Trồng rau trong nhà kính và sử dụng thuốc trừ sâu bệnh từ hành, tỏi, ớt giúp cho vườn rau của gia đình ông Ngô Duy Hợp hạn chế được sâu bệnh không dùng đến thuốc bảo vệ thực vật
Đầu tư nhà kính để trồng rau an toàn
Là một cán bộ chuyên ngành rau của trạm Bảo vệ thực vật huyện Đồng Phú (tỉnh Bình Phước), ông Ngô Duy Hợp có điều kiện tiếp xúc với nhiều người trồng rau trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, ông Hợp vẫn không yên tâm với cách canh tác của người nông dân như hiện nay, vì phải sử dụng quá nhiều thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học. Dù đã nhiều lần chuyển giao kỹ thuật trồng rau an toàn cho các hộ trồng rau nhưng nhiều hộ vẫn không thay đổi cách trồng. Trong một lần tình cờ đi tham quan mô hình trồng rau theo phương thức thủy canh của anh Nguyễn Phú Hội ở huyện Bù Gia Mập (tỉnh Bình Phước), ông Hợp đã bị cuốn hút với cách trồng rau an toàn trong nhà kính. Đầu năm 2014, ông Hợp quyết định đầu tư gần 1 tỷ đồng xây dựng màng lưới nhà kính trên diện tích 2.000m2 để trồng rau theo phương pháp an toàn.
Ông Hợp cho biết, việc trồng rau trong nhà kính có thể hạn chế được sâu bệnh xâm nhập. Qua đó, tỉ lệ thuốc bảo vệ thực vật sẽ giảm hơn một nửa so với trồng rau ngoài trời, đồng thời có thể trồng rau được quanh năm không phụ thuộc vào thời tiết, đặc biệt giúp rau đạt năng suất cao, đảm bảo rau an toàn tuyệt đối. Ngoài ra hệ thống này có thể tự động điều chỉnh độ ẩm bên trong. Khi nhiệt độ lên cao thì hệ thống phun sương trong nhà kính sẽ tự động bật lên để làm mát. Lúc này hệ thống quạt đối lưu sẽ tự kích hoạt để làm giảm bớt độ ẩm. Trường hợp thời tiết bất thường như trời quá nắng, hệ thống màng cản quang sẽ tự động kéo ra và khi có mưa, hệ thống cũng sẽ tự động di chuyển để kéo mái không cho mưa lọt vào bên trong nhà kính. Sử dụng hệ thống này có thể tiết kiệm được nhân công lao động, giảm chi phí sản xuất.
Chế phẩm thuốc trừ sâu từ các loại rau, củ, quả
Không những đầu tư tiền tỷ xây dựng màng lưới nhà kính để trồng rau an toàn, ông Hợp còn khiến chúng tôi ngạc nhiên với cách phòng trừ sâu bệnh trên cây rau bằng các loại rau, củ, quả như: hành, tỏi, ớt, gừng, vỏ cam, rau đã hư... Ông Hợp cho biết: “Hơn 2 năm về trước tôi được một người bạn giới thiệu về phương pháp sử dụng men sinh học E.M để ủ các loại rau, củ, quả thành thuốc trừ sâu, thuốc dưỡng cho rau. Sau 2 năm thử nghiệm trên cây cao su, điều, đến tháng 7/2014 tôi quyết định hướng tới trồng rau sạch theo phương pháp này”.
Ông Hợp giải thích, chế phẩm men sinh học E.M là phương pháp sản xuất theo công nghệ vi sinh lên men các vi sinh vật có ích (vi khuẩn quang hợp, vi khuẩn lactic, xạ khuẩn và nấm men) sống cộng sinh trong cùng một môi trường có hiệu quả tác động như: bổ sung vi sinh vật cho đất; cải thiện môi trường, tiêu diệt tác nhân gây bệnh, sâu hại trong đất; tăng năng suất, chất lượng vườn rau, đặc biệt an toàn cho người lao động.
Để thực hiện phòng trừ sâu bệnh và tăng cường chất dinh dưỡng, từ khâu làm đất cần tăng tỷ lệ tỏi trong hỗn hợp lên men để tăng sức đề kháng cho rau sau này. Theo ông Hợp, tỏi vốn có chất đề kháng tự nhiên cao, do đó sử dụng tỏi giúp phòng ngừa sâu bệnh hại và tăng cường chất dinh dưỡng cho đất. Khi rau đã lớn, ông sử dụng công thức 50cc hỗn hợp chế phẩm sinh học E.M đã được ủ lên men với các loại củ, quả hòa trong 20 lít nước để sử dụng cho 1 sào rau. Nếu thấy vườn rau bị sâu bệnh hại tấn công sẽ tăng số lượng các loại như hành, ớt, tỏi, sả, gừng… có tính khử trùng để diệt trừ sâu bệnh. Trung bình mỗi tuần, ông Hợp phun xịt cho vườn rau từ 1 đến 2 lần. “Nhờ sử dụng phương pháp này, vườn rau của gia đình tôi vừa hạn chế sâu bệnh gây hại, vừa giảm giá thành chi phí sản xuất và nhân công lao động. Nếu ai quan tâm, tôi sẽ sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật ủ lên men này” - ông Hợp nói.
Hướng dẫn cách chế thuốc trừ sâu hại rau từ rau, củ, quả
Ông Ngô Duy Hợp cho biết, cách làm loại thuốc này rất đơn giản trước hết bà con mua chế phẩm men sinh học E.M (trên thị trường có bán). Cách làm, đổ nước vào khoảng ½ thùng chứa có nắp đậy (tùy thuộc vào thể tích thùng chứa), sau đó bỏ các loại rau, củ, quả như: hành, tỏi, ớt, vỏ cam, quýt, rau đã hư… vào thùng rồi đổ chế phẩm lên men sinh học E.M vào (tùy liều lượng người sử dụng).
Tiếp đến, bà con dùng tay đảo đều các loại hỗn hợp này lại, sau khi trộn đều bà con đẩy nắp kín tránh không khí lọt vào. Sau đó bà con ủ với thời gian khoảng 3 - 5 ngày là đưa ra sử dụng được. Nếu vườn rau bị sâu bệnh gây hại tấn công bà con có thể bổ sung thêm các loại quả có tính khử trùng như hành, ớt, tỏi…vào rồi phun cho rau., bà con dùng 50cc chế phẩm sinh học đã lên men (vớt bả) hòa với nước rồi phun trực tiếp trên phần rau bị sâu bệnh tấn công.
Theo ông Trần Ngọc Kinh - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Bình Phước, mô hình trồng rau của ông Ngô Duy Hợp là phương thức canh tác mới giúp đảm bảo rau an toàn, người tiêu dùng yên tâm khi sử dụng. Do đó cần được nhân rộng mô hình ra toàn tỉnh. Hiện Chi cục đã cấp giấy chứng nhận rau an toàn cho ông Ngô Duy Hợp. Trong thời gian tới, Chi cục sẽ tuyên truyền người dân hướng đến trồng rau an toàn, trong đó, hạn chế việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học cho rau.
Đỗ Văn (nguồn Báo Bình Phước)