Banner chính
Thứ Năm, 21/11/2024
Liên hiệp Các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Ninh Bình

Những lưu ý khi trồng nấm rơm

Thứ Hai, 30/11/2015
Trồng nấm rơm rất đơn giản, nhưng nếu áp dụng đúng kỹ thuật mới cho năng suất cao.

1. Giống gốc
Nguồn giống ban đầu phải là giống tốt, khoẻ mạnh, chia nhánh đều, giống không bị nhiễm tạp mốc hoặc vi khuẩn, mô thịt nấm bến nâu có những vệt đục sữa, bóng láng... Nhận biết giống tốt, giống xấu khi tơ nấm gần như đồng nhất về màu sắc, và hình dáng, sợi tơ mọc khoẻ, thẳng và chia nhiều nhánh đều, không có tơ rối bông, móc câu. Tơ của giống tốt thường mọc dày, được giữ nơi mát trong thời gian sinh trưởng nên tơ còn trắng.
Thường thì các giống thuần, giống gốc thường được cung cấp bởi các trung tâm kỹ thuật, có chuyên môn.

2. Không trồng meo già
Khi meo không đủ điều kiện tạo nấm, tơ nấm ngừng tăng trưởng, và bị già đi. Các sợi tơ kết thành mảng mỏng, tơ nằm sát xuống cơ chất - nguyên liệu. Trên các sợi tơ già xuất hiện các giọt nước có màu từ trắng sang vàng trong. Sợi tơ nấm bình thường màu trắng, khi già chuyển sang màu tối, xám tro hoặc nâu. Riêng tơ nấm rơm có màu vàng. Thời gian meo giống già trên nấm rơm từ nửa tháng đến 20 ngày. Khi tơ nấm già, năng suất cho nấm không cao, tai nấm không đồng nhất, kích thước giảm. Vì vậy không sử dụng meo nấm đã già.

3. Xử lý rơm rạ
Nên chọn rơm rạ tốt. Theo kinh nghiệm của nhiều nông dân, năng suất nấm từ rơm rạ nếp cao hơn lúa tẻ, rơm lúa mùa cao hơn rơm rạ lúa ngắn ngày, rơm rạ đất phù sa cao hơn rơm trên đất bón phân chuồng, rơm rạ trên đất phân chuồng cao hơn trên đất bón phân hoá học. Không trồng nấm từ rơm rạ lúa trồng trên đất nhiễm phèn và nhiễm mặn. Dùng rơm rạ suốt máy tốt hơn đập bằng tay...
Với rơm rạ tốt, chỉ ủ 5-7 ngày sau tưới nước vôi, trong khi rơm rạ không tốt phải ủ tới 10-15 ngày và phải xáo trộn 2-3 lần.

4. Bệnh của nấm
Bệnh nấm rơm có 2 loại: bệnh sinh lý và bệnh nhiễm.
Bệnh sinh lý với nhiệt độ trên 40oC, tơ nấm mọc chậm, thưa dần rồi chết, còn dưới 15oC, tơ ngừng tăng trưởng và không mọc lại được, ngoài ra, quả thể nấm hay tai nấm cũng không tạo thành được dưới 25oC, từ 25-28oC tai nấm bị dị hình, trên 35oC tai nấm sớm bung dù.
Bệnh nhiễm thường là nhiễm nấm mốc và nấm dai. Nấm mốc xanh, mốc cam, mốc thạch cao... phải xử lý thuốc tím hoặc acid acetic, nặng hơn phải dùng Bennomyl, Zineb, Validacin... Ngoài ra còn có các loại côn trùng như: ruồi, mạt gà, bọ nhảy, cuốn chiếu, kiến, gián... phá hại nấm, phải dùng thuốc Furadan để diệt trừ.

5. Bảo quản nấm
Hái nấm sớm vào 3-6 giờ sáng hoặc từ chiều tối hôm trước. Nấm rơm tươi có thể giữ thời gian 4 ngày nếu để nấm ở nhiệt độ 10-15oC (bảo quản bằng nước đá khô). Có thể luộc qua nước sôi 10-15 phút có pha thêm ít muối + acid nitric để có độ pH=3, vớt ra làm nguội nhanh sau đó ướp với muối bột. Sau 12 giờ vớt ra, rửa sạch muối bám ngoài, cho tiếp vào dụng cụ chứa có ngập nước muối 20-23oC.

Thu Hoài (theo Nông nghiệp Việt Nam)

Các tin khác