mắt mà không bảo đảm thâm canh cây trồng bền vững, vì các sản phẩm có nguồn gốc từ chất hóa học làm cho đất đai ngày càng thoái hóa, dinh dưỡng bị mất cân đối, mất cân bằng hệ sinh thái trong đất, hệ vi sinh vật trong đất bị phá hủy, tồn dư các chất độc hại trong đất càng nhiều dẫn đến phát sinh một số dịch hại không dự báo trước, từ đó ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe con người và gây ô nhiễm môi trường.

Do đó, trong những năm gần đây, việc nghiên cứu và sản xuất ra CPSH, phân bón hữu cơ được đẩy mạnh để thay thế phân bón hóa học và thuốc trừ sâu bệnh có nguồn gốc hóa học đã được hầu hết các nước quan tâm. Theo TS. Dương Hoa Xô - Giám đốc Trung tâm Công nghệ Sinh học Tp. Hồ Chí Minh cho biết, việc khuyến khích sử dụng chế phẩm sinh học cho cây trồng vì nó có nhiều ưu điểm vượt trội như:

- Không gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe con người và cây trồng.

- Không gây ô nhiễm môi trường sinh thái.

- Cân bằng hệ sinh thái (vi sinh vật, dinh dưỡng,…) trong môi trường đất nói riêng và môi trường sống nói chung.

- Không làm hại kết cấu đất, không làm chai đất, thoái hóa đất mà còn góp phần tăng độ phì nhiêu của đất

- Đồng hóa các chất dinh dưỡng, góp phần tăng năng suất và chất lượng và chất lượng nông sản phẩm.

- Có tác dụng tiêu diệt côn trùng gây hại, giảm thiểu bệnh hại, tăng khả năng đề kháng bệnh của cây trồng mà không làm ảnh hưởng đến môi trường như các loại thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học khác.

- Có khả năng phân hủy, chuyển hóa các chất hữu cơ bền vững, các phế thải sinh học, phế thải nông nghiệp, công nghiệp, góp phần làm sạch môi trường

Với những ưu điểm đó, nhiều loại CPSH khác nhau đã được nghiên cứu và sản xuất để ứng dụng cho cây trồng và được chia làm 3 nhóm sản phẩm cơ bản, với các tính năng khác nhau như sau:

1 - Nhóm CPSH ứng dụng cho phòng trừ dịch hại trên cây trồng: Thực chất đây là thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học có thể tiêu diệt hoặc phòng trừ các sinh vật, vi sinh vật, các loại sâu hại… có khả năng gây hại cho cây trồng. Đây là nhóm sản phẩm được ứng dụng khá rộng rãi và được sử dụng sớm nhất cho cây trồng. Ngoài việc có tác dụng tiêu diệt hoặc phòng trừ dịch hại, các chế phẩm sinh học còn có tác dụng trong việc phục hồi bộ rễ, tăng khả năng ra hoa và đậu quả cho cây trồng, đem lại giá trị kinh tế cao cho bà con.

Hiện nay, trên thị trường có nhiều CPSH phòng trừ dịch hại. Đặc biệt là các sản phẩm phòng trừ sâu bệnh được chế biến từ nhiều nguồn gốc khác nhau như: Các sản phẩm Neemaza, Neemcide 3000 SP, Neem Cake (có nguồn gốc thảo mộc được chiết xuất từ nhân hạt Neem (Azadirachta indica A. Juss)) - những loại thuốc này khi sử dụng trên cây trồng sẽ làm cho côn trùng ngán ăn, xua đuổi, ngăn sự lột xác và giảm khả năng sinh sản của côn trùng, đồng thời không để lại dư lượng trên cây trồng và không ảnh hưởng đến các loài thiên địch; thuốc trừ sâu vi sinh BT (có nguồn gốc vi khuẩn) - dùng để tiêu diệt và phòng trừ các loại sâu như sâu cuốn lá, sâu tơ, sâu xanh, sâu khoang, sâu ăn tạp…; chế phẩm Biobac và Biosar - dùng để tiêu diệt và ức chế bệnh đốm vằn và cháy lá lúa; các sản phẩm Vivadamy, Vanicide, Vali… có hoạt chất là Validamycin A, được chiết xuất từ nấm men Streptomyces hygroscopius var. jingangiesis - dùng để trị các bệnh đốm vằn trên lúa, bệnh nấm hồng trên cao su, bệnh chết rạp cây con trên cà chua, khoai tây, thuốc lá, bông vải;…

 2 - Nhóm CPSH dùng cho sản xuất phân bón hữu cơ sinh học, phân bón vi sinh, điều hòa sinh trưởng cây trồng…
- Đối với nhóm phân vi sinh: Là tập hợp một hoặc nhiều nhóm vi sinh vật, chúng được nhân lên từ các chế phẩm vi sinh và tồn tại trong các chất không vô trùng. Căn cứ Quyết định số 36/2007/QĐ-BNN ngày 24/4/2007 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc ban hành Quy định sản xuất, kinh doanh và sử dụng phân bón, trong đó, có quy định mật độ mỗi chủng vi sinh vật hữu ích không thấp hơn 1 x 108 CFU/gam (ml) đối với phân vi sinh vật. Loại phân có chứa hàm lượng vi sinh vật có ích rất cao, nguồn dinh dưỡng hữu cơ, vô cơ và vi lượng trong phân thấp. Phân vi sinh được sản xuất và bón vào đất nhằm mục đích tăng lượng vi sinh vật có ích cho cây trồng, đặc biệt đối với vi sinh vật cố định đạm. Phân vi sinh cũng có thể dùng làm phân nền phối trộn để sản xuất các loại phân hữu cơ vi sinh và hữu cơ sinh học.

- Nhóm phân hữu cơ sinh học: Là sản phẩm phân bón được tạo thành thông qua quá trình lên men vi sinh vật các hợp chất hữu cơ có nguồn gốc khác nhau, có sự tác động của vi sinh vật hoặc các hợp chất sinh học được chuyển hóa thành mùn. Đây là loại phân mà không yêu cầu mật độ mỗi chủng vi sinh vật là bao nhiêu, mà chỉ chú ý vào quá trình lên men vi sinh vật như thế nào.

- Nhóm phân hữu cơ vi sinh: Là loại phân được sản xuất từ nguyên liệu hữu cơ có mật độ mỗi chủng vi sinh vật có ích không thấp hơn 1 x 106 CFU/gam (ml) đối với phân hữu cơ vi sinh (Theo Quyết định số 36/2007/QĐ-BNN ngày 24/4/2007 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc ban hành Quy định sản xuất, kinh doanh và sử dụng phân bón).

- Nhóm điều hòa sinh trưởng cây trồng. Chia ra 2 nhóm nhỏ là nhóm các chất kích thích sinh trưởng và nhóm các chất ức chế sinh trưởng.

Hiện nay, có rất nhiều CPSH dùng sản xuất phân bón hữu cơ sinh học, phân bón vi sinh, điều hòa sinh trưởng cây trồng sản xuất tại Việt Nam đang lưu thông trên thị trường. Tuy nhiên chỉ có một số sản phẩm đạt chất lượng, có uy tín, còn lại rất nhiều sản phẩm thuộc các nhóm này chất lượng không đảm bảo, do không kiểm soát được sản phẩm, gây nên sự hỗn loạn trên thị trường phân bón và làm giảm lòng tin của người nông dân, làm ảnh hưởng đến nhà sản xuất, cũng như đến việc khuyến khích sử dụng CPSH của Bộ Nông nghiệp trên cây trồng. Một số sản phẩm chất lượng trên thị trường như: Bộ sản phẩm Cugasa; Bio trùn quế - kích thích tăng trưởng; Bima - chứa nấm đối kháng, dùng để tiêu diệt và khống chế ngăn ngừa các loại nấm bệnh gây bệnh xì mủ, vàng lá, thối rễ, chết yểu;…

3 - Nhóm CPSH dùng cải tạo đất, xử lý phế thải nông nghiệp: Là các loại chế phẩm có nguồn gốc sinh học được đưa vào đất để cải tạo lý hóa tính của đất (kết cấu đất, độ ẩm, hữu cơ, khả năng giữ nước,…) hoặc giải phóng đất khỏi những yếu tố bất lợi khác (kim loại nặng, vi sinh vật, hóa chất độc hại…) làm cho đất trở nên tốt hơn có thể sử dụng làm đất canh tác cây trồng.

Đây là nhóm sử dụng vi sinh vật trong sản xuất nông nghiệp nhằm cải tạo đất bị ô nhiễm do kim loại nặng và các thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc từ hóa học; phân giải hoặc chuyển hóa các chất gây ô nhiễm trong đất, tái tạo cho đất sức sống mới; cải tạo đất bị thoái hóa; giữ ẩm cho đất… được xem là một giải pháp cải tạo đất bền vững cho môi trường sinh thái. Với rất nhiều sản phẩm được bày bán trên thị trường: Bima (chứa Trichoderma) - dùng để xử lý ủ phân chuồng, phân gia súc, vỏ cà phê, chất thải hữu cơ như rơm, rạ…; sản phẩm Lipomycin-M dùng để giữ ẩm cho đất; chế phẩm BIO-F, chứa các vi sinh vật do nhóm phân lập và tuyển chọn: Xạ khuẩn Streptomyces.sp, nấm mốc Trichoderma.sp và vi khuẩn Bacillus.sp. Những vi sinh vật trên có tác dụng phân huỷ nhanh các hợp chất hữu cơ trong phân lợn, gà và phân trâu, bò (protein và cellulose).

Sử dụng CPSH trong nông nghiệp được xem là ứng dụng khoa học - kỹ thuật có ý nghĩa thiết thực. Trong đó có trồng trọt, sử dụng chế phẩm sinh học nhằm hạn chế tối đa việc sử dụng phân bón hóa học và thuốc trừ sâu bệnh có nguồn gốc hóa học trong việc phòng và trị bệnh cho cây trồng là khuynh hướng đúng nhằm tránh ảnh hưởng đến cây trồng và con người, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, tạo ra sản phẩm có uy tín, chất lượng và sức cạnh tranh cao trên thị trường trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, việc sử dụng các CPSH ở Việt Nam còn hạn chế, đặc biệt là nhóm CPSH phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng do điều kiện canh tác chưa tập trung, còn mang tính hộ nhỏ lẻ nên chưa có giá trị chuyển giao, khuyến cáo người sử dụng, nhà sản xuất chưa đầu tư quảng cáo sản phẩm… Vì vậy, CPSH phòng trừ sâu bệnh ở nước ta chủ yếu ở trong phòng thí nghiệm và quy mô sản xuất thử, khả năng bảo quản các thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học còn tốn nhiều chi phí dẫn đến giá thành cao.

Để các CPSH dùng trong trồng trọt nói chung và CPSH phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng nói riêng được sử dụng rộng rãi ở Việt Nam, theo TS. Dương Hoa Xô thì Nhà nước và ngành nông nghiệp phải có chính sách khuyến khích hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực này. Bên cạnh đó, cần có sự đầu tư chuyển giao kỹ thuật, tuyên truyền, hướng dẫn người nông dân ủng hộ và ứng dụng rộng rãi các CPSH trong sản xuất nông nghiệp. Song song đó, bà con nông dân cũng cần quản lý mùa vụ, phân khoáng cung cấp chất dinh dưỡng cho cây dưới dạng tập trung nhằm đem lại hiệu quả cao nhất cho trồng trọt, có như vậy mới đáp ứng được nhu cầu của thị trường đối với các sản phẩm nông nghiệp và góp phần phát triển nền nông nghiệp Việt Nam bền vững.

Phạm Anh: Theo nguồn Liên hiệp Hội Việt Nam

 

Các tin khác