Banner chính
Thứ Năm, 21/11/2024
Liên hiệp Các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Ninh Bình

Mô hình kinh tế trang trại vườn đồi của ông Bí thư Chi bộ

Thứ Tư, 20/04/2016
Tích cực tham gia lao động sản xuất, năng động, sáng tạo, mạnh dạn tìm hướng làm ăn hiệu quả, Ông Nguyễn Quốc Việt - Bí thư chi bộ đội 2, thôn Đồi Ngô, Trưởng ban công tác mặt trận tổ quốc, hội viên nông dân thôn Đồi Ngô, xã Gia Hòa, huyện Gia Viễn đã đạt được nhiều thành công từ mô hình phát triển trang trại kinh tế vườn đồi. Mô hình đem lại thu nhập trên 200 triệu đồng mỗi năm cho gia đình ông.

Năm 2000, thực hiện Nghị quyết của Đảng ủy, UBND xã Gia Hòa về chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp sang cơ cấu kinh tế vườn đồi. Gia đình ông Việt đã nhận về hơn 3 ha đất rừng để đầu tư phát triển kinh tế trang trại tổng hợp. Nhưng Gia hòa với diện tích rừng và đồi chủ yếu, là một trong những xã nghèo của huyện Gia Viễn vì vậy để chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp là rất khó, đây là điều mà không chỉ khiến các cấp chính quyền trăn trở mà ông Việt cũng thấy khó thực hiện được. Vừa là hội viên nông dân nhưng với cương vị là Bí thư chi bộ thôn nên ông gặp áp lực rất lớn, bà con nhìn cán bộ làm rồi mới làm theo. “Cán bộ phải vừa làm vừa nói có thành công thì dân mới tin tưởng”, ông Việt trăn trở.

Những năm đầu ông trồng các loại quả như xoài, vải, mận hậu, mận tam hoa nhưng không cho hiệu quả, phải chặt bỏ đi rất nhiều gốc cây lớn. Năm 2005, gia đình ông được Chi cục kiểm lâm tỉnh hỗ trợ giống các loại cây như: Nhãn Hương Chi, Trám trắng, Chè đắng, Trám vàng nhưng không đem lại hiệu quả kinh tế cao cho trang trại. Nhưng với đặc điểm địa hình cũng như chất đất là đồi, rừng nên cũng ít có loại cây trồng phù hợp, những loại cây phù hợp với đất đồi cũng không đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Ảnh: Ông Việt bên vườn cây ăn quả của mình

Với địa thế là đồi núi nên việc khó khăn nhất trong việc chăm sóc cây ăn quả  là việc đưa nước tưới lên trên đồi, nhưng bài toán này đã được ông tính toán một cách rất hợp lý. Ông cho đào rất nhiều giếng ở trên đồi, lắp đặt các hệ thống tưới nước diện rộng cho toàn bộ 2 ha trồng cây ăn quả của mình. Hiện nay, trong trang trại rộng hơn 3 ha của ông Việt đã có hệ thống tưới tiêu cung cấp đủ nước cho cây trồng vào mùa xuân, khi cây bắt đầu ra hoa và quả đảm bảo chất lượng quả tốt.

Nhờ chăm chỉ chiết cành, nhân giống cứ hỏng cây này lại trồng thử nghiệm cây khác, thời gian đầu gia đình ông Việt chỉ có hơn chục gốc nhãn, gốc bưởi mà bây giờ lên tới con số tổng cộng vài trăm gốc. Mô hình đầu tư thành công nhiều hội viên nông dân trong xã, huyện đã tới học hỏi và mua giống về trồng. Nói về trang trại kinh tế vườn đồi của ông Việt, Anh Phạm Hồng Phú  - Chủ tịch Hội Nông dân xã Gia Hòa cho biết: “Đi đầu trong việc chuyển đổi kinh tế phát triển trang trại vườn đồi, vì đặc điểm vùng trồng là đất đồi, núi dốc nên việc khó khăn nhất để phát triển trang trại kinh tế vườn đồi này là xác định được loại cây chủ yếu và đường nước tưới tiêu. Mô hình này đã được bác Việt nghiên cứu và tính toán hợp lý, vì vậy đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đây là một trong những mô hình kinh tế trang trại vườn đồi thành công trong xã và đã có hơn 50% số hộ nông dân trong xã đến học tập và triển khai làm theo”.

Ảnh: Đoàn Hội Nông dân tỉnh, Hội Nông dân huyện Gia Viễn xuống thăm mô hình của ông Việt

Chia sẻ với chúng tôi về mô hình trang trại kinh tế vườn đồi của mình, Ông Việt cho biết: “Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, lấy công bù lãi, áp dụng các khoa học kỹ thuật vào việc nghiên cứu, trồng và chăm sóc cây… gia đình tôi đã tìm được hướng đi đúng cho mô hình kinh tế trang trại tổng hợp”. Sau nhiều năm xác định được cây chủ lực, phù hợp với vùng đất đồi núi trên địa bàn là cây nhãn Hương Chi và bưởi nên gia đình ông đã tập trung đầu tư trồng hơn 2 ha diện tích đất với trên 100 gốc bưởi diễn, bưởi da xanh, 100 gốc nhãn Hương Chi, 50 gốc na lớn và hơn 1 ha trồng keo kết hợp với nuôi gà, bò và vài chục đàn ong mỗi năm thu nhập trên 60 triệu đồng, tổng thu năm 2014 của gia đình ông là hơn 300 triệu đồng.

Vừa tích cực phát triển kinh tế gia đình, Ông Việt vừa là một hội viên nông dân năng động, luôn đi đầu nhiệt tình trong các phong trào của Hội. Đồng thời  ông cũng là một nhân tố tích cực tác động trong phong trào “cùng nhau xây dựng phong trào nông thôn mới” ở thôn Đồi Ngô. Những tấm bằng khen, giấy khen của các cấp, ngành là sự ghi nhận cho những đóng góp của ông đối với hoạt động xã hội.

Lê Bích

Các tin khác