Ninh Bình là vùng đất địa linh, nhân kiệt có truyền thống, lịch sử văn hóa lâu đời. Không chỉ được tạo hóa ưu ái, ban tặng nhiều cảnh quan thiên nhiên phong phú, độc đáo và hấp dẫn, nhiều di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc với các lễ hội dân gian, nghề thủ công và nghệ thuật truyền thống độc đáo, ẩm thực phong phú, Ninh Bình còn sở hữu nhiều di sản văn hóa vật thể, với 1.821 di tích, trong đó có 298 di tích cấp tỉnh, 81 di tích cấp quốc gia (trong đó có 3 di tích cấp quốc gia đặc biệt) và 1 di sản hỗn hợp văn hóa và thiên nhiên thế giới.
Đây chính là nguồn lực, lợi thế to lớn để tỉnh Ninh Bình ưu tiên phát triển du lịch, xác định du lịch một trong những trụ cột chính, mang tính hạt nhân để dẫn hướng, thu hút đầu tư cũng như thúc đẩy các ngành, các lĩnh vực khác cùng phát triển.
Trong giai đoạn vừa qua, các chỉ tiêu về lượt khách, doanh thu du lịch, số lao động trong ngành du lịch... ngày càng tăng. Tốc độ tăng trưởng khách du lịch bình quân giai đoạn 2010-2019 đạt 12%/năm; doanh thu tăng bình quân 23,6%/năm. Năm 2019, Ninh Bình đón 7,65 triệu lượt khách, trong đó có gần 1 triệu lượt khách quốc tế, doanh thu du lịch đạt trên 3.670 tỷ đồng. Từ năm 2020 đến nay, tuy bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch COVID-19, song tỉnh Ninh Bình tiếp tục được khách du lịch đánh giá là điểm đến an toàn, hấp dẫn. Trong 5 tháng đầu năm 2022, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về việc mở cửa đón khách du lịch trở lại, tỉnh Ninh Bình đã chủ động chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, sản phẩm dịch vụ mới và phương án mở cửa đón khách theo 3 giai đoạn (mở cửa cho khách nội tỉnh từ ngày 15/11/2021, thí điểm đón khách ngoại tỉnh từ 01/12/2021 và mở cửa hoàn toàn hoạt động du lịch từ ngày 01/02/2022, cùng với nhiều giải pháp xúc tiến, quảng bá kích cầu du lịch, trong 9 tháng năm 2022, ngành du lịch của tỉnh đã có bước phục hồi và phát triển trở lại, toàn tỉnh đón gần 2,78 triệu lượt khách, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó: khách nội địa đón hơn 2,74 triệu lượt khách, khách quốc tế đón gần 36 nghìn lượt khách. Doanh thu ước đạt hơn 1.952 tỷ đồng, tăng gấp 3,26 lần so với cùng kỳ năm 2021. Nhìn chung, du lịch Ninh Bình đã có những bước phát triển mạnh mẽ, trở thành điểm sáng trên bản đồ du lịch Việt Nam (nằm trong nhóm 15 điểm đến hàng đầu [xếp 11/15], 10 tỉnh có lượng khách đến cao nhất cả nước), nhiều năm liền được các tạp chí, chuyên trang du lịch quốc tế bình chọn trong nhóm điểm đến hấp dẫn hàng đầu của Việt Nam và khu vực, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tạo động lực lan tỏa thúc đẩy nhiều ngành, lĩnh vực khác cùng phát triển, nhất là lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp và công nghiệp xanh..
Để phát triển du lịch ở địa phương, ngoài các yếu tố, điều kiện về tài nguyên du lịch, cần có cơ chế chính sách, nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch. Chúng tôi xin được chia sẻ một số bài học kinh nghiệm về phát triển dịch vụ du lịch của tỉnh Ninh Bình trong thời gian vừa qua:
Một là, xác định cơ chế, chính sách phát triển du lịch là yếu tố quan trọng hàng đầu, đây không chỉ là kim chỉ nam định hướng cho sự phát du lịch mà còn huy động các nguồn lực và sự vào cuộc tích cực, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cộng đồng địa phương và doanh nghiệp trong tỉnh. Mỗi giai đoạn phát triển cần phải có cơ chế, chính sách phù hợp thì mới khai thác, phát huy hiệu quả các nguồn lực trong và ngoài nước để phát triển du lịch. Tỉnh ủy Ninh Bình đã ban hành 4 nghị quyết chuyên đề về phát triển du lịch: Nghị quyết số 03-NQ/TU năm 2001 về phát triển du lịch đến 2010; Nghị quyết số 15-NQ/TU năm 2009 về phát triển du lịch đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 02-NQ/TU năm 2016 về bảo tồn, phát huy giá trị Di sản thế giới danh thắng Tràng An. Đặc biệt, nghị quyết số 07-NQ/TU về phát triển du lịch giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2045 được Tỉnh ủy ban hành ngày 29/11/2021 trong bối cảnh và xu hướng phát triển mới với nhiều cơ hội và thách thức đan xen do tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid -19 đến các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Nhằm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Ninh Bình trở thành trung tâm du lịch của cả nước và khu vực, phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị và Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Bình lần thứ XXII, giai đoạn 2021-2025, tỉnh xác định phát triển hạ tầng du lịch là một trong những “khâu đột phá chiến lược” của tỉnh, đồng thời xác định bước chuyển chiến lược phát triển từ “chiều rộng” sang “chiều sâu”, từ quan tâm đến số lượng sang chú trọng “chất lượng”, tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ du lịch theo hướng chuyên nghiệp nhằm thu hút thị trường khách có khả năng chi trả cao, từng bước đưa Ninh Bình trở thành một trong 10 điểm đến du lịch hàng đầu của Việt Nam.
Hai là, công tác quy hoạch phải đi trước một bước, và phải làm bài bản với tầm nhìn dài hạn, gắn với quản lý chặt chẽ quy hoạch. Công tác quy hoạch phát triển du lịch trong thời gian qua được tỉnh Ninh Bình đặc biệt quan tâm, chú trọng. Ngay sau khi tái lập tỉnh năm 1992, tỉnh đã tiến hành lập Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Ninh Bình giai đoạn 1995-2010 và được điều chỉnh năm 2007 cho giai đoạn đến năm 2020. Năm 2018, tỉnh Ninh Bình đã xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển du lịch với tầm nhìn xa hơn đến năm 2030; Theo đó đề ra những định hướng lớn về chiến lược quy hoạch, xác định các không gian phát triển du lịch trọng tâm cần đầu tư, các loại hình du lịch thế mạnh, các giải pháp phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Đặc biệt, ngày 30/11/2021, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1339/QĐ-UBND phê duyệt đề án phát triển du lịch Ninh Bình giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2045 với 9 nhóm giải pháp trọng tâm và 80 nhiệm vụ cụ thể hàng năm và từng giai đoạn. Đây sẽ là cơ sở khoa học và pháp lý quan trọng để các cấp, các ngành và cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh từng bước thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, giải pháp phát triển du lịch trong thời gian tới.
Ba là, lấy đầu tư công để dẫn dắt, thu hút đầu tư tư, lấy cơ sở hạ tầng đồng bộ về du lịch để thu hút các nhà đầu tư. Mặc dù, trong bối cảnh tỉnh mới tái lập còn rất nhiều khó khăn, nhưng tỉnh đã tập trung huy động, tranh thủ mọi nguồn lực, nhất sự ủng hộ và giúp đỡ của trung ương để đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng du lịch và hệ thống giao thông đồng bộ, kết nối các khu du lịch, điểm du lịch và các cơ sở dịch vụ du lịch. Nhờ đó nhiều dự án, công trình du lịch với số vốn hàng chục ngàn tỷ đồng được triển khai đầu tư đưa vào hoạt động, hình thành gần 20 khu du lịch hấp dẫn, quy mô quốc gia và quốc tế và hàng trăm cơ sở dịch vụ du lịch có chất lượng, tiêu biểu như khu du lịch sinh thái Tràng An, di tích Cố đô Hoa Lư, khu du lịch Tam Cốc - Bích Động, khu văn hóa tâm linh núi chùa Bái Đính, khu nghỉ dưỡng Emeralda, khách sạn Legend, Hoàng Sơn, Vissai, The Reed, sân gôn Hoàng Gia, sân gôn Tràng An … đặc biệt năm 2014 Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, di sản hỗn hợp đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á đã tạo nên động lực, vị thế mới cho sự phát triển của du lịch Ninh Bình.
Bốn là, lấy người dân làm trung tâm trong các dự án phát triển du lịch. Tỉnh quan tâm chú trọng phát triển các loại hình du lịch “xanh”, du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng gắn với các giá trị văn hóa, lịch sử của vùng đất cố đô Hoa Lư, di sản thế giới Tràng An. Việc phát huy các giá trị di sản văn hóa, tiềm năng về tài nguyên thiên nhiên và cảnh quan phải gắn liền với việc bảo tồn văn hóa và bảo vệ môi trường; chú trọng xây dựng các sản phẩm du lịch gắn với cộng đồng. Người dân địa phương được xác định vừa là tài nguyên du lịch, đồng thời vừa chính là chủ thể tài nguyên, người làm du lịch, người hướng dẫn viên du lịch (người chèo đò); đồng thời tỉnh luôn quan tâm xây dựng môi trường du lịch văn minh, an toàn và thân thiện để xây dựng và quảng bá thương hiệu, hình ảnh điểm đến du lịch bằng chính chất lượng sản phẩm dịch vụ, ứng xử thân thiện, văn minh và hiếu khách của người dân địa phương.
Năm là, xây dựng hệ sinh thái kinh doanh du lịch, tạo điều kiện, môi trường thuận lợi cho các thành phần kinh tế, cộng đồng dân cư địa phương tham gia đầu tư, phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ du lịch (ăn uống, chụp ảnh, bán hàng lưu niệm, sản xuất các đặc sản, sản vật địa phương). Đồng thời quan tâm xây dựng môi trường du lịch an toàn, thân thiện và văn minh, môi trường kinh doanh du lịch cạnh tranh bình đẳng. Tỉnh đã chỉ đạo huyện Hoa Lư phối hợp với Sở Du lịch triển khai kế hoạch xây dựng khu du lịch Tam Cốc - Bích Động trở thành điểm sáng về văn hóa, văn minh, từng bước giải quyết triệt để vấn đề chèo kéo, ăn xin, trộm cắp… góp phần tạo dựng hình ảnh, thương hiệu điểm đến du lịch ngày càng hấp dẫn với khách du lịch trong và ngoài nước.
Bên cạnh những kết quả đạt được, du lịch Ninh Bình còn một số mặt hạn chế như thiếu các sản phẩm du lịch dịch vụ có chất lượng cao, nhiều sản phẩm còn đơn điệu, trùng lặp (chèo thuyền, tham quan thắng cảnh), hàm lượng văn hóa trong các sản phẩm dịch vụ du lịch chưa cao, lực lượng lao động du lịch vừa thiếu, vừa yếu về chuyên môn, thiếu tính chuyên nghiệp, thiếu lao động có tay nghề, kỹ năng theo tiêu chuẩn nghề Việt Nam (VITOS). Hệ thống doanh nghiệp du lịch quy mô còn nhỏ. Ngoài ra, du lịch Ninh Bình cũng phải đối mặt với nhiều các thách thức trong việc phát triển du lịch, dịch vụ, cụ thể: (1) Cạnh tranh trong hoạt động kinh doanh du lịch ở khu vực và thế giới ngày càng gay gắt, trong khi đó khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam nói chung và Ninh Bình nói riêng còn hạn chế; (2) Ninh Bình cách Hà Nội không xa (chưa đầy 90km), giao thông thuận lợi nên khách du lịch thường chọn Hà Nội để lưu trú, trong khi đó Ninh Bình chưa có những sản phẩm và dịch vụ du lịch đa dạng, chất lượng, cao cấp, hấp dẫn (như khu nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, mua sắm đẳng cấp...) để níu chân du khách ở lại Ninh Bình (mặc dù khách đến Ninh Bình rất đông, chủ yếu là khách tham quan thuần túy, đi lễ chùa..), đây là thách thức rất lớn đối với Ninh Bình; (3) Ninh Bình còn thiếu những khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp 4 - 5 sao trở lên, dịch vụ ăn uống mua sắm cũng còn hạn chế; thiếu nguồn nhân lực du lịch có tay nghề, kỹ năng giỏi,…(4) Tác động của biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng ngày càng rõ rệt (Ninh Bình thuộc vùng Đồng bằng sông Hồng, khu vực được xác định bị chịu ảnh hưởng lớn của biến đổi khí hậu và các yếu tố thời tiết bất lợi như bão, lũ lụt, hạn hán gây khó khăn cho phát triển du lịch) (5) Du lịch tỉnh Ninh Bình phát triển trong bối cảnh chịu sức ép lớn về trách nhiệm bảo tồn các giá trị, tài nguyên và bảo vệ môi trường, đặc biệt là bảo vệ Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An.
Thực hiện mục tiêu Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 29/10/2021 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Ninh Bình về phát triển du lịch giai đoạn 2021-2030, định hướng đến 2045 đã xác định đến năm 2030, phấn đấu đưa du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội; phát triển hệ thống hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch chất lượng, có sức cạnh tranh và mang đậm bản sắc văn hóa của vùng đất, con người Cố đô Hoa Lư; thu hút khoảng 12 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 2,0 triệu khách quốc tế. Tầm nhìn đến năm 2045, phấn đấu đưa du lịch tỉnh Ninh Bình trở thành trung tâm du lịch lớn, nằm trong nhóm 10 điểm đến du lịch hàng đầu của cả nước và khu vực Đông Nam Á, du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, đóng góp 10% GRDP của tỉnh.
Để đạt được mục tiêu này và tiếp tục phát huy mạnh mẽ những kết quả đạt được, trong thời gian tới, tỉnh Ninh Bình xác định tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt một số giải pháp trọng tâm sau:
Một là, tiếp tục quán triệt và thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16 tháng 01 năm 2017 của Bộ Chính trị (khóa XII) về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; Nghị Quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Bình lần thứ XXII, giai đoạn 2020-2025; Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 29/10/2021 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Ninh Bình về phát triển du lịch giai đoạn 2021-2030, định hướng đến 2045; nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân biết được những tiềm năng, thế mạnh về lịch sử văn hóa cảnh quan thiên nhiên, du lịch, nhất là Di sản thế giới Tràng An. Đặc biệt, là nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của du lịch xác định là ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa, hội nhập quốc tế cao; có khả năng đóng góp lớn vào phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tạo động lực thúc đẩy các ngành, lĩnh vực khác phát triển.
Hai là, tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng du lịch đồng bộ, cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch và xây dựng các sản phẩm du lịch. Tập trung nguồn lực đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng các khu du lịch quan trọng của tỉnh: Quần thể danh thắng Tràng An, Quảng trường Đinh Tiên Hoàng đế, khu Công viên động vật hoang dã Quốc gia, Khu du lịch tổng hợp Kênh Gà - Vân Trình, Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long, vùng ven biển Kim Sơn... Xây dựng các tuyến, điểm du lịch mới có khả năng cạnh tranh cao, mang tính nội vùng và liên vùng.
Ba là, tăng cường thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư phát triển hệ thống cơ sở dịch vụ du lịch chất lượng cao, đẳng cấp quốc tế. Có cơ chế chính sách thu hút, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư chiến lược đầu tư từ khâu lập quy hoạch, tạo mặt bằng sạch đến các bước triển khai các trình tự, thủ tục lập phê duyệt dự án đầu tư theo quy định của pháp luật. Phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ sẽ hình thành một số khu dịch vụ du lịch phức hợp, dự án dịch vụ du lịch quy mô lớn, các trung tâm mua sắm, vui chơi giải trí, phố đi bộ - mua sắm, chợ đêm chất lượng cao tại các địa bàn trọng điểm. Đồng thời, cần tập trung đầu tư sản xuất các mặt hàng lưu niệm phục vụ khách du lịch (sản phẩm thêu ren, cói, đá, gỗ mỹ nghệ, mây tre đan, gốm sứ... gắn các hình ảnh đặc trưng của di tích cố đô Hoa Lư và di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Tràng An).
Bốn là, tập trung đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực du lịch. Một trong những biện pháp nhanh và hiệu quả nhất là cơ chế khuyến khích và tạo động lực, và điều kiện thuận lợi cho việc tự học (cá nhân), tự đào tạo (doanh nghiệp) đáp ứng nhu cầu của thị trường. Do vậy các chương trình đào tạo tại chỗ cần được ưu tiên tại mỗi doanh nghiệp; mỗi doanh nghiệp trở thành một trung tâm đào tạo. Bên cạnh đó, để khắc phục thiếu hụt lao động có tay nghề, kỹ năng giỏi, Ninh Bình sẽ có chính sách kết hợp thu hút nhân tài, lao động bậc cao, chuyển đổi nghề từ nông nghiệp sang làm du lịch. Chương trình phát triển nguồn nhân lực du lịch là nội dung ưu tiên trong chính sách, cơ chế phát triển du lịch của tỉnh Ninh Bình.
Năm là, đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch; xây dựng nét đẹp văn hóa thanh lịch, thân thiện, mến khách của người dân Cố đô Hoa Lư. Kênh thông tin quảng bá phải đến được từng phân đoạn thị trường. Có chính sách hỗ trợ, liên kết nguồn lực công để thúc đẩy phát triển doanh nghiệp lữ hành đủ mạnh có khả năng cùng thực hiện tốt chiến lược marketing cho Ninh Bình để định vị sản phẩm du lịch trên thị trường. Chú trọng đầu tư, định vị và quảng bá sâu rộng giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới - Quần thể Danh thắng Tràng An ở trong và ngoài nước, thu hút khách du lịch tới tham quan, nghiên cứu về di sản, nâng cao đời sống cộng đồng dân cư địa phương.
Sáu là, quan tâm vấn đề bảo tồn, bảo vệ môi trường để phát huy giá trị tài nguyên du lịch về tự nhiên và văn hóa. Tài nguyên du lịch, môi trường du lịch là nền tảng cốt lõi của sản phẩm du lịch vì vậy càng quan tâm thực hiện tốt việc bảo tồn, bảo vệ môi trường thì sản phẩm du lịch càng có giá trị cao. Với tính chất nhạy cảm của tài nguyên và môi trường du lịch, việc bảo tồn, bảo vệ môi trường trở lên vô cùng quan trọng. Nếu không gìn giữ, bảo vệ, tôn vinh thì không những không phát huy được giá trị mà sẽ nhanh chóng làm mai một, phương hại đến tài nguyên du lịch.
Bảy là, đẩy nhanh ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển du lịch,
đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động du lịch, xây dựng hệ thống thông tin số du lịch Ninh Bình và ứng dụng hướng dẫn viên du lịch ảo nhằm đưa du lịch Ninh Bình phát triển theo kịp cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và phát triển theo hướng nền kinh tế dựa vào tri thức, đồng thời sử dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào công tác quản lý và kinh doanh du lịch để nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của các sản phẩm dịch vụ du lịch của tỉnh.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp trên vừa góp phần bảo tồn các giá trị lịch sử văn hóa, đồng thời vừa góp phần thúc đẩy ngành Du lịch của tỉnh phát triển mạnh trong thời gian tới. Từ đó, làm cho ngành Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, thúc đẩy nhiều ngành, nhiều lĩnh vực phát triển, đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, góp phần phát triển văn hóa, xã hội; giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo..., góp phần đưa Ninh Bình ngày càng phát triển nhanh và bền vững./.
PGS.TS Đỗ Văn Dung, ThS Quách Thế Hải