Hầu hết mọi người đều nghĩ cây cảnh chỉ là một thứ để trang trí cho không gian trong nhà. Thế nhưng, theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Urban Clinical & Urban Greening (Xanh hoá đô thị), ngoài tính thẩm mỹ, việc trồng cây trong nhà có thể mang lại những lợi ích quan trọng cho sức khỏe tinh thần của con người trong thời kỳ đại dịch.
Kết quả được dựa trên cuộc khảo sát với 4.000 người từ nhiều quốc gia trên thế giới như Hy Lạp, Tây Ban Nha, Ý, Brazil... Theo đó, 74% người được hỏi cho biết việc trồng cây trong nhà khiến tinh thần của họ cảm thấy phấn chấn hơn trong thời gian phong toả do Covid-19. Những người có trồng cây cảnh trong nhà có xu hướng ít trải qua những cảm xúc tiêu cực hơn so với những người không có cây xanh trong nhà.
Những lợi ích không chỉ đến từ việc nhìn vào màu xanh của cây cối mà còn từ việc thực hiện các công đoạn chăm sóc như tưới nước, cắt tỉa. Tưới nước và chăm sóc cây trồng được coi là một bài tập thể dục trí óc giúp cơ thể cảm thấy thoải mái, nhẹ nhàng hơn.
Không những thế, cây xanh còn có tác dụng lọc sạch các tác nhân gây ô nhiễm không khí trong nhà, một điều quan trọng trong đại dịch Covid-19. Dưới đây là những loại cây được NASA khuyên trồng trong nhà bởi tác dụng lọc không khí vô cùng tuyệt vời của chúng.
1. Cây dây nhện (Cỏ lan chi)
Nghiên cứu của NASA chỉ ra rằng cây dây nhện có thể loại bỏ được 90% chất ô nhiễm không khí có hại trong nhà như formaldehyde, một chất có khả năng gây ung thư.
Cây dây nhện được biết đến là một trong những loại cây trồng trong nhà có khả năng lọc không khí tốt nhất. Lá cây thuôn, dài có thể làm sạch không khí, loại bỏ các chất độc như formaldehyde, benzen được thải ra từ những dung dịch đánh bóng đồ đạc, chất pha loãng sơn, khói thuốc lá, chất tẩy rửa.
Cây dây nhện có thể được trồng ở hầu hết các không gian trong nhà như phòng tắm và các khu vực sinh hoạt khác của gia đình.
2. Cây lưỡi hổ
Cây lưỡi hổ có tác dụng lọc không khí rất tốt.
Cây lưỡi hổ là loài cây được NASA chứng minh có tác dụng loại bỏ được formaldehyde và các chất độc khác trong nhà như CO, benzen và toluen.
Lưỡi hổ có thể chịu được môi trường ít ánh sáng và không cần tưới nhiều nước nên bạn có thể đặt cây ở nhiều vị trí khác nhau trong nhà. Tuy nhiên, loại cây này khá nhạy cảm với nhiệt độ, do đó không nên để cây ở khu vực bếp nấu ăn.
3. Cây trầu bà
Cây trầu bà được coi là "vô địch lọc không khí".
Cây trầu bà có khả năng hấp thụ các chất độc như benzen, formaldehyde và xylene từ môi trường qua tán lá hình trái tim của nó. Loại cây này có thể được trồng trong điều kiện thiếu ánh sáng.
Tuy nhiên, lá của trầu bà chứa calcium oxalate gây kích ứng da, tiêu chảy, buồn nôn, bỏng niêm mạc miệng nếu nuốt phải. Do đó các gia đình có con nhỏ cần hết sức lưu ý khi trồng loại cây này.
4. Cây thiết mộc lan
Nên để xa cây thiết mộc lan khỏi tầm với của trẻ em.
Theo nghiên cứu của NASA, thiết mộc lan là loại cây có khả năng làm sạch formaldehyde và benzen trong không khí. Tuy nhiên, lá của thiết mộc lan có thể gây ra các triệu chứng nôn, buồn nôn, tiêu chảy nếu chẳng may nuốt phải.
5. Cây cọ lá tre
Cọ lá tre phù hợp trồng trong chậu và an toàn với con người.
Cọ lá tre có thể làm sạch không khí bằng cách loại bỏ formaldehyde thường được tìm thấy trong nhiều sản phẩm tẩy rửa gia dụng như chất tẩy rửa, chất làm mềm vải, chất tẩy rửa nhà vệ sinh. Loại cây này cũng có thể loại bỏ benzen, toluen và xylen khỏi không khí trong nhà.
Cọ lá tre an toàn cho con người và cả vật nuôi. Cây dễ chăm sóc, có tốc độ sinh trưởng chậm nên phù hợp trồng trong chậu.
6. Cây lan ý
Cây lan ý có khả năng hấp thụ chất độc trong không khí.
Theo nghiên cứu của NASA, một cây lan ý có diện tích bề mặt tán lá 7.960 cm2 có thể loại bỏ 41,392 microgram độc tố benzen khỏi không khí trong nhà trong vòng 24 giờ.
Ngoài benzen, cây lan ý còn có thể loại bỏ amoniac, formaldehyde và xylen. Nhược điểm duy nhất của loại cây này là có chứa chất canxi oxalat có thể gây ngộ độc nếu không may nuốt phải. Do đó cần cân nhắc khi trồng hoặc để xa tầm với của trẻ nhỏ.
7. Cây si
Cây si thường được trồng làm cảnh trong nhà.
Cây si có thể trồng trong nhà mà không cần nhiều ánh sáng để phát triển. Bạn có thể trồng si ở những nơi có ánh sáng yếu.
Si có tác dụng lọc không khí rất tốt. Nó có thể lọc được hàng loại chất ô nhiễm có trong không khí như formaldehyde, toluene và xylen. Tuy nhiên, si không có tác dụng trong việc lọc amoniac, benzen và trichloroethylene (dung môi công nghiệp).
8. Chuối cảnh
Cây chuối có lá to hấp thụ nhiều chất độc hơn và thải nhiều oxy hơn.
Lá của cây chuối rất to đồng nghĩa với việc chúng có diện tích bề mặt lớn để hấp thụ chất độc và giải phóng oxy.
Cây chuối được coi như một máy lọc không khí tự nhiên vì chúng có khả năng loại bỏ formaldehyde.
Chuối cần nhiều ánh sáng hơn so với các loại cây khác do đó nên đặt chúng cạnh các cửa sổ hoặc nơi có ánh sáng gián tiếp.
9. Cây vạn lộc
Cây vạn lộc lá to và có thể giải phóng nhiều oxy hơn.
Vạn lộc là cây trồng rất thích hợp để đặt trong nhà, nơi có điều kiện ánh sáng thấp. Vạn lộc có lá to nên có thể giải phóng nhiều oxy hơn vào không khí trong nhà. Tuy nhiên, loại cây này có một chút độc tố có thể gây hại cho người hoặc động vật nếu nuốt phải. Do đó, cần đặt vạn lộc ở những nơi an toàn đối với trẻ nhỏ hoặc thú cưng.
10. Cây nha đam
Cây nha đam có tác dụng lọc không khí và là bài thuốc rất quý trong nhà.
Nha đam là một cây mọng nước tự nhiên phổ biến và có tác dụng làm sạch không khí trong nhà. Loại cây này có thể phát triển tốt trong điều kiện ánh sáng thấp và đã được chứng minh có hiệu quả trong việc loại bỏ formaldehyde và benzen khỏi không khí.
Một cây nha đam với tổng diện tích bề mặt lá khoảng 713 cm2 có thể loại bỏ tới 1,555 microgam formaldehyde từ không khí trong nhà trong vòng 24 giờ.
11. Cây hoa đồng tiền
Hoa đồng tiền không chỉ đẹp mà còn lọc không khí hiệu quả.
Cây hoa đồng tiền không chỉ nở những bông hoa khiến ngôi nhà thêm rực rỡ mà còn có tác dụng tuyệt vời trong việc loại bỏ các chất độc như formaldehyde, benzen và trichloroethylene trong nhà.
Cây hoa đồng tiền cần nhiều ánh sáng trực tiếp mới có thể sinh trưởng tốt.
Hoàng Nhi