Giảm bớt ăn uống, ăn kiêng khem, thực dưỡng không đúng
Có một quan điểm sai lầm đang tồn tại: ăn uống càng bổ dưỡng thì sẽ khiến khối u phát triển nhanh, cần phải giảm bớt việc ăn uống và “bỏ đói” khối u. Tuy nhiên cho đến nay, chưa có chứng minh lâm sàng nào cho thấy hiệu quả của việc điều trị ung thư bằng phương pháp nhịn ăn để “bỏ đói khối u”. Ăn ít cũng không thể ngăn chặn khối u phát triển, vì khối u sẽ lấy năng lượng từ nguồn dự trữ của cơ thể, đặc biệt là khối cơ.
Hậu quả của nhịn đói là tình trạng dinh dưỡng của toàn cơ thể kém đi, thể lực giảm sút, hệ miễn dịch giảm sút dẫn tới nhiễm trùng, lâu liền vết thương…nên ảnh hưởng xấu đến kết quả điều trị. Vì thế, không nên áp dụng nhịn ăn “bỏ đói khối u” không có cơ sở khoa học. Khái niệm bỏ đói tế bào ung thư thực ra là phương pháp nút mạch (gây tắc mạch đến các động mạch cấp máu cho khối u, cắt đứt nguồn dinh dưỡng đến nuôi u) trong một số trường hợp khi khối u còn nhỏ. Do đó, duy trì dinh dưỡng đầy đủ mới là cơ sở nền tảng của việc điều trị.
Kiêng khem hoàn toàn thịt đỏ (lợn, bò…) để giảm cung cấp máu cho khối u hạn chế khối u phát triển
Sự thật là vitamin B12 hay sắt trong thịt đỏ và đạm động vật khác giúp cải thiện tình trạng thiếu máu cũng như giúp nhanh liền vết thương sau mổ. Việc kiêng khem này làm người bệnh thiếu máu, cản trở quá trình làm lành vết thương, giảm khả năng phòng ngừa nhiễm trùng.
Không ăn thực phẩm hay uống thức uống giàu viatmin C sau mổ để tránh vết mổ không "chảy dịch vàng"
Sự thật là viatmin C giúp phát triển collagen, tăng cường sức đề kháng và thúc đẩy quá trình lành vết mổ.
Không uống sữa giàu năng lượng để khối u phát triển thêm
Nếu bệnh nhân thiếu năng lượng hay ăn uống kém thì việc bổ sung sữa giàu năng lượng là cần thiết. Bởi vì, sữa cung cấp đầy đủ các dưỡng chất thiết yếu, cao năng lượng giúp người bệnh phục hồi hay tránh tình trạng suy dinh dưỡng nặng nề thêm, góp phần cải thiện kết quả điều trị, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Bồi bổ quá mức cần thiết
Nhiều bệnh nhân ung thư, thể chất suy nhược đi nên tích cực bồi bổ nhưng phải hợp lý về số lượng cũng như chất lượng mỗi bữa, thành phần cân đối các nhóm chất cần thiết mỗi ngày tùy giai đoạn bệnh. Đâu đó có những quan niệm bồi bổ quá mức trong một thời gian ngắn các thực phẩm giàu dưỡng chất như thịt cá, cua biển, gà, bò, nhân sâm, đông trùng hạ thảo, nấm linh chi, rùa.. nhồi nhét vào cơ thể như vậy là không hợp lý.
Bệnh nhân ung thư sau khi phẫu thuật, hóa xạ trị thường ăn uống kém, chức năng hệ tiêu hóa suy giảm rõ rệt. Trong giai đoạn này nếu tích cực bồi bổ không những cơ thể sẽ không thể hấp thụ hết được mà còn làm trì trệ chức năng hệ tiêu hóa, không có lợi cho sự cải thiện tình trạng sức khỏe của người bệnh.
Việc bồi bổ không nên dồn cùng một lúc mà cần phải từ từ, phù hợp với từng giai đoạn bệnh và khả năng làm việc của hệ tiêu hóa trong cơ thể, cần hỏi ý kiến bác sĩ khi chăm sóc dinh dưỡng cho người bệnh. Nếu người bệnh ăn uống không đủ 50% so với nhu cầu khuyến nghị kéo dài, cần thiết phải can thiệp dinh dưỡng đường tĩnh mạch phối hợp theo chỉ định của bác sĩ.
Có những siêu thực phẩm và phương thuốc thần kỳ để phòng và trị ung thư
Trên thị trường hiện nay rất nhiều thực phẩm được ví như "siêu thực phẩm" có tác dụng ngăn ngừa và chưa khỏi ung thư - đó là một hoang tưởng.
Thực tế, chưa có một minh chứng hay nghiên cứu khoa học nào chứng tỏ các loại siêu thực phẩm đó có tác dụng ngăn ngừa hay chữa khỏi bệnh ung thư. Mà chỉ là lời đồn truyền tai nhau. Mỗi thực phẩm đều mang đến lợi ích nhất định nhưng không có nghĩa là chúng thần thánh như lời đồn đến mức ngăn ngừa hay chứa khỏi hoàn toàn ung thư.
Bệnh nhân ung thư muốn tìm mọi cách để chữa trị bằng, nhưng các bác sĩ khuyên bạn nên cảnh giác với bất cứ điều gì được dán nhãn là phép lạ chữa bệnh, đặc biệt là những lời quảng cáo hấp dẫn.
Đường - nuôi tế bào ung thư
Tất cả các loại đường là carbohydrate, còn được gọi là carbs, tức là các phân tử được làm từ carbon, hydro và oxy. Carbs, có thể là từ gạo hoặc bánh, sẽ bị phá vỡ trong hệ thống tiêu hóa để giải phóng glucose và các loại đường đơn khác, sau đó sẽ được hấp thụ vào máu để cung cấp năng lượng cho bạn.
Sự thật là tất cả các tế bào (kể cả tế bào ung thư) sẽ sử dụng glucose làm năng lượng. Tuy nhiên, các tế bào ung thư thường phát triển nhanh hơn nhiều so với các tế bào khỏe mạnh và có xu hướng cần nhu cầu cao đối với nhiên liệu này.
Các tế bào ung thư cũng sử dụng glucose và sản xuất năng lượng theo cách khác với các tế bào khỏe mạnh. Nhưng điều này không có nghĩa là thực phẩm có đường sẽ đặc biệt nuôi sống các tế bào ung thư. Bệnh nhân vẫn phải cung cấp đủ lượng đường trong khẩu phần ăn.
Vậy phương thức chăm sóc dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư trong từng giai đoạn như thế nào là đúng?
1. Sau phẫu thuật
- Bắt đầu ăn lại: nên uống thức uống trong (nước cơm hay nước cháo muối, nước đường, nước trái cây loãng).
- Sau đó ăn dần cháo loãng, cháo đặc dần (cháo thịt lợn, cháo thịt bò, cháo gà… 4-6 bữa/ngày).
- Uống đủ nước.
- Vận động sớm (trừ khi có chống chỉ định của bác sĩ).
2. Xạ trị
- Ăn nhẹ ít nhất 1 giờ trước xạ trị, trừ trường hợp có chống chỉ định.
- Uống nước hoặc nước trái cây, hoặc ăn ít cháo loãng hay bánh ngọt sau khi xạ trị.
- Uống đủ nước, chia nhiều bữa nhỏ trong ngày (4-6 bữa/ngày).
- Không ăn thức ăn nóng, chua, cay, mặn, thô ráp, cứng, dai khi đau họng, nuốt đau.
3. Hóa trị
- Ăn nhẹ ít nhất 1 giờ trước hóa trị.
- Nếu hóa trị kéo dài vài giờ thì nên uống thức uống dinh dưỡng hoặc ăn nhẹ trong thời gian này.
- Uống đủ nước, chia nhiều bữa nhỏ như cháo, soup, sữa dinh dưỡng 4-6 bữa/ngày.
- Nếu đỡ mệt nên thay dần bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng.
Thu Trà (St)