Banner chính
Thứ Sáu, 04/04/2025
Liên hiệp Các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Ninh Bình

Một số cây dược liệu quý

Thứ Năm, 09/06/2016
Ở Việt Nam có rất nhiều cây dược liệu quý. Hiện nay các loại cây dược liệu quý này được trồng phổ biến không chỉ mang lại hiệu quả điều trị mà còn cải thiện kinh tế gia đình. Sau đây chúng tôi sẽ giới thiệu tới các bạn một số cây dược liệu quý ở Việt Nam đang rất phổ biến hiện nay.

1. Giảo cổ lam

Giảo cổ lam hay còn gọi là Thất Diệp đảm (tên khoa học: Gynostemma pentaphyllum), thuộc họ Bầu bí (Cucurbitaceae). Là một loại dược liệu quý mọc ở độ cao 200-2.000 m, trong các rừng thưa và khe ẩm. Ở Việt Nam đã được trồng ở Sa Pa, Tam Đảo và Hòa Bình.

Là một loài cây thảo có thân mảnh, leo nhờ tua cuốn đơn ở nách lá. Cây đực và cây cái riêng biệt. Lá đơn xẻ chân vịt rất sâu, trông như lá kép chân vịt. Cụm hoa hình chuỳ mang nhiều hoa nhỏ màu trắng, các cánh hoa rời nhau xoè hình sao, bao phấn dính thành đĩa, bầu có 3 vòi nhuỵ. Quả khô hình cầu, đường kính 5-9 mm, khi chín màu đen.

Giảo cổ lam và các chế phẩm từ Giảo cổ lam như Trà Giảo cổ lam có tác dụng giảm cân, tăng lực, hạ huyết áp, bảo vệ gan, hạ mỡ máu, chống lão hoá, giảm căng thẳng mệt mỏi, giúp tăng lực mạnh, tăng khả năng làm việc, tăng cường hệ miễn dịch, ngăn ngừa sự hình thành và phát triển của khối u, giúp dễ ngủ và ngủ sâu giấc, tăng cường máu lên não, ngăn ngừa chứng lú lẫn ở người già, tăng cường chức năng giải độc của gan. Được chế biến như một loại trà dễ uống, nhưng có công dụng cao.

2. Trinh nữ hoàng cung

Trinh nữ hoàng cung là một loại cỏ, thân hành như củ hành tây to với đường kính 10-15cm. Cây có nhiều lá mỏng kéo dài từ 80-100cm, rộng 5-8cm, hai bên mép lá lượn sóng. Lá có gân, mặt trên lá lõm thành rãnh, mặt dưới có một sống lá nổi rất rõ. Khi có hoa, hoa mọc thành tán gồm 6-18 hoa, trên một cán hoa dài 30-60cm. Cánh hoa Trinh nữ hoàng cung có màu trắng, điểm màu tím đỏ, từ thân hành mọc rất nhiều củ con có thẻ tách ra để trồng riêng dễ dàng.

Sau nhiều năm nghiên cứu cho thấy, các chất trong Trinh nữ hoàng cung có tác dụng kháng u, chiết xuất được các chất này từ Trinh nữ hoàng cung để chế tạo ra một loại thuốc điều trị u bướu. Ngoài ra, Trinh nữ hoàng cung còn có tác dụng chữa u tuyến tiền liệt, u nang buồng trứng, u xơ tử cung, u vú, viêm loét dạ dày. Chữa các khối u như u da, u nội tạng, hạn chế sự phát triển của tế bào ung thư cổ tử cung, ung thư đại tràng, u vú.

3. Hoàn ngọc

Cây Hoàn ngọc cũng là một trong những cây dược liệu quý ở Việt Nam. Cây bụi, cây cao từ 0,6 đến 1,5m, sống lâu năm. Lá của cây Hoàn ngọc có vị chát, hơi chua, thường dùng ăn kèm với cá thịt rất tốt cho hệ tiêu hóa, tránh đầy bụng, sôi bụng và đau bụng.

Khi bị đau bụng, quặn bụng, sôi bụng, đầy hơi, đi ngoài phân sống nát, trĩ, đi ngoài ra máu có thể lấy cây phơi khô sắc lên uống. Ngoài ra, lấy lá tươi, rửa sạch, giã nát đắp và băng chặt vào chỗ vết thương chảy máu có tác dụng cầm máu. Ngoài ra, cây Hoàn ngọc có tác dụng điều trị viêm loét dạ dày, tá tràng, xuất huyết đường tiêu hóa, trĩ nội, có thể dùng hoàn ngọc trắng, ngày 2 đến 3 lần, mỗi lần 8 đến 10g, dùng liền 2 tuần lễ.

4. Ba kích tím

Ba kích là cây sống lâu năm, dạng dây leo cuốn vào giá thể. Rễ có thịt dầy, hình trụ tròn, cong queo, thắt thành từng đoạn như ruột gà, được chế biến sử dụng làm thuốc. Thân hình trụ tròn, phân nhánh nhiều. Cành non có lông thô màu nâu khi già nhẵn không lông. Lá đơn nguyên, mọc đối chéo chữ thập, có cuống. Lá kim nhỏ hợp thành ống màu xám nâu. Phiến lá hình elip thuôn dài, lá non màu tím có lông, lá già màu xanh không lông. Cụm hoa ở nách lá hay đầu cành. Hoa nhỏ màu trắng ngà. Quả khi còn non màu xanh, khi chín màu hồng.

Ba kích có tác dụng: chữa trị liệt dương, bụng dưới lạnh đau, tiểu không tự chủ, tử cung lạnh; trị các chứng phong, thủy thũng; Trị nam giới bị mộng tinh, di tinh, đầu mặt bị trúng phong; Trị cước khí; trị ho suyễn chóng mặt, tiêu chảy, ăn ít; Liều dùng: 6-12g dạng thuốc thang. Có thể ngâm rượu hoặc nấu thành cao, làm thành hoàn, tán...

5. Bạch chỉ

Tên khoa học Angelica dahurica (Fisch ox Hoffin) Benth et Hook f, Thuộc họ Hoa Tán Apiaceae. Là cây thân thảo lâu năm cao 0,5-1m hay hơn. Thân hình trụ, rỗng, không phân nhánh. Lá to có cuống, phần dưới phát triển thành bẹ ôm lấy thân, phiến lá xẻ 2-3 lần long chim, mép khía răng, có lông ở gần lá mặt trên. Cụm hoa tán kép mọc ở ngọn, hoa nhỏ màu trắng, quả bế, dẹt. Mùa hoa tháng 5-6, quả tháng 7 Âm Lịch.

Cây có mùi thơm. Trong cây có tinh dầu, nhựa 1%, angelicotoxin 0,43%, byak angelicin, acid angelic, phellandren, dẫn chất furocoumarin. Các dẫn chất coumarin đã biết là isoimperatorin, imperatorin, bergapten, phellopterin, oxypeucedanin, xanthotoxin. Vị cay, tính bình, có tác dụng khư phong, chỉ thống, hoạt huyết, bài nung, sinh cơ. Ngày nay người ta biết được tác dụng kháng khuẩn, tác dụng giảm đau, tác dụng chống viêm.

Công dụng, chỉ định và phối hợp: chữa cảm sốt, sổ mũi, nhức đầu, đau răng phong thấp nhức xương, bạch đới. Thuốc cầm máu trong đại tiện ra máu, chảy máu cam, mụn nhọt, mưng mủ, viêm tuyến vú... Ngày dùng 4-12g, dạng thuốc sắc hay thuốc bột.

6. Bụp giấm

Tên khoa học Hibiscus subdariffla L, Họ Bông (Malvaceae). Cây sống một năm, cao 1,5-2m, phân nhánh gần gốc, mầu tím nhạt. Lá hình trứng, nguyên, mép lá có răng. Hoa đơn độc, mọc ở nách, gần như không có cuống. Tràng hoa màu vàng hồng hay tía, có khi trắng. Quả nang hình trứng, có lông thô mang đài mầu đỏ sáng tồn tại bao quanh quả. Cây ra hoa từ tháng 7 đến tháng 10.

Đài hoa bụp giấm có tác dụng chống co thắt cơ trơn, làm thư giãn cơ trơn tử cung, làm hạ huyết áp và có tính kháng sinh, trị ho, viêm họng.  Kinh nghiệm dân gian là nhai ngậm đài hoa bụp giấm để trị viêm họng, ho. Đài và lá cũng được dùng làm thuốc nhuận gan, lợi tiểu. Dịch chiết nước đài hoa bụp giấm đem tiêm vào mèo thí nghiệm (không gây mê) cho thấy có tác dụng hạ huyết áp. Tác dụng này bị ngăn cản bởi atropin, một chiết đoạn polysaccharit nụ hoa bụp giấm tan trong nước, có tính chất như pectin polysacharit làm chậm sự phát triển của khối u sarcoma 180 cấy ghép trên chuột.

Dầu ép từ hạt bụp giấm và chất không xà phòng hoá có tác dụng kháng sinh trên một số chủng vi khuẩn  như Escherichia coli, Salmonella typhi, Bacillus subtilis, Coryne bacterium pyogenes, Staphylococcus aureus... và có tác dụng kháng nấm trên một vài loài nấm: aspergillus, trychophyton, cryptococcus...

7. Bồ Công anh

Bồ Công anh có tên là: Diếp hoang, Diếp trời, Rau bồ cóc, Rau bao, Rau chuôi, phắc bao (Tày), lày máy kìm (Dao). Tên khoa học Lactuca indica L; Họ Cúc (Asteraceae).

Bồ Công anh là cây sống 1 năm, ưa sáng nhưng cũng có thể chịu được bóng. Cây mọc từ hạt vào mùa xuân đến mùa hè. Lá mỏng nhăn nheo, nhiều hình dạng, thường có lá hình mũi mác, gần như không có cuống, mặt trên màu nâu sẫm, mặt dưới màu nâu nhạt, mép lá khía răng cưa, to nhỏ không đều. Có lá chỉ có răng thưa hay gần như nguyên. Gân giữa to và nổi nhiều, vị hơi đắng. Đoạn thân dài 3-5 cm, tròn, thẳng, lõi xốp, đường kính khoảng 0,2 cm, mặt ngoài màu nâu nhạt, lốm đốm, có mấu mang lá hoặc vết tích của cuống lá.

Bồ Công anh (Đông y cho là thuộc về hàn lương) được áp dụng phương pháp lồng cử động, đã thể hiện tác dụng an thần. Có công năng: Thanh nhiệt giải độc, tiêu viêm tán kết.

Công dụng: Dùng làm thuốc chữa mụn nhọn, đau vú, sưng vú, tắc tia sữa, áp xe, tràng nhạc và các vết thương nhiễm trùng. Còn dùng uống trong chữa bệnh đau dạ dày, ăn uống không tiêu, mắt đỏ sưng đau. Thường dùng 20-30g, dạng thuốc sắc. Cũng có thể dùng cao uống trong và dán ngoài trong các trường hợp viêm nhọt, hoặc dùng lá tươi giã nhỏ, thêm một ít tí muối, pha nước, lọc lấy nước cốt uống, còn bã thì đắp cho mụn nhọt chóng vỡ mủ.

8. Cà gai leo

Cà gai leo còn có tên là cây gai dây, gai cươm, tên khoa học là Solanum hainanense. Cà gai leo là cây nhỏ, cành non tỏa rộng, phủ lông hình sao và có nhiều gai. Theo kinh nghiệm dân gian, Cà gai leo được dùng làm thuốc chống viêm, chữa phong thấp, chống u và có tác dụng giải rượu.

Nhiều người sau khi sử dụng Cà gai leo sẽ bớt cảm giác chán ăn, mệt mỏi, vàng da, men gan trở về bình thường nhanh sau 2 tháng. Đặc biệt sau 3 tháng sử dụng, hầu hết các bệnh nhân đều giảm nồng độ virus trong máu rõ rệt, thậm chí đã ghi nhận trường hợp âm tính virus.

Đông Hà (Tổng hợp)

Các tin khác