1. Miễn, giảm giá vé cho các đối tượng chính sách khi đi tàu
Nghị định 65/2018/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 12/05/2018 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đường sắt có hiệu lực từ 01/07/2018, trong đó quy định miễn, giảm giá vé cho các đối tượng chính sách xã hội khi đi tàu.
2. Tăng lương cơ sở từ ngày 1/7/2018
Theo Nghị định 72/2018/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 15/05/2018 quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, từ ngày 1/7/2018, mức lương cơ sở là 1.390.000 đồng/tháng, thay cho mức cũ là 1.300.000 đồng/tháng.
3. Chính sách chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp qua hoạt động khuyến nông
Nghị định 83/2018/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 24/05/2018 về khuyến nông có hiệu lực từ ngày 10/07/2018. Trong đó nêu rõ chính sách chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp thông qua hoạt động khuyến nông như: Chính sách bồi dưỡng, tập huấn, đào tạo; chính sách thông tin tuyên truyền; chính sách xây dựng và nhân rộng mô hình; chính sách khuyến khích hoạt động tư vấn, dịch vụ khuyến nông…
4. Được khuyến mại, giảm giá đến 100% trong mùa giảm giá
Có hiệu lực từ ngày 15/7/2018, Nghị định 81/2018/NĐ-CP cho phép khuyến mại, giảm giá hàng hóa, dịch vụ đến 100% trong mùa khuyến mại, giảm giá; ngoài giờ, ngày, tuần, tháng, mùa khuyến mại, chỉ được khuyến mại đến 50% giá trị của hàng hóa, dịch vụ.
Cũng từ ngày 15/7/2018, tổng thời gian thực hiện chương trình giảm giá với một loại nhãn hiệu hàng hóa, dịch vụ tối đa là 120 ngày/năm, tăng 30 ngày so với trước đây. Bên cạnh đó, doanh nghiệp không đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp không được khuyến mại theo mô hình đa cấp, trong đó đối tượng khuyến mại gồm nhiều cấp, nhiều nhánh, người trước được hưởng lợi ích từ việc mua hàng của người sau.
5. Hỗ trợ doanh nghiệp nhận chuyển giao công nghệ
Có hiệu lực từ 1/7/2018, Nghị định 76/2018/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 15/05/2018 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ, hỗ trợ doanh nghiệp có dự án thuộc ngành, nghề ưu đãi đầu tư, địa bàn ưu đãi đầu tư nhận chuyển giao công nghệ từ tổ chức khoa học và công nghệ.
6. Điều chỉnh giảm giá 70 dịch vụ y tế do bảo hiểm chi trả
Có hiệu lực từ 15/7/2018, Thông tư 15/2018/TT-BYT của Bộ Y tế điều chỉnh giảm giá 70 dịch vụ, gồm: 6 giá khám bệnh (của 5 hạng bệnh viện và Trạm y tế xã), bình quân giảm 17%; 34 giá ngày giường bệnh (của 5 hạng bệnh viện và các loại giường), bình quân giảm 6%; 30 dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm, bình quân giảm 24%
7. Nhiều thiết bị không được sản xuất, kinh doanh từ 10/7/2018
Ngày 18/5/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 24/2018/QĐ-TTg ban hành Danh mục và lộ trình phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng phải loại bỏ và các tổ máy phát điện hiệu suất thấp không được xây dựng mới.
Theo đó, từ ngày 10/7/2018, không cho phép nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh các thiết bị có hiệu suất năng lượng không đáp ứng mức hiệu suất năng lượng tối thiểu quy định tại các Tiêu chuẩn quốc gia như: Bóng đèn huỳnh quang không đáp ứng tiêu chuẩn của TCVN 7866:2008; Tủ lạnh không đáp ứng tiêu chuẩn của TCVN 7828:2013; Máy giặt không đáp ứng tiêu chuẩn của TCVN 9536:2012…
8. Không cho phép dân cư sinh sống trong khu công nghiệp
Ngày 22/5/2018, Chính phủ ban hành Nghị định 82/2018/NĐ-CP quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế.
Theo Nghị định này, dân cư không được phép sinh sống trong khu công nghiệp, khu chế xuất; chuyên gia nước ngoài sinh sống tại đây không được kèm người thân.
Về chính sách đối với khu công nghiệp, khu kinh tế và khu chế xuất, Nghị định quy định: Cán bộ, công nhân viên làm việc trong khu chế xuất, doanh nghiệp chế xuất mang ngoại hối từ nội địa Việt Nam vào khu chế xuất và ngược lại không phải khai hải quan; Doanh nghiệp đầu tư vào khu công nghiệp, khu kinh tế được hỗ trợ thực hiện thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa, tại chỗ”, hỗ trợ về tuyển dụng lao động và các vấn đề liên quan khác trong triển khai thực hiện dự án; Doanh nghiệp có dự án đầu tư trong khu công nghiệp, khu kinh tế được khấu trừ chi phí xây dựng, vận hành hoặc thuê chung cư và các kết cấu hạ tầng phục vụ cho công nhân làm việc tại khu công nghiệp, khu kinh tế để tính thu nhập chịu thuế…
Nghị định này có hiệu lực từ ngày 10/7/2018.
9. Gây oan sai, công chức phải hoàn trả bằng lương
Gây oan san, công chức phải dùng lương để hoàn trả số tiền Nhà nước đã bồi thường cho người bị oan sai. Trong đó, mức hoàn trả trong trường hợp công chức cố ý gây thiệt hại nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự được quy định như sau:
- Nếu Nhà nước đã bồi thường hơn 100 tháng lương của người thi hành công vụ gây thiệt hại, mức hoàn trả là 50 tháng lương của người đó;
- Nếu Nhà nước đã bồi thường từ trên 80-100 tháng lương, mức hoàn trả từ 40-50 tháng lương nhưng tối đa 50% số tiền mà Nhà nước bồi thường;
- Nếu Nhà nước đã bồi thường từ 60-80 tháng lương, mức hoàn trả từ 30 đến dưới 40 tháng lương nhưng tối đa 50% số tiền mà Nhà nước đã bồi thường;
- Nếu Nhà nước đã bồi thường thấp hơn 60 tháng lương, mức hoàn trả bằng 50% số tiền Nhà nước đã bồi thường.
Bên cạnh đó, cơ quan có người thi hành công vụ gây thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự phải trực tiếp xin lỗi và cải chính công khai với người bị thiệt hại.
Nội dung trên được quy định tại Nghị định 68/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/7/2018,
Đông Hà