Banner chính
Thứ Năm, 21/11/2024
Liên hiệp Các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Ninh Bình

Những Vaccine người lớn không thể bỏ qua để phòng những bệnh nguy hiểm

Thứ Sáu, 27/09/2019
Không chỉ có trẻ em mà người lớn cũng cần được tiêm vaccine để phòng ngừa những căn bệnh nguy hiểm.

1. Vaccine cúm

Cúm lây lan qua không khí do ho, hắt hơi, nói chuyện, hoặc chỉ đơn thuần là hơi thở. Những virus này có thể được hít vào phổi, gây sốt, ho, đau nhức cơ thể và thậm chí có thể gây tử vong cho người già hoặc người bị suy giảm miễn dịch. Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh của Mỹ đề nghị, mỗi người nên tiêm ngừa một liều vaccine cúm mỗi năm, đặc biệt với đối tượng như trẻ trên 6 tháng tuổi, những người có nguy cơ cao bị biến chứng liên quan đến cúm như phụ nữ mang thai và người mắc bệnh hen suyễn, tiểu đường hoặc bệnh tim.

2. Vaccine uốn ván, bạch hầu và ho gà

Vaccine uốn ván và bạch hầu (TD) hoặc bạch hầu, ho gà, uốn ván (TdAP hay DTAP) giúp bạn chống lại bệnh uốn ván (một căn bệnh gây ra do nhiễm trùng bởi vi khuẩn), bạch hầu (nhiễm trùng đường hô hấp) và ho gà. Vi khuẩn gây ra uốn ván xâm nhập vào cơ thể thông qua vết thương hoặc các vết đứt. Uốn ván có thể dẫn đến co thắt, co cứng cơ hoặc cứng hàm nghiêm trọng, khiến bạn không thể mở miệng hoặc nuốt và một số trường hợp có thể gây tử vong. Một mũi tiêm 3 trong 1 (bạch hầu - ho gà - uốn ván) hoặc loại 2 trong 1 (bạch hầu - uốn ván) nhắc lại mỗi 10 năm có thể giúp bạn phòng uốn ván. Với các bà mẹ mang thai, để phòng uốn ván khi sinh, hãy tuân thủ đúng lịch tiêm phòng uốn ván.

3. Vaccine phòng HPV

HPV là loại virus lây truyền qua đường tình dục. Vaccine HPV giúp chống lại một số tuýp HPV gây ra hầu hết các trường hợp ung thư cổ tử cung ở phụ nữ và nhiều trường hợp ung thư họng ở nam giới. Vaccine này có thể phòng hầu hết những mụn cóc ở cả nam và nữ. Nên tiêm vaccine sớm cho những trẻ từ 9 tuổi, nhưng những người lớn trẻ tuổi, đặc biệt là nếu chưa quan hệ tình dục cũng có thể tiêm vaccine. Vaccine HPV được tiêm cho cả nam và nữ đến 26 tuổi.

4. Vaccine phòng thủy đậu

Người lớn và trẻ em đều có thể mắc thủy đậu - thậm chí tử vong vì những biến chứng của căn bệnh này như: viêm phổi, nhiễm trùng não, xương, da và mạch máu. Người lớn bị thủy đậu có nguy cơ cao dẫn đến các biến chứng và thậm chí tử vong. Vaccine cũng giúp làm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm cho cộng đồng, đặc biệt ở những người có cơ địa dễ mắc bệnh nhưng không thể tiêm vaccine như phụ nữ mang thai. Từ 13 tuổi trở lên, nên tiêm 2 liều vaccine cách nhau từ 4-8 tuần.

5. Vaccine viêm gan

Bạn nên tiêm thuốc chủng ngừa viêm gan A nếu bạn bị rối loạn đông máu, hoặc bệnh gan mãn tính và có thể tiêm bất cứ lúc nào. Nhắc lại liều thứ hai từ 6-18 tháng sau liều đầu tiên. Bạn nên tiêm thuốc chủng ngừa viêm gan B nếu bạn đang sinh hoạt tình dục không chung thủy. Tiêm nhắc lại một liều thứ hai 1 tháng sau liều đầu tiên, liều thứ ba ít nhất 2 tháng sau liều thứ hai và ít nhất 4 tháng sau liều đầu tiên.

6. Vaccine viêm màng não do não mô cầu

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), viêm màng não có thể dẫn đến tử vong cho khoảng một nửa số trường hợp nếu không được điều trị. Trong số những người sống sót sau nhiễm bệnh, cứ 5 người sẽ có 1 người bị di chứng vĩnh viễn, bao gồm tổn thương não bộ và mất đi thính lực. Ở Việt Nam, có 2 loại vaccine phòng bệnh viêm màng não do não mô cầu là vaccine não mô cầu AC và vaccine não mô cầu BC.

7. Vaccine viêm phổi

Bạn nên tiêm ngừa vaccine viêm phổi nếu bạn đang ở độ tuổi 65 trở lên; bạn có một bệnh mãn tính hoặc một hệ thống miễn dịch yếu; hoặc lá lách bị cắt. Bạn nên nhận được một liều thuốc chủng ngừa bệnh viêm phổi tại bất kỳ thời điểm nào. Bạn có thể cần tiêm liều thứ hai nếu bạn 65 tuổi trở lên và đã được tiêm liều đầu tiên trước khi 65 tuổi; người hệ thống miễn dịch yếu hoặc bệnh thận; người đã cấy ghép tủy xương...

8. Vaccine sởi, quai bị và rubella

Bạn nên tiêm phòng bệnh sởi - quai bị - rubella kết hợp (MMR) nếu bạn được sinh ra trong hoặc sau năm 1957 và chưa bao giờ được tiêm phòng chủng ngừa MMR. Bạn có thể tiêm phòng một liều vaccine MMR bất kỳ lúc nào. Tiêm nhắc lại liều thứ hai 4 tuần sau liều đầu tiên nếu mới đây bạn tiếp xúc với bệnh sởi hay phát sinh ổ dịch xảy ra trong cộng đồng. Thuốc chủng ngừa MMR không được khuyến cáo nếu bạn được sinh ra trước năm 1957, bạn có hệ thống miễn dịch yếu, bạn đang mang thai, hoặc bạn có thể có thai trong vòng 4 tuần sau khi tiêm chủng ngừa.

Trần Hằng (Yteninhbinh)

Các tin khác