Banner chính
Thứ Tư, 04/12/2024
Liên hiệp Các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Ninh Bình

Những loại rau quen thuộc được Bộ Y tế công nhận là cây thuốc

Thứ Năm, 28/11/2024

Bộ Y tế đã đưa ra danh sách 70 cây thuốc được sử dụng trong cơ sở khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền. Trong số đó, nhiều cây được người dân sử dụng làm rau ăn hằng ngày ví dụ bạc hà, tía tô, kinh giới, đinh lăng, húng chanh.

Dưới đây là những tác dụng tuyệt vời của 5 loại rau này đối với sức khỏe:

1. Bạc hà

Bạc hà có công dụng giải độc, chữa cảm cúm, ngạt mũi, nhức đầu, đau mắt đỏ… Người bệnh có thể dùng lá bạc hà hãm nước sôi uống. Báo VietNamNet dẫn nguồn trang Nature cho biết, nước ép từ lá bạc hà hỗ trợ trị các vấn đề như tiêu chảy, làm dịu cơn đau dạ dày, dị ứng.

Đây còn là nguồn tinh dầu thơm tự nhiên, giàu monoterpene và sesquiterpene, đặc biệt là menthol dùng chế biến thực phẩm, mỹ phẩm, sản phẩm chăm sóc răng miệng.

2. Kinh giới

Bài viết trên website Bệnh viện Đa khoa Medlatec có sự tham vấn y khoa của BSCKI. Dương Ngọc Vân cho biết, kinh giới (tên khoa học là Elsholtzia cristata), nguồn gốc ở châu Á, hay mọc ở khu vực nhiều nắng, thân dạng hình vuông, mọc thẳng, chiều cao khoảng 30-50cm. Hoa của loài cây này mọc thành cụm ở đầu cành, kích thước nhỏ, màu tím nhạt. Toàn thân kinh giới đều có mùi thơm, vị hơi cay vì có nhiều tinh dầu.

Kinh giới tác dụng chữa cảm cúm, tốt cho tim mạch, cải thiện giấc ngủ, hỗ trợ tiêu diệt ký sinh trùng gây hại cho đường ruột, làm sạch đường hô hấp, kháng khuẩn và phòng ngừa lão hóa hiệu quả.

 

Lá kinh giới và đinh lăng có nhiều tác dụng cho sức khỏe.

3. Đinh lăng

BSCKII Huỳnh Tấn Vũ, Bệnh viện Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh - Cơ sở 3 cho biết, cây đinh lăng được trồng phổ biến làm cảnh khắp nước ta, nó còn tên gọi khác là cây gỏi cá vì nhiều người thường lấy lá để ăn gỏi cá.

Trong đinh lăng có các alcoloid, glucozit, saponin, flavonoid, tanin, vitamin B. Các axit amin gồm lyzin, xystei và methionin là những axit amin không thể thay thế được.

Lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Hội Đông y Hà Nội cho biết, trong Đông y lá đinh lăng vị bùi, đắng, thơm, hơi mát, tác dụng lương huyết, giải độc, chống tanh hôi, lợi niệu, tiêu mẩn ngứa. Lá đinh lăng được dùng trong các bài thuốc chữa dị ứng, ho ra máu, kiết lỵ.

Ngoài ra, lá của cây đinh lăng thường được dùng dưới dạng thuốc sắc, rượu ngâm hoặc bột khô để chữa chứng ho, đau tức vú, tắc tia sữa, làm lợi sữa, chữa kiết lỵ và làm thuốc tăng lực, chữa chứng suy nhược cơ thể.

Cây đinh lăng được mọi người dùng để ăn như rau làm gia vị và chữa nhức đầu. Nhiều nơi thường lấy lá đinh lăng để nấu canh với thịt, cá bồi bổ cho sản phụ, người già hoặc người ốm mới dậy.

4. Húng chanh

Húng chanh còn được gọi là dương tử tô, rau thơm lông thuộc họ bạc hà. Loại rau sống quen thuộc này có thể chữa cảm cúm, sốt nóng về chiều, chữa ho, viêm họng, khản tiếng, chảy máu cam, táo bón.

Báo VietNamNet dẫn nguồn trang MDPI cho biết, lá húng chanh có khả năng sản xuất ra loại tinh dầu có hàm lượng cao carvacrol, thymol, β-caryophyllene mang nhiều đặc tính dược lý như chống khối u, chống oxy hóa, kháng khuẩn, chống viêm, chống động kinh, chữa lành vết thương, diệt ấu trùng và giảm đau.

5. Tía tô

Bài viết trên website Bệnh viện Đa khoa Medlatec có sự tham vấn y khoa của BSCKI. Dương Ngọc Vân cho biết, lá tía tô màu xanh đậm, bên trong có nhiều gân màu đỏ tía. Từ xa xưa, người Việt đã lưu truyền nhiều bài thuốc từ dược liệu này và các món ăn dân giã không thể thiếu tía tô. Không ít nghiên cứu chỉ ra rằng lá tía tô có thể hỗ trợ điều trị cúm, ngộ độc thực phẩm, hen suyễn, virus đường hô hấp, tiểu đường.

Các công dụng tiêu biểu của dược liệu tía tô có thể kể đến là: Làm đẹp da; điều trị gout và tốt cho tiêu hóa; phòng bệnh ung thư; chữa bệnh về da; hỗ trợ giảm cân; ổn định các bệnh lý miễn dịch tự nhiên.

Đông Hà

Các tin khác