Banner chính
Thứ Năm, 21/11/2024
Liên hiệp Các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Ninh Bình

Một số cách nhận biết để phòng tránh khi sử dụng thực phẩm

Thứ Sáu, 20/01/2017
Trước đây, thức ăn thường bị nhiễm bẩn bởi các vi sinh vật hay các chất độc xảy ra trong quá trình bảo quản, chế biến thức ăn nên việc phòng ngừa tương đối đơn giản: “ăn chín, uống sôi, không dùng loại ôi thiu, ẩm mốc thiếu phẩm chất”. Tuy nhiên hiện nay, một số nhà sản xuất, kinh doanh đã dùng những hóa chất cấm bừa bãi đang gia tăng ở mức độ báo động cả về quy mô và tính chất. Từ việc, bơm nước vào thịt, dùng chất tạo nạc Clenbuterol, Salbutamol* để giúp lợn tăng lượng nạc giảm mỡ, đến việc pha thuốc kháng sinh vào thức ăn cho thủy sản, sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật không nằm trong danh mục cho phép để bón cho cây trồng hoặc dùng để bảo quản các loại trái cây.

Bác sĩ Phạm Văn Phước - Chi Cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm(ATVSTP) tỉnh Đồng Tháp cảnh báo về một số tác hại của thực phẩm không an toàn hiện nay, mà các ngành chức năng cần tăng cường giám sát và người tiêu dùng cần biết để phòng tránh: “Cụ thể trong chăn nuôi, thường sử dụng các chất cấm như Clenbuterol, Salbutamol, các loại chất này có tác dụng kích thích tăng trưởng và cho thịt siêu nạc. Nếu người tiêu dùng ăn thịt lợn có tồn dư hai chất nói trên về lâu dài có thể gây biến chứng ung thư, ngộ độc cấp, run cơ, đau tim, tim đập nhanh, tăng huyết áp, choáng váng… gây tổn hại cho hệ thần kinh, hệ tuần hoàn, thậm chí gây chết người. Đối với gia súc như lợn, con vật khi ăn phải chất này chỉ có thể tồn tại được quá nửa tháng là phải giết mổ. Còn nếu chúng ta sử dụng các loại thực phẩm từ rau, củ, quả còn chứa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật sẻ dẫn đến những tác hại với các triệu chứng như tím tái, đau bụng, buồn nôn, nếu liều lượng cao thì ảnh hưởng tới tim mạch và dẫn đến tử vong.”

So sánh thịt lợn sạch và thịt lợn siêu nạc

Theo cục ATVSTP: Tùy theo loại thực phẩm, có các nguy cơ ô nhiễm, các tác nhân ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng khác nhau, đối với nguyên liệu thịt cá có nguy cơ gây nhiễm vi sinh vật gây bệnh tả, lị, thương hàn, ký sinh trùng, ô nhiễm hóa chất độc hại, chất tặng trọng kháng sinh cấm, chất bảo quản. Đối với rau, củ, quả ô nhiễm hóa chất bảo vệ thực vật, hóa chất bảo quản, vi sinh vật gây bệnh vì vậy người tiêu dùng khi sử dụng các loại thực phẩm bày bán trên thị trường cần lưu ý đến nhãn mác, hạn sử dụng của các thực phẩm, cũng như không mua, không sử dụng các sản phẩm, thực phẩm không rõ nguồn gốc và có những biểu hiện không bình thường.

Để chọn lựa các loại thực phẩm thịt tương đối an toàn bằng cảm quan, chúng ta có thể tham khảo trên một số vấn đề sau:

Thứ nhất, nếu mà chúng ta mua thịt (trâu, bò) các loại thịt này nguy cơ ô nhiễm ký sinh trùng rất là cao và hiện nay còn có tình trạng nhiều cơ sở kinh doanh bơm nước vào thịt  để tăng trọng lượng nhằm thu lợi bất chính (Loại thịt bơm nước thì có màu sắc không đều, không tự nhiên. Màng ngoài nhớt, không có độ dẻo và khi ấn tay vào thấy bùng nhùng, quan sát kỹ sẽ thấy nước rỉ ra. Khi thái miếng thịt không dính dao, đem xào nấu thì co lại). Cho nên, người tiêu dùng cần tránh mua các loại thịt có màu sắc khác thường. Tốt nhất là lựa chọn thực phẩm ở những nơi phân phối uy tín, mua của người quen và có dấu của đơn vị thú y.

Thứ hai, đối với thịt lợn ta nên chọn những miếng thịt có bề ngoài săn chắc, khi ta ấn tay vào thả ngón tay ra thì nó trở lại bình thường (tính đàn hồi cao) và mặt ngoài của miếng thịt khô ráo, độ dày lớp mỡ khoảng từ 1-1,5cm, thịt lợn bình thường có màu hồng tự nhiên và mịn.

Ngược lại thịt lợn siêu nạc có đặc điểm: Nạc nhiều vun cao (nạc gần sát với da), lợn có mỡ ít, chỉ mỏng khoảng 0,4 cm. Thịt lợn có màu đỏ như thịt bò, không còn mềm mại; khi nấu nướng bị mất chất béo và mùi vị thơm ngon. Loại thịt lợn ăn "bột siêu nạc" tích nước nhiều, thịt có độ ẩm cao, mặt cắt trên thớ thịt không được mịn, thớ ngắn, độ săn chắc kém. Ngoài ra, khi nào mà chúng ta sử dụng các miếng thịt mà bên ngoài bị ẩm, ướt, bị nhớt thì nguy cơ thịt đã được ướp hành the bảo quản.

Thứ ba, đối với rau, củ, quả thì ta nên chọn những sản phẩm có nguồn gốc từ các đơn vị được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, sơ chế rau, quả an toàn hoặc giấy chứng nhận VietGAP (giấy chứng nhận phù hợp với tiêu chuẩn GAP khác). Chọn Rau, củ, quả còn nguyên, hình dạng bình thường, màu sắc tự nhiên, cầm chắc nặng tay, không giập hoặc nứt vỏ, không héo úa, không có mùi vị lạ (mùi rau quả hư hỏng, mùi hóa chất…). Quan sát kỹ phần cuống, nếu cuống còn tươi xanh, dùng tay kéo nhẹ vẫn dính chặt vào phần trái, mà trái đã chín tức là trái chín cây, sẽ bổ dưỡng hơn trái chín ép. Cẩn thận với các loại rau trái có màu sắc quá mỡ màng, vỏ láng bóng, tươi một cách bất thường vì có thể chúng đã hấp thụ một lượng đáng kể hóa chất bảo vệ thực vật và thuốc kích thích tăng trưởng. Hạn chế tối đa việc mua các loại rau củ quả cắt gọt sẵn, tuy nhìn bắt mắt nhưng để đảm bảo màu sắc và độ tươi ngon của chúng có thể phải cần đến một số loại hóa chất độc hại được pha trộn trong nước ngâm. Bên cạnh đó, rau củ quả ngâm cũng bị mất đi các vitamin tươi sạch vốn có, khiến chúng không còn nhiều giá trị dinh dưỡng.

Những nguyên tắc chung, an toàn để chọn lựa rau quả, mùa khô (tháng 4-5-6): là mùa cao điểm của các loại sâu bệnh nên lượng hóa chất bảo vệ thực vật và thuốc trừ sâu cũng tăng đột biến, hơn nữa dư lượng thuốc trừ sâu còn sót lại thường cao hơn mùa mưa vì nước mưa đã làm trôi bớt lượng thuốc trừ sâu trên bề mặt rau quả. Do vậy, người tiêu dùng phải hết sức lưu ý khi chọn rau quả vào mùa khô, nên ưu tiên các loại rau quả gọt vỏ (bí, mướp…) hơn các loại rau ăn trực tiếp. Nên chọn các loại rau trái theo mùa vì chúng dễ phát triển mà không cần nhiều phân bón, hóa chất bảo vệ thực vật hay chất bảo quản nên rau trái ngon và an toàn, nhiều dưỡng chất hơn và đặc biệt là rẻ hơn nữa.

Để kiểm soát, loại bỏ chất cấm trong trồng trọt, chăn nuôi đảm bảo sức khỏe cho người dân, các cấp, các ngành cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến sâu rộng những tác hại đối với sức khỏe người tiêu dùng và thiệt hại đối với nhà sản xuất, kinh doanh khi sử dụng chất cấm trong trồng trọt, chăn nuôi. Hướng dẫn cơ sở sản xuất tuân thủ quy định và điều kiện đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong sản xuất nông sản và thủy sản. Khuyến khích các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm: sản xuất nông nghiệp tốt. Các ngành chức năng kiểm tra chặt chẽ, việc sử dụng hóa chất kháng sinh, chất cấm trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Bên cạnh đó công tác kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, các cơ sở giết mổ không đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, giám sát chặt chẽ sản phẩm nông, lâm, thủy sản trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ.

* Clenbuterol và salbutamol, hai chất này thuộc nhóm beta agonist có tác dụng làm giãn phế quản, được dùng làm thuốc chữa bệnh hen suyễn ở người. Tác dụng phụ của hai chất này làm cho lợn nở nang, tăng trọng nhanh, nhất là tăng lượng nạc. khi lợn được cho ăn các chất trên thì sẽ siêu nạc, tiêu lượng mỡ, và nếu không bán nhanh thì lợn sẽ chết. Do vậy, thường người ta chỉ cho dùng các chất trên khi lợn gần đến ngày xuất chuồng.

Tác giả bài viết: Nguyễn Hồng Ly

Các tin khác